Làm giàu từ kinh tế trang trại

Với niềm đam mê chăn nuôi, anh Võ Đình Duẫn (thôn Bắc Lân, xã Ba Động, Ba Tơ) đã mạnh dạn vay vốn đầu tư mô hình trang trại chăn nuôi heo khép kín. Sau 3 năm, mô hình này đã mang lại doanh thu tiền tỷ cho gia đình anh.
Có được trang trại rộng lớn như ngày hôm nay, anh Duẫn đã kinh qua nhiều lần thất bại. Lúc trước, anh Duẫn nuôi hơn 400 con gà, nhưng dịch bệnh xảy ra liên tục nên trắng tay. Sau đó, anh tập trung đầu tư vào nuôi heo. Nghĩ là làm, anh Duẫn lặn lội vào tận Bình Định tìm đến các trang trại chăn nuôi heo thành công ở đây để học hỏi kinh nghiệm.
Để vững kiến thức chăn nuôi, anh thường xuyên đọc, xem tài liệu trên ti vi, sách báo và mạng internet. Năm 2012, anh Duẫn tự tin đầu tư mô hình nuôi heo khép kín cho riêng mình. Để có loại heo giống tốt nhất, anh Duẫn vào tận Bình Dương tìm mua. Mười con heo giống đầu tiên mua về được anh Duẫn chăm sóc với chế độ đặc biệt.
Trang trại heo của anh Duẫn được đầu tư hệ thống chăn nuôi hiện đại, đảm bảo vệ sinh môi trường. Một gian nuôi heo thịt, mỗi chuồng rộng 25m² chứa hơn 20 con. Có hệ thống cho ăn, hầm biogas, vòi uống nước tự động. Gian còn lại nuôi heo nái. Mỗi con heo nằm mỗi ngăn và được cho ăn theo chế độ.
Khi đến kỳ sinh đẻ, heo nái được cho nằm trên sàn cao, có thông hơi ở dưới sàn, đồng thời kèm theo hệ thống quạt mát. “Cho heo nái lên sàn đẻ vừa sạch sẽ vừa đảm bảo an toàn cho heo con sinh trưởng tốt. Vì nằm dưới đất rất dễ sinh bệnh”, anh Duẫn chia sẻ. Cứ thế, số heo nái tăng trưởng và phát triển mạnh cho ra nhiều lứa heo con. Đến nay, tổng số đàn heo của gia đình anh Duẫn lên đến 200 con heo thịt và 20 con heo nái.
Anh Duẫn cho biết, một ngày phải tắm hai lần mới đảm bảo vệ sinh chuồng trại và không ảnh hưởng đến môi trường. Đúng như anh nói, tuy là trang trại nuôi heo số lượng lớn, nhưng khi đặt chân vào đây hầu như không có mùi hôi. Bởi, tất cả phân heo đều được xử lý bằng hệ thống hầm Biogas, tạo ra nguồn khí gas lớn phục vụ cho 6 hộ dân xung quanh. Được biết, đây là mô hình nuôi heo khép kín đầu tiên ở xã Ba Động. Bình quân cứ 4 tháng anh Duẫn xuất heo thịt ra thị trường một lần. Mỗi lần xuất khoảng 20- 30 con heo với cân nặng 1 tạ/con.
Với giá cả ổn định 45 – 50 nghìn/kg anh Duẫn thu về 300 triệu đồng/mỗi lần bán. Ngoài ra, anh Duẫn còn thu số tiền lớn từ việc bán heo giống cho các hộ chăn nuôi và sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm nuôi heo cho những ai muốn đầu tư vào mô hình nuôi heo khép kín. Ngoài nuôi heo khép kín, anh Duẫn còn sở hữu hơn 20 ha keo.
Bình quân mỗi hécta keo cho sản lượng hơn 100 tấn, đem về nguồn thu mỗi năm từ cây keo là 300 triệu đồng. Để tăng thu nhập, anh còn trồng thêm 5 sào cỏ để nuôi 4 con bò lai. Sắp tới, anh Duẫn dự định sẽ tăng thêm số lượng bò lên 20 con. Anh Duẫn tâm sự: “Đầu tư vào bất cứ cái gì đều phải bỏ công ra chăm sóc mới thu được lợi nhuận cao. Làm nông là vậy. Có chịu khó mới thành công được”.
Có thể bạn quan tâm

Đó là tương lai không còn xa, khi mà loại dược liệu quý hiếm - Đông trùng hạ thảo đã được trồng thành công và sản xuất hàng loạt theo hướng công nghiệp tại thành phố hoa. Theo các chuyên gia nghiên cứu, với điều kiện khí hậu rất phù hợp, Đà Lạt là vùng đất lý tưởng cho Đông trùng hạ thảo phát triển cả về chất lượng lẫn số lượng.

Những năm trở lại đây, thay vì thả rông trâu bò ngoài núi, người Cor ở xã Trà Giang (Trà Bồng - Quảng Ngãi) đã mạnh dạn chăn nuôi theo hình thức chuồng trại, trồng cỏ VA06 làm thức ăn cho bò. “Cũ người, mới ta”, mô hình này, bước đầu đã đem lại những hiệu quả tích cực tại địa phương.

Trước tình trạng tại một số tỉnh, TP như Hà Nội, Lâm Đồng, Long An, Sóc Trăng… các DN không thu mua hết sữa cho người chăn nuôi bò sữa trong khi chất lượng sữa vẫn đảm bảo, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đã có văn bản đề nghị Sở NN&PTNT các địa phương sớm tháo gỡ.

Trước đây, sau khi thu hoạch vụ lúa mùa, hầu hết những chân ruộng một vụ ở xã Kim Bình (Kim Bôi - Hòa Bình) bỏ hoang. Tuy nhiên, bằng cách làm sáng tạo, chịu khó của mình, những nông dân ở đây đã biến những chân ruộng 1 vụ thành bãi chăn thả nuôi gà mang lại giá trị kinh tế cao và tận dụng được nguồn phụ phẩm nông sản của gia đình.

Nhận thấy địa bàn xã Bình Tân đất rộng, nhà thưa, ruộng lúa mênh mông… rất thuận lợi để phát triển đàn bò, năm 2012, anh quyết định đầu tư chuồng trại, mua 5 con bò giống (bò ta) về nuôi. Qua thời gian nuôi, nhận thấy hiệu quả mang lại từ giống bò này không cao do chúng vừa nhỏ con, chậm lớn, thời gian phối giống lại kéo dài (17 - 18 tháng tuổi)… anh đành chấp nhận bán chịu lỗ.