Làm Giàu Trên Cát Trắng Từ Chăn Nuôi Bò Ở Ninh Thuận

Nguyễn Văn Nổi, 50 tuổi là nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu ở thôn Hòa Thạnh. Anh dày công đầu tư cải tạo vùng đất cát trắng phau ven biển trở thành trù mật cho những mùa cây trái bội thu. Trồng củ cải kết hợp chăn nuôi bò lai sind cung cấp sức kéo là con đường vươn lên làm giàu của anh Nổi trên vùng đất cát ven biển thuộc xã An Hải, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận).
Ít ai ngờ anh nông dân dáng người nhỏ nhắn, cách nói năng mau mắn dứt khoát, là “chuyên gia” hàng đầu trong nghề trồng củ cải trắng. Anh đã có thâm niên gần 30 năm gắn bó với nghề trồng củ cải trắng xuất xứ từ Hòa Thạnh cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Gia đình anh có 2 ha đất canh tác, anh dành 6 sào trồng cỏ voi nuôi bò đực lai sind chuyên cung cấp sức kéo cho nông dân trên địa bàn tỉnh.
Anh đầu tư 80 triệu đồng lắp đặt 4 mô-tơ và hệ thống phun mưa khai thác mạch nước ngầm chủ động bơm tưới cho cây trồng. Cây củ cải trắng thích hợp với vùng đất cát, từ khi gieo hạt đến lúc thu hoạch chỉ 45 - 50 ngày. Củ cải trồng trên đất cát ven biển có vị ngọt, ruột giòn được thị trường ưa chuộng. Bà con quanh vùng thường tìm đến anh Nổi học hỏi kinh nghiệm trồng củ cải đạt hiệu quả kinh tế cao. Điều quan trọng số một đối với cây cải củ là phòng trừ sâu ăn lá đọt giai đoạn 1 - 20 ngày tuổi. Sử dụng nguồn phân chuồng ủ hoai bón 1 tấn/sào cải tạo đất tơi xốp, củ cải mau lớn, phẩm chất thơm ngon. Phân đạm chỉ bón sương “đề pa” cho cây cải trong tuần lễ đầu bung lá, bén rễ. Hiện nay, anh có 7 sào củ cải đang vào mùa thu hoạch đạt năng suất 3 tấn/sào. Thương lái thu mua tại ruộng 2.500 đồng/kg, trừ hết chi phí đầu tư, anh có lãi ròng trên 40 triệu đồng.
Nguyễn Văn Nổi còn là “chuyên gia” trong nghề nuôi bò lai sind cung cấp sức kéo. Anh tuyển chọn những con bê đực 6 tháng tuổi vóc dáng khỏe mạnh, sắc lông đẹp mua về nuôi theo mô hình thâm canh. Anh sử dụng cỏ voi, cây đậu phọng, cám gạo cho bò ăn đủ lượng, đủ chất, mau lớn. Trong trại chăn nuôi của anh Nổi có 12 con bò đực lai sind đang tuổi ăn tuổi lớn. Chỉ tay vào con bò lai sind đứng trong chuồng vóc dáng “dềnh dàng”, sắc lông đỏ tía, anh Nổi nói: Con bò này tui mua lúc 6 tháng tuổi nặng 100 kg với giá 10 triệu đồng được thương lái đưa từ Tây Ninh ra. Tui nuôi đúng 16 tháng đã giựt kéo cộ, nó nặng trên 450 kg. Nhiều người tới mua với giá 34 triệu đồng, tiếc con bò lai đẹp nên tui chưa bán.
Gia đình anh Nổi có thu nhập hàng năm trên 300 triệu đồng từ nghề trồng củ cải trắng và chăn nuôi bò lai. Anh chăm lo cho bốn con ăn học và xây dựng nhà ở khang trang vào diện đầu bảng ở thôn Hòa Thạnh. “Mình sinh ra và lớn lên trên vùng đất cát ven biển phải dựa vào lợi thế kinh tế của địa phương chịu khó làm ăn bảo đảm cuộc sống gia đình no ấm góp phần xây dựng thôn xóm giàu đẹp”, anh Nguyễn Văn Nổi bộc bạch.
Có thể bạn quan tâm

Mức độ thiệt hại trên tôm nuôi giai đoạn đầu thả giống ở Sóc Trăng đã lên hơn 1.400 ha. Sau gần 2 tháng thời tiết lạnh bất thường, hiện tượng bệnh đốm trắng bùng phát mạnh, gây thiệt hại lớn cho người nuôi, nhiều nhất là thị xã Vĩnh Châu. Xuất phát từ nguyên nhân này mà tiến độ thả nuôi chậm lại để xử lý ao nuôi, thả thăm dò để theo dõi diễn biến thời tiết.

Tuy nhiên diện tích tôm - rừng ở Cà Mau hiện chưa đáp ứng được hai tiêu chí quan trọng của tiêu chuẩn tôm sinh thái là tỷ lệ diện tích rừng/tôm phải đạt 6/4 và vệ sinh môi trường, nên đã qua diện tích này chưa được chứng nhận nhiều.

Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, nhận định: “Biến đổi khí hậu đang ngày một tác động mạnh mẽ đến sản xuất thuỷ sản. Đây là một trong những loại hình nuôi rất nhạy cảm với sự thay đổi của môi trường, nhất là con tôm.

Nhận được thông tin vùng biển Lý Sơn – Quảng Ngãi trúng đậm cá nục, nhiều tàu công suất lớn của Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên đã về đây mua cá. Họ mua cá không phải để chuyên chở đi nơi khác tiêu thụ kiếm lời mà đưa cá vào muối mắm ngay trên biển.

Dịch cúm gia cầm xảy ra tại 1 hộ chăn nuôi tại xã Phước Thái, huyện Ninh Phước làm 300 con gia cầm mắc bệnh. Số gia cầm buộc phải tiêu huỷ là 500 con.