Làm Giàu Nhờ Nuôi Ba Ba Trong Ruộng Lúa

Ông Dương Văn Thắng (58 tuổi, ngụ ấp Long Tân, xã Long An, H.Long Hồ, Vĩnh Long) đã giàu lên với mô hình nuôi ba ba trong ruộng lúa.
Những ngày này, hơn 1,5 ha đất lúa của ông Thắng đã ngả màu vàng óng. Nước trên ruộng đang được ông chắt cạn dần. Những con ba ba đủ cỡ lần lượt bò xuống ao lắng rộng hơn 1.000 m2. Ông Thắng cho biết: “Nhờ mô hình trồng lúa kết hợp với nuôi ba ba và nuôi cá mà vụ lúa nào gia đình tôi cũng thu hoạch đạt hiệu quả cao.
Giá cả cũng được thương lái mua nhích hơn nhờ trồng lúa sạch vì rất ít sử dụng phân, thuốc. Bởi lẽ, con cá sẽ ăn cỏ và ba ba sẽ ăn ốc nên ruộng lúa không cần phải tốn những loại thuốc gây hại”.
Ông Thắng kể, trước đây, thấy ba ba bán được giá nên kêu con trai mua 500 con ba ba giống về nuôi thử nghiệm, nhưng con ông mua luôn 1.000 con. Bà Nguyễn Thị Thắm (vợ ông Thắng) tiếp lời: “Lúc mua tôn và 250 cây trụ đá mang về dựng vòng 1,5 ha ruộng bà con ai đi qua thấy cũng cười. Nhiều người nói vợ chồng ông Thắng dư tiền không biết làm gì nên mua tôn dựng ngoài ruộng chơi”.
Tổng số tiền đầu tư mua tôn, con giống khoảng 60 triệu đồng, sau 2 năm thả nuôi thu hoạch trừ tất cả mọi chi phí lời trên 100 triệu đồng. “Sau khi thu hoạch xong, tôi liền mua 2.000 con ba ba thả nuôi tiếp. Đến nay, ba ba đang vào vụ thu hoạch. Giá ba ba loại 1,45 kg/con được thương lái thu mua 280.000 đồng, loại 2, 3 thì giá thấp nên giữ lại tiếp tục nuôi cho đạt chuẩn...".
Ông Thắng tâm sự nuôi ba ba trong ruộng lúa chỉ nặng vốn mua tôn dựng vòng quanh để không bị thất thoát. Vòng quanh bờ bao ruộng lúa thiết kế một mương nhỏ, giữa ruộng một mương thông với ao để khi thu hoạch lúa thì ba ba tập trung về một nơi. Đến lúc làm đất xuống giống gần một tháng thì xả nước vào đồng cho lúa tốt và thả cho ba ba tự do lội trong ruộng. Lúc ba ba còn nhỏ, chúng bò lên ruộng thì không cần phải cho ăn.
Gần đến ngày thu hoạch lúa thì tháo nước để ba ba xuống đường mương rồi tập trung ở ao lớn. Cứ thế, sau 2 năm ba ba lớn bình quân khoảng 1 kg/con là có thể xuất bán...
Theo ông Dương Văn Phước, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long An, nuôi ba ba trong ruộng lúa lợi nhiều mặt. Bình quân một vụ lúa giảm khoảng 1 triệu đồng/ha chi phí diệt ốc bươu vàng. Ba ba ở trên mặt ruộng mỗi ngày nên ăn hết cua, ốc. Cái lợi kế tiếp là hạt gạo làm ra sạch, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp sử dụng cho cây lúa phải đảm bảo an toàn cho ba ba.
Ngoài trồng lúa kết hợp nuôi ba ba, ông Thắng còn tận dụng bờ bao trồng cỏ nuôi gần chục con bò, hơn 20 con dê. Hằng năm, tổng hợp từ việc nuôi ba ba, trồng lúa, bò và dê, gia đình ông thu lời trên 200 triệu đồng. Mô hình nuôi ba ba trong ruộng lúa đã được ông Thắng chuyển giao cho gần chục hộ dân ở địa phương và đã có nhiều hộ thành công.
Nguồn bài viết: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20141208/tu-tao-co-hoi-ky-84-lam-giau-nho-nuoi-ba-ba-trong-ruong-lua.aspx
Có thể bạn quan tâm

Trong khi các loại cây trồng chủ lực như cao su, cà phê, điều… đều cho thu nhập bấp bênh thì cây hồ tiêu vốn được mệnh danh là “cây tỷ phú” lại càng có cơ hội để nổi lên và hấp dẫn nhà nông hơn bao giờ hết. Nhà nhà đua nhau trồng tiêu khiến cho thị trường cây hồ tiêu giống trở nên phức tạp.

Sau vụ hành tím rớt giá, khó tiêu thụ, nay nông dân Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đã giảm bớt diện tích trồng hành, chuyển sang các cây trồng khác cho thu nhập ổn định hơn.

Sáng 24/6, tại xã Ea Trol (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên), Trung tâm Dạy nghề hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) đã tổ chức khai giảng lớp nghề nuôi và phòng trị bệnh trâu bò cho 31 nông dân trên địa bàn xã.

Liên hoan Thanh niên nông thôn toàn quốc lần thứ II-2015 được tổ chức từ ngày 18 đến 20-6 tại Hà Nội là nơi giao lưu, gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng NTM. Đặc biệt, dịp này, 150 thanh niên nông thôn trong toàn quốc có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh vinh dự được nhận giải thưởng Lương Định Của. Năm 2015, trong 6 người được Tỉnh Đoàn gửi hồ sơ xét giải, duy nhất Nguyễn Minh Dương, chủ trang trại VAC rộng 6ha, xóm 8, xã Xuân Đài, Xuân Trường, Nam Định được vinh danh.

Thực hiện kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ khuyến nông năm 2015, Trung tâm Khuyến nông TP.HCM đã phối hợp cùng Trung tâm Khuyếnnông Quốc gia tổ chức lớp tập huấn nâng cao chuyên môn nghiệp vụ khuyến nông với chủ đề “Bồi dưỡng nghiệp vụ khuyến nông và kỹ thuật phòng trị một số bệnh mới trên gia súc gia cầm” vào sáng ngày 23/6/2015 tại trạm khuyến nông Hóc Môn.