Làm Giàu Từ Giống Gia Cầm

Xã Vũ Trung (Kiến Xương - Thái Bình) được nhiều người chăn nuôi trong và ngoài tỉnh biết đến bởi đây là một trong những nơi chuyên cung cấp con giống gia cầm lớn. Mỗi năm các trang trại chăn nuôi trong xã cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh hàng triệu con giống gia cầm chất lượng cao.
Ông Nguyễn Doãn Hạo, thôn 7B, xã Vũ Trung là người đi đầu trong phong trào xây dựng trang trại, gia trại và phát triển con giống tại địa phương. Hiện nay trang trại chăn nuôi con giống của gia đình ông mỗi năm cho thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo đông anh em ở xã Vũ Trung, năm 1978 như bao thanh niên cùng trang lứa khác, ông Hạo lên đường tham gia nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc tại vùng biên giới Việt Trung. Ðến năm 1982, ông phục viên trở về quê phát triển kinh tế và xây dựng gia đình.
Lúc bấy giờ kinh tế gia đình ông chỉ trông vào mấy sào ruộng khoán nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Bản thân ông đã từng lăn lộn làm thuê làm mướn rất nhiều nơi với hy vọng thoát nghèo nhưng thu nhập cũng chả đáng là bao.
Trở về quê hương, trong suy nghĩ của ông luôn trăn trở làm thế nào để có thể thoát được đói nghèo và làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương. Ðầu năm 2000, khi UBND huyện Kiến Xương có chủ trương chuyển đổi diện tích đất trũng cấy lúa kém hiệu quả sang phát triển kinh tế trang trại, gia trại.
Nhận thấy đây chính là cơ hội có thể thoát nghèo nên vợ chồng ông bàn bạc với nhau quyết định vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Kiến Xương đấu thầu hơn 5 mẫu đất trũng cấy lúa kém hiệu quả để xây dựng chuồng trại, mua con giống gia cầm về nuôi thử nghiệm.
Ban đầu do còn khó khăn về vốn nên gia đình ông chỉ đầu tư nuôi hơn 500 con gia cầm đẻ trứng, ấp bán con giống gia cầm. Thời gian đầu bắt tay vào chăn nuôi do chưa có kinh nghiệm nên gia đình ông gặp không ít khó khăn, đàn gà chậm lớn, đẻ trứng nhỏ và không đều.
Không nản lòng trước những khó khăn, ông quyết tâm đi mua sách, báo về tham khảo và tìm đến những trang trại ở trong và ngoài tỉnh để học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi.
Trải qua bao khó khăn vất vả, hiện nay trang trại của gia đình ông trở thành trang trại lớn trong xã, luôn duy trì ổn định khoảng 2.000 - 3.000 con gia cầm giống các loại. Mỗi năm gia đình ông cũng cung cấp cho các thương lái và người chăn nuôi trong tỉnh hàng chục vạn con giống chất lượng cao như ngan, gà ri lai, vịt bầu...
Ngoài diện tích chuồng nuôi gia cầm, gia đình ông còn đào hơn 2.000m2 ao nuôi các loại cá thương phẩm như: trắm, trôi, mè, chép... xung quanh trang trại trồng các loại cây xanh và cây ăn quả nhằm tạo cảnh quan bóng mát và tăng thu nhập cho gia đình. Năm 2013 tổng thu nhập của trang trại gia đình ông lên tới hơn 1 tỷ đồng, sau khi trừ các khoản chi phí cho thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Từ đầu năm đến nay, nhiều địa phương khác trong cả nước đang có dịch cúm gia cầm diễn biến rất phức tạp nhưng đàn gia cầm của gia đình ông luôn khỏe mạnh, sinh trưởng và phát triển tốt.
Khi được hỏi về kinh nghiệm nuôi gia cầm đẻ trứng ông Hạo không ngần ngại chia sẻ: “Ðể việc chăn nuôi phát triển bền vững, người chăn nuôi cần lưu ý phòng chống nguy cơ dịch bệnh lây lan bùng phát nhất là trong mùa đông.
Những gia đình chăn nuôi gia cầm cần bảo đảm tốt yếu tố vệ sinh chuồng trại, thoáng mát về mùa hè và ấm áp về mùa đông. Ðối với con giống cần chọn con giống sạch bệnh, có xuất xứ rõ ràng, được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin.
Trước diễn biến phức tạp về tình hình cúm gia cầm như hiện nay mỗi người chăn nuôi cần nâng cao ý thức trong việc phòng chống dịch bệnh, trước cửa ra vào khu chăn nuôi phải có hố sát trùng bằng vôi bột hoặc các loại dung dịch sát trùng khác.
Mô hình chăn nuôi của gia đình ông Hạo đã và đang dần trở thành điểm đến để học tập kinh nghiệm của đông đảo nhân dân trong xã và các xã lân cận. Không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, ông Hạo còn nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, cung cấp con giống cho nhiều bà con nông dân đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.
Tuy nhiên, khó khăn nhất đối với người chăn nuôi giống gia cầm ở Vũ Trung hiện nay vẫn là việc xuất bán con giống. Ðể các mô hình kinh tế trang trại, gia trại phát huy hiệu quả hơn nữa, rất cần sự liên kết 4 nhà: Nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và Nhà nước để bảo đảm các yêu cầu về vốn, khoa học kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm... từ đó giúp người nông dân yên tâm phát triển sản xuất.
Có thể bạn quan tâm

Vụ mùa năm 2015 toàn tỉnh đã gieo cấy được 31.770ha lúa đạt 97,5% diện tích kế hoạch. Theo báo cáo của các địa phương và qua kiểm tra của Sở Nông nghiệp và PTNT hiện nay toàn tỉnh có gần 1.500ha lúa đã cấy bị thiếu nước, trong đó tập trung tại các huyện: Đoan Hùng 356ha; Hạ Hòa 814ha; Thanh Ba 77ha; Yên Lập 70,5ha; Cẩm Khê 63ha; Tân Sơn 116ha.

Bảo tồn cây trồng, vật nuôi bản địa là một trong những nhiệm vụ cần thiết để giữ gìn các nguồn gen đặc trưng này trước nguy cơ suy giảm, thoái hóa. Tuy nhiên, để công tác bảo tồn phát huy hiệu quả, thì câu chuyện “hậu” bảo tồn cũng cần được chú trọng để không lãng phí nguồn gen quý.

Theo thông tin từ Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Gia Lai, thời gian qua, các vùng trồng cà phê trong tỉnh đã xuất hiện bệnh rụng quả cà phê làm ảnh hưởng đến sản lượng của vụ thu hoạch tới.

Thời gian gần đây, tình trạng nông dân tự phát chặt bỏ cây cao su đã diễn ra trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, với diện tích lên đến hàng ngàn ha thật sự là vấn đề đặt ra đối với các nhà quản lý, đặc biệt là ngành Nông nghiệp.

Trước áp lực gia tăng dân số, diện tích đất sản xuất nông nghiệp thu hẹp, biến đổi khí hậu, nhiều quốc gia trên thế giới đưa cây trồng biến đổi gien (CTBĐG) vào sản xuất. Thực tế cho thấy, các nước đi đầu trong nghiên cứu và ứng dụng CTBĐG đã thu lợi rất lớn so với các nước khác.