Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Làm Giàu Trên Vùng Đất Mới

Làm Giàu Trên Vùng Đất Mới
Ngày đăng: 17/12/2013

Rời quê hương Bắc Giang với hai bàn tay trắng, ông Nguyễn Văn Minh (khu phố Ba Đình, thị trấn Thái Hòa, huyện Tân Uyên - Bình Dương) đã chọn Bình Dương làm quê hương thứ hai để lập nghiệp. Với mô hình VAC (vườn - ao - chuồng), hàng năm ông Minh đã thu được tiền tỷ và là một trong những gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi 5 năm liền của tỉnh.

Có chí…

Lam lũ để kiếm sống nhưng vợ chồng ông Nguyễn Văn Minh vẫn không đủ ăn và lo cho con học. Năm 2001, vợ chồng ông đã quyết định rời Bắc Giang vào Bình Dương để lập nghiệp. Những ngày mới vào, lạ lẫm nơi đất mới, tiền không có, ông đã đi nhặt ve chai để sống, còn vợ ông đi làm mướn. “Thấy cảnh gia đình tôi nghèo khó, vợ tôi lại chịu khó, hiền lành nên chủ nhà nơi vợ tôi làm mướn hàng ngày cho một cặp lồng cơm mang về để tôi ăn.

Hàng ngày, tôi đến nhặt ve chai ở khu phố Ba Đình, thấy người dân nơi đây nuôi heo, tôi thích lắm”, ông Minh tâm sự. Ông cho biết thêm rằng, gom tiền dành dụm được gần 2 triệu đồng đi mua được 7 con heo về nuôi. Hàng ngày, để có thức ăn cho heo, ông đã đến các công ty xin thức ăn thừa mang về nấu cho heo. Ngoài ra, ông đến các chợ đầu mối nhặt các loại rau tiểu thương loại ra để làm thức ăn cho heo.

“Tôi đã nuôi heo mà không mất đồng nào về thức ăn. Cứ thế, từ 7 con đầu rồi lại nuôi tiếp 20 con heo khác, có lúc nuôi đến 80 con. Nhưng đến lứa heo này thì bị bệnh. 80 con chết chỉ còn lại 14 con, tôi đã bán ngay với suy nghĩ may ra còn đủ tiền mua vé xe về quê”, ông Minh nói.

Trắng tay, ông đã quyết định về quê. Nhưng vợ ông đã động viên, an ủi và khuyên ở lại làm tiếp. Được sự động viên của vợ, ông đã quyết tâm làm lại. “Năm 2003, tôi lại mua tiếp 8 con heo mọi, giá 180.000 đồng/con, bình quân mỗi con nặng 6kg. Vẫn tiếp tục cách thức nuôi như cũ, lần này tôi đã nuôi thành công và thu được trên 80 triệu đồng.

Năm 2004, được sự giới thiệu của người bạn, tôi đã đến UBND thị trấn Thái Hòa xin thuê lại đất của hợp tác xã Tân Ba với diện tích 1,7 ha. Ngày đó, khu đất này chỉ là cánh đồng sình lầy và cỏ dại. Đã nhiều người khuyên tôi không nên thuê nhưng tôi vẫn quyết tâm làm”, ông Minh kể.

… thì giàu

Hiện mô hình VAC của ông Minh nuôi hơn 300 con heo thịt và 26 con heo nái cùng 6 ao nuôi cá tra và cá trê, với diện tích bình quân mỗi mặt ao rộng 1.500m2. Nở nụ cười tươi trên khuôn mặt sạm đi vì nắng gió, nhọc nhằn, ông Minh chia sẻ: “Nhờ vào mô hình này vợ chồng tôi đã có tiền nuôi 2 con học đại học ở Hà Nội. Hiện bình quân mỗi năm tôi thu 2 vụ, mỗi vụ doanh thu từ 80 - 85 triệu đồng/ao. Đối với mô hình nuôi heo, bình quân tháng nào tôi cũng xuất từ 30 - 40 con heo với trọng lượng bình quân 143kg/con. Với giá thị trường hiện nay nuôi heo bảo đảm cho thu nhập khá và ổn định”.

Trao đổi về kỹ thuật chăn nuôi, ông Minh nói: “Để có được thành công này, tôi đã đi học hỏi ở rất nhiều nơi. Đặc biệt tham gia các buổi tập huấn, hội thảo của Hội Nông dân, đồng thời tham khảo thêm trên sách báo và đúc rút kinh nghiệm trong thực tế. Để nuôi heo thành công, ít bệnh, ngay từ khi heo còn trong bào thai tôi đã chích ngừa rồi sau đó vẫn chích ngừa đến 2 tháng tuổi. Bên cạnh đó chuồng trại phải sạch sẽ, thường xuyên xịt thuốc tiêu trùng khử độc định kỳ mỗi tuần một lần”.

Nhờ vào ý chí và lòng quyết tâm, với mô hình VAC của mình, bình quân mỗi năm ông Minh đã thu được tiền tỷ từ cá và heo, ông đã thực sự làm giàu trên vùng đất mới.

Đánh giá về ông Minh, ông Nguyễn Thế Mỹ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Thái Hòa, cho biết: “Ông Minh là một nông dân chăm chỉ, chịu khó và có ý chí, quyết tâm làm giàu, là một trong những tấm gương điển hình về nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi 5 năm liền của tỉnh”.


Có thể bạn quan tâm

Nâng Cao Chất Lượng Đàn Lợn Đực Giống Nâng Cao Chất Lượng Đàn Lợn Đực Giống

Trung tâm Giống gia súc tỉnh Hải Dương vừa nhập bổ sung 20 con lợn đực giống của Viện Chăn nuôi Việt Nam, Công ty liên doanh France Hybrides Việt Nam.

09/08/2013
Cần Lập Khu Công Nghiệp Chuyên Nuôi Tôm Cần Lập Khu Công Nghiệp Chuyên Nuôi Tôm

Xuất khẩu tôm năm 2012 đạt 2,25 tỷ USD, không đạt mục tiêu như đề ra (2,4 tỷ USD) trong khi được kỳ vọng cao hơn. Doanh nghiệp chế biến lao đao và đang “sống” nhờ vào nguồn tôm mua từ nước ngoài. Người nuôi tôm thì đang khốn khó, dịch bệnh tôm tiếp tục hoành hành báo hiệu mùa vụ mới nhiều khó khăn.

28/02/2013
Nhân Rộng Mô Hình Trồng Nấm Ở Quảng Yên (Quảng Ninh) Nhân Rộng Mô Hình Trồng Nấm Ở Quảng Yên (Quảng Ninh)

Nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Ninh đã phối hợp với Trạm Khuyến nông TX Quảng Yên thực hiện dự án “trồng thử nghiệm nấm rơm” trên địa bàn thị xã. Mô hình này bước đầu được đánh giá cho hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ dân sau khi tham gia mô hình đã nhân rộng sản xuất ở những vụ tiếp theo.

09/08/2013
Mô Hình Nuôi Cá Tra Đạt Hiệu Quả Cao Ở Tiền Giang Mô Hình Nuôi Cá Tra Đạt Hiệu Quả Cao Ở Tiền Giang

Anh Lê Ngọc Trắng, ấp 3, xã Trung An, TP. Mỹ Tho, Tiền Giang do không có nhiều đất để canh tác đã chọn mô hình nuôi cá tra dài ngày và cá tai tượng, mang lại hiệu quả kinh tế; đồng thời nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm để bà con cùng phát triển.

02/03/2013
Tập Huấn Kỹ Thuật Trồng, Chăm Sóc Cây Cà Phê Vối Và Hồ Tiêu Tập Huấn Kỹ Thuật Trồng, Chăm Sóc Cây Cà Phê Vối Và Hồ Tiêu

Ngày 6-8, Phòng Kinh tế TP. Pleiku (Gia Lai) tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cà phê vối, cây hồ tiêu cho 50 nông dân ở xã Biển Hồ.

09/08/2013