Làm giàu ở nông thôn: Trồng cam trên đất dốc, vất vả nhưng có tiền tỷ

Sau 14 năm nằm gai nếm mật, với nhiều thất bại, cuối cùng ông Phạm Bá Tiến đã thành công, với trang trại 2.000 gốc cam Cao Phong, bưởi da xanh trên đất dốc. Trang trại đã đem lại lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm cho gia đình ông Tiến, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên...
Mạnh dạn đưa cây cam về trồng trên đất dốc, giờ đây ông Tiến đã có thu nhập cao, ổn định từ cây cam
Tiên phong đưa cây cam về đất khó
Năm 2003, sau khi đi thăm một số vùng trồng cam nổi tiếng dưới xuôi về, ông Tiến quyết định đưa cây cam về trồng trên đất Điện Biên. Nhưng chọn giống cam nào để phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Điện Biên mà lại cho chất lượng tốt là điều mà ông Tiến luôn trăn trở.
Chất lượng, mẫu mã cam của ông Tiến trồng rất ngon, được khách hàng nhiều nơi đặt mua
“Tôi phải về Trung tâm giống cây trồng, Học viện Nông nghiệp nhờ các kỹ sư nông nghiệp tư vấn cách chọn giống. Giống cam Cao Phong được tôi lựa chọn nhưng những năm đầu do kinh nghiệm chăm sóc cam còn hạn chế, cam ra quả ít, chất lượng không tốt” ông Tiến kể lại những năm đầu đưa cây cam về đất Điện Biên.
Những trái cam căng tròn, mọng nước có được do cách chăm sóc đúng kỹ thuật của ông Tiến
Cả vườn cam gần 2.000 gốc nằm dọc theo dãi đồi đất dốc đang cho thu hoạch, quả căng mọng, đều nhau, nhìn mát mắt. Theo ông Tiến thì có được vườn cam như ngày hôm nay ông đã phải bỏ bao nhiêu công sức, cải tạo đất, học kỹ thuật chăm sóc, bón phân, tỉa cành để cam có chất lượng ngon. Cả vùng này trước là đồi hoang, đất bạc màu, ông mua lại của người dân bản địa và bắt đầu công việc “đội đá vá trời” khi đã bước vào tuổi 50. Ông Tiến cùng vợ con đào hố, hạ đường đồng mức để trồng và vận chuyển cam.
Theo ông Tiến thì ngày trước vào đây làm gì có đường đi thuận lợi như bây giờ. Ông phải vác từng bao tải phân bón, vượt đồi gần 2km để bón cho cam. Lúc thu hoạch lại vác cam xuống đường ô tô. Đã không ít lần, vào mùa mưa, ông bị trượt ngã cùng với bao cam dập nát do va đập khi tuột khỏi tay ông...
Gần 2.000 gốc cam và bưởi da xanh trồng trên đất dốc đã cho ông Tiến thu nhập hơn 1 tỷ đồng mỗi năm
Chia sẻ những kinh nghiệm trồng cam sau 14 năm gắn bó, ông Tiến cho biết: “Trồng cây nào cũng thế, không biết cách chăm sóc thì chất lượng quả sẽ không tốt. Cây cam cũng vậy, từ cách cắt hái quả cam nếu không đúng kỹ thuật, vụ sau cam sẽ không cho quả sai. Sau khi thu hoạch cam, không biết cách tỉa cành, cuốc gốc và bón phân đúng thời điểm thì chỉ tốt cây chứ quả không sai”.
Những năm đầu mới trồng ông Tiến đã từng thất bại vụ cam do cách chăm sóc không đúng kỹ thuật. “Sau khi thu hoạch xong, tôi cũng cắt cành, tỉa cây, cuốc gốc đúng kỹ thuật, nhưng chỉ sai khi bón phân không đúng thời điểm. Khi cây ra lộc hoa thì mới bón phân, để cây đủ dinh dưỡng nuôi quả, đằng này tôi lại bón trước, thành ra cây chỉ tốt lá chứ không sai quả. Nhưng thất bại đấy đã cho tôi bài học để tìm hiểu thêm cách chăm sóc cam” ông Tiến chia sẻ
Lật dở quyển sổ ghi chép đã sờn gáy, ông Tiến chỉ cho chúng tôi xem những loại bệnh mà ông đã gặp trên vườn cam của mình như: Sâu vẽ bùa, rầy mềm, rầy chổng cánh... Mỗi loại sâu bệnh được ông ghi tỉ mỉ, thời gian nào bị, cách phòng chống thế nào, sau khi diệt sâu bệnh thì chăm sóc cam ra sao để không ảnh hưởng đến chất lượng quả... "Giờ thì tôi chẳng cần đến quyển sổ này nữa vì chỉ nhìn là biết cam bị bệnh gì và chữa thế nào" - ông Tiến chia sẻ.
Do biết cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, vườn cam năm nào cũng cho sản lượng cao
“Tôi ghi chép lại mọi hiện tượng trong quá trình trồng cam vào cuốn sổ thế này là để hướng dẫn con, cháu sau này nếu cam bị bệnh thì biết cách phòng chống, với lại ai muốn hỏi kỹ thuật trồng cam thì mình hướng dẫn cho họ. Không phải ai cũng biết các loại bệnh và cách chăm sóc trên cây cam. Cần trải qua thực tế thì mới biết được. Như giống rầy mềm - loại ký sinh tưởng đơn giản nhưng là loại nguy hiểm nhất đối với cây cam, rầy hút nhựa ở đầu ngọn làm chồi và lá non không phát triển được, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây" - ông Tiến bảo vậy.
Gần 2.000 gốc cam và bưởi da xanh đã đem lại cho ông Tiến tiền tỷ mỗi năm, trừ chi phí ông cũng bỏ túi cả tỷ bạc. “Cam của tôi không cần mang đi đâu xa, thương lái đến tận nhà mua. Chất lượng thì hỏi phải nói, không phải ngẫu nhiên khách hàng từ Hà Nội, Thái Bình, Nam Định... lại đặt mua cam của tôi, mặc dù các tỉnh miền xuôi trồng rất nhiều cam” ông Tiến cho biết.
Nhiều khách hàng ở các tỉnh miền xuôi thường xuyên đặt hàng ông Tiến với số lượng lớn
Chị Hà Thị Ngọc, tổ 5 phường Thanh Bình, thành phố Điện Biên Phủ - một trong những khách hàng mua cam thường xuyên của ôngTiến, cho biết: “Lúc đầu ăn cam của bác Tiến, tôi cứ tưởng cam Cao Phong. Chỉ khi lên tận vườn cam của bác Tiến, được thử cam tại vườn, tôi mới tin đất Điện Biên lại có loại cam ngon đến vậy”.
Ông Tiến nhẩm tính, trung bình mỗi mỗi năm ông bán ra thị trường 60 - 70 tấn cam với giá 25 nghìn/kg thì ông cũng thu về 1,5 tỷ đồng, trừ chi phí ông cũng bỏ túi 1 tỷ.
Có thể bạn quan tâm

Tin từ Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Đắk Nông ngày 28.5, đơn vị này đã phát hiện và thu giữ một lượng lớn chất cấm trong chăn nuôi được bán tại hai cơ sở kinh doanh thuốc thú y, thức ăn gia súc của bà Vũ Thị Miên (xã Đắk Sin) và cửa hàng Anh Khoa (thị trấn Kiến Đức, cùng H.Đắk R’lấp).

Trở lại vùng nuôi tôm ở Ninh Thuận dọc tuyến đường ven biển từ An Hải (Ninh Phước) đến Phước Dinh (Thuận Nam), chúng tôi cảm nhận được không khí trầm lặng khi nhìn thấy khá nhiều ao đìa bỏ không. Trong những tháng qua, do xuất hiện bệnh lạ làm tôm nuôi chết hàng loạt đã khiến các hộ nuôi chần chừ chưa dám thả giống dù đã vào chính vụ. Một số hộ chọn giải pháp an toàn là ngưng sản xuất để xem thử tình hình.

Theo đó, Sở NN–PTNT Dak Lak được hỗ trợ 75.400 cây, Lâm Đồng: 70.000 cây, Dak Nông: 50.000 cây, Gia Lai: 50.000 cây, Kon Tum: 10.000 cây, Công ty TNHH một thành viên cà phê Thắng Lợi (Dak Lak): 20.600 cây, Công ty TNHH một thành viên xuất nhập khẩu cà phê 2/9 (Dak Lak): 20.000 cây. Số lượng cây giống này gồm 3 loại: cà phê mít ghép, cà phê vối ghép và cà phê thực sinh do Công ty TNHH tư vấn đầu tư phát triển nông - lâm nghiệp Eakmat cung cấp vào tháng 7/2012. Tiến sĩ Trần Vinh, Phó viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết: số cà phê giống này phục vụ cho việc tái canh những diện tích cà phê già cỗi, kém chất lượng. Viện cũng sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho bà con nông dân trong việc triển khai việc tái canh đạt hiệu quả.

Chỉ sau một cơn mưa trái mùa, nhiều diện tích lúa ĐX ở các huyện phía tây của tỉnh Tiền Giang sắp thu hoạch bị thiệt hại nặng nề.

Ngày 18.6, tại TP. Bắc Ninh, T.Ư Hội NDVN tổ chức hội nghị giao ban Công tác hội và phong trào ND khu vực đồng bằng sông Hồng 6 tháng đầu năm 2012. Phó Chủ tịch T.Ư Hội Lều Vũ Điều chủ trì hội nghị.