Làm Giàu Trên Cát Trắng

Nguyễn Văn Nổi, 50 tuổi là nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu ở thôn Hòa Thạnh. Anh dày công đầu tư cải tạo vùng đất cát trắng phau ven biển trở thành trù mật cho những mùa cây trái bội thu. Trồng củ cải kết hợp chăn nuôi bò lai sind cung cấp sức kéo là con đường vươn lên làm giàu của anh Nổi trên vùng đất cát ven biển thuộc xã An Hải, huyện Ninh Phước.
Ít ai ngờ anh nông dân dáng người nhỏ nhắn, cách nói năng mau mắn dứt khoát, là “chuyên gia” hàng đầu trong nghề trồng củ cải trắng. Anh đã có thâm niên gần 30 năm gắn bó với nghề trồng củ cải trắng xuất xứ từ Hòa Thạnh cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Gia đình anh có 2 ha đất canh tác, anh dành 6 sào trồng cỏ voi nuôi bò đực lai sind chuyên cung cấp sức kéo cho nông dân trên địa bàn tỉnh.
Anh đầu tư 80 triệu đồng lắp đặt 4 mô-tơ và hệ thống phun mưa khai thác mạch nước ngầm chủ động bơm tưới cho cây trồng. Cây củ cải trắng thích hợp với vùng đất cát, từ khi gieo hạt đến lúc thu hoạch chỉ 45- 50 ngày. Củ cải trồng trên đất cát ven biển có vị ngọt, ruột giòn được thị trường ưa chuộng. Bà con quanh vùng thường tìm đến anh Nổi học hỏi kinh nghiệm trồng củ cải đạt hiệu quả kinh tế cao. Điều quan trọng số một đối với cây cải củ là phòng trừ sâu ăn lá đọt giai đoạn 1-20 ngày tuổi.
Sử dụng nguồn phân chuồng ủ hoai bón 1 tấn /sào cải tạo đất tơi xốp, củ cải mau lớn, phẩm chất thơm ngon. Phân đạm chỉ bón sương “đề pa” cho cây cải trong tuần lễ đầu bung lá, bén rễ. Hiện nay, anh có 7 sào củ cải đang vào mùa thu hoạch đạt năng suất 3 tấn/sào. Thương lái thu mua tại ruộng 2.500 đồng/kg, trừ hết chi phí đầu tư, anh có lãi ròng trên 40 triệu đồng.
Nguyễn Văn Nổi còn là “chuyên gia” trong nghề nuôi bò lai sind cung cấp sức kéo. Anh tuyển chọn những con bê đực 6 tháng tuổi vóc dáng khỏe mạnh, sắc lông đẹp mua về nuôi theo mô hình thâm canh. Anh sử dụng cỏ voi, cây đậu phọng, cám gạo cho bò ăn đủ lượng, đủ chất, mau lớn. Trong trại chăn nuôi của anh Nổi có 12 con bò đực lai sind đang tuổi ăn tuổi lớn.
Chỉ tay vào con bò lai sind đứng trong chuồng vóc dáng “dềnh dàng”, sắc lông đỏ tía, anh Nổi nói: -Con bò này tui mua lúc 6 tháng tuổi nặng 100 kg với giá 10 triệu đồng được thương lái đưa từ Tây Ninh ra. Tui nuôi đúng 16 tháng đã giựt kéo cộ, nó nặng trên 450 kg. Nhiều người tới mua với giá 34 triệu đồng, tiếc con bò lai đẹp nên tui chưa bán.
Gia đình anh Nổi có thu nhập hàng năm trên 300 triệu đồng từ nghề trồng củ cải trắng và chăn nuôi bò lai. Anh chăm lo cho bốn con ăn học và xây dựng nhà ở khang trang vào diện đầu bảng ở thôn Hòa Thạnh. “Mình sinh ra và lớn lên trên vùng đất cát ven biển phải dựa vào lợi thế kinh tế của địa phương chịu khó làm ăn bảo đảm cuộc sống gia đình no ấm góp phần xây dựng thôn xóm giàu đẹp”, anh Nguyễn Văn Nổi bộc bạch.
Có thể bạn quan tâm

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết về lợi thế cũng như những thách thức của cây ăn trái Việt Nam trong xu thế hội nhập, nhất là tham gia TPP.

Hiện nay, một số vườn cây cao su và điều chưa khép tán được nông dân tận dụng đất để trồng xen các loại cây trồng khác. Những hộ ít đất sản xuất thường mượn hoặc thuê đất để trồng xen cây lương thực như đậu, bắp, lúa...

Nhờ trồng bưởi Diễn, gia đình anh Nguyễn Quang Huy ở bản Tràng Bắn, xã Đồng Vương, huyện Yên Thế (Bắc Giang) có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Xuất phát là huyện miền núi nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, cơ sở hạ tầng thiếu thốn nên khi triển khai xây dựng NTM, Đảng bộ, chính quyền huyện Thuận Châu đã dành những ưu tiên hàng đầu cho việc hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu.

Quảng Trị đang được tưới mát, khoác lên mình một màu áo mới. Đó là nhờ nguồn vốn vay nhanh chóng, kịp thời của Ngân hàng NNPTNT giúp hàng ngàn hộ dân có điều kiện đầu tư xây dựng các mô hình nuôi trồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao.