Làm Giàu Từ Cây Chuối

Với ý chí và quyết tâm không ngừng, anh Triệu Hữu Quan, dân tộc Dao thôn Tân Thành, xã Nông Thượng (thị xã Bắc Kạn) được mọi người biết đến là một hộ làm kinh tế giỏi. Từ đôi bàn tay trắng, anh đã nhanh chóng vươn lên làm giàu trên vùng đất khó.
Năm 1973, anh Triệu Hữu Quan cùng gia đình chuyển về sống tại Tân Thành. Ngày ấy, gia đình anh có đến gần chục miệng ăn, cha mẹ già yếu, các em còn nhỏ, một mình anh trở thành lao động chính để nuôi sống cả gia đình. Những ngày đầu, anh cùng mọi người phát rẫy, làm nương, trồng cây lúa, cây ngô.
Nhưng dù cố gắng mà vẫn không đủ ăn. Mùa màng năm được, năm mất vì chủ yếu phụ thuộc ở thời tiết. Thương bố mẹ và các em, nhiều đêm không ngủ, anh Quan lại cố gắng tìm cách để phát triển kinh tế của gia đình.
Nhớ lại khoảng thời gian khó khăn ấy, anh chia sẻ: “Mỗi sáng, tôi phải gói cơm mang theo vào rừng. Khu kinh tế cách nhà đến hơn 5 cây số, chỉ có thể đi bộ. Nhận thấy cây chuối vừa dễ trồng, lại không mất công chăm sóc nên tôi quyết định trồng chuối. Sau một thời gian, giá chuối cũng cao, lại có nhiều người hỏi mua với số lượng lớn nên tôi tìm cách tự nhân giống và trồng trên diện tích rộng”.
Cái “duyên” của anh Quan với cây chuối tây cũng bắt đầu từ đấy. Nhờ trồng cây chuối tây, gia đình anh ngày một khấm khá. Mùa giáp hạt, cả nhà anh đã không còn lo chạy ăn từng bữa nữa. Dần dần anh đã mua được xe đạp, rồi xe máy, ti vi và lo cho các con được ăn học đầy đủ.
Cả thôn Tân Thành ai cũng khâm phục ý chí làm giàu của anh. Mọi người học theo anh cùng bảo nhau trồng cây chuối tây. Sau đó, anh Quan lại cung cấp giống chuối tây miễn phí cho người dân tại nhiều địa phương khác để khuyến khích bà con mở rộng thêm diện tích.
Không dừng lại ở đó, anh Quan đã tự mình sang cửa khẩu Tân Thanh, tìm cách liên hệ với các thương lái người Trung Quốc để có đầu ra ổn định cho cây chuối. Thành công ngoài mong đợi, anh đã ký được hợp đồng cung cấp chuối xanh tươi số lượng lớn cho các thương lái Trung Quốc với giá khoảng 6.000 đồng/kg.
Vậy là anh chuyển sang trực tiếp thu mua chuối cho bà con. Dám nghĩ, dám làm từ số vốn tích lũy của gia đình, anh đã mạnh dạn vay thêm ngân hàng mua ô tô để chở chuối xuất khẩu. Hiện tại gia đình anh đã có 2 chiếc xe ô tô với trọng tải trên 20 tấn thường xuyên chở chuối đóng hàng xuất sang Trung Quốc.
Ngoài ra, mỗi năm anh còn có thêm nguồn thu nhập từ hơn 2ha rừng trúc và trang trại nuôi lợn thịt. Tổng thu nhập hằng năm của cả gia đình anh Quan đạt từ 500 đến 600 triệu đồng. Anh còn vinh dự được nhận Bằng khen Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền.
Đồng bào dân tộc Dao thôn Tân Thành vẫn luôn lấy anh Triệu Hữu Quan làm tấm gương sáng làm kinh tế giỏi để phấn đấu học theo. Bằng những việc làm của mình, anh Quan không những đã giúp gia đình vươn lên làm giàu mà nhờ thu gom chuối cho bà con, nhiều hộ dân trong thôn đang dần xóa được đói, giảm được nghèo, đời sống người dân ngày càng ấm no hơn.
Có thể bạn quan tâm

Thời gian qua, một số nông dân huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã trồng thí điểm thành công cây mắc-ca, một loại cây trồng có giá trị kinh tế rất cao, xuất xứ từ nước Úc.

Hiện tại, hơn 4 ngàn ha lúa vụ đông – xuân của huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) vàng ươm một màu. Với năng suất bình quân toàn huyện đạt 63 tạ/ha, có nơi đạt đến 72 tạ/ha, có thể nói, đây là vụ mùa bội thu nhất từ trước đến nay.

Vào những ngày này, mặc dù rất bận rộn với công việc thu hoạch quả nhưng gia đình anh Nguyễn Văn Thành ở xã An Sinh (Đông Triều - Quảng Ninh) vẫn rất phấn khởi bởi mô hình trồng vải chín sớm của gia đình luôn cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với vải thu chính vụ.

Đến ngày 31.12.2015, các cơ sở nuôi cá tra thương phẩm phải áp dụng và được chứng nhận thực hành nuôi trồng thuỷ sản tốt theo VietGAP hoặc chứng chỉ quốc tế phù hợp quy định của pháp luật Việt Nam.

Toàn huyện Cao Phong (Hòa Bình) có 900ha cam, trong đó có trên 500ha cam kinh doanh cho sản lượng khoảng trên 16.000 tấn.