Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Làm Giàu Nhờ Nuôi Ba Ba Trong Ruộng Lúa

Làm Giàu Nhờ Nuôi Ba Ba Trong Ruộng Lúa
Ngày đăng: 08/12/2014

Ông Dương Văn Thắng (58 tuổi, ngụ ấp Long Tân, xã Long An, H.Long Hồ, Vĩnh Long) đã giàu lên với mô hình nuôi ba ba trong ruộng lúa.

Những ngày này, hơn 1,5 ha đất lúa của ông Thắng đã ngả màu vàng óng. Nước trên ruộng đang được ông chắt cạn dần. Những con ba ba đủ cỡ lần lượt bò xuống ao lắng rộng hơn 1.000 m2. Ông Thắng cho biết: “Nhờ mô hình trồng lúa kết hợp với nuôi ba ba và nuôi cá mà vụ lúa nào gia đình tôi cũng thu hoạch đạt hiệu quả cao.

Giá cả cũng được thương lái mua nhích hơn nhờ trồng lúa sạch vì rất ít sử dụng phân, thuốc. Bởi lẽ, con cá sẽ ăn cỏ và ba ba sẽ ăn ốc nên ruộng lúa không cần phải tốn những loại thuốc gây hại”.

Ông Thắng kể, trước đây, thấy ba ba bán được giá nên kêu con trai mua 500 con ba ba giống về nuôi thử nghiệm, nhưng con ông mua luôn 1.000 con. Bà Nguyễn Thị Thắm (vợ ông Thắng) tiếp lời: “Lúc mua tôn và 250 cây trụ đá mang về dựng vòng 1,5 ha ruộng bà con ai đi qua thấy cũng cười. Nhiều người nói vợ chồng ông Thắng dư tiền không biết làm gì nên mua tôn dựng ngoài ruộng chơi”.

Tổng số tiền đầu tư mua tôn, con giống khoảng 60 triệu đồng, sau 2 năm thả nuôi thu hoạch trừ tất cả mọi chi phí lời trên 100 triệu đồng. “Sau khi thu hoạch xong, tôi liền mua 2.000 con ba ba thả nuôi tiếp. Đến nay, ba ba đang vào vụ thu hoạch. Giá ba ba loại 1,45 kg/con được thương lái thu mua 280.000 đồng, loại 2, 3 thì giá thấp nên giữ lại tiếp tục nuôi cho đạt chuẩn...".

Ông Thắng tâm sự nuôi ba ba trong ruộng lúa chỉ nặng vốn mua tôn dựng vòng quanh để không bị thất thoát. Vòng quanh bờ bao ruộng lúa thiết kế một mương nhỏ, giữa ruộng một mương thông với ao để khi thu hoạch lúa thì ba ba tập trung về một nơi. Đến lúc làm đất xuống giống gần một tháng thì xả nước vào đồng cho lúa tốt và thả cho ba ba tự do lội trong ruộng. Lúc ba ba còn nhỏ, chúng bò lên ruộng thì không cần phải cho ăn.

Gần đến ngày thu hoạch lúa thì tháo nước để ba ba xuống đường mương rồi tập trung ở ao lớn. Cứ thế, sau 2 năm ba ba lớn bình quân khoảng 1 kg/con là có thể xuất bán...

Theo ông Dương Văn Phước, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long An, nuôi ba ba trong ruộng lúa lợi nhiều mặt. Bình quân một vụ lúa giảm khoảng 1 triệu đồng/ha chi phí diệt ốc bươu vàng. Ba ba ở trên mặt ruộng mỗi ngày nên ăn hết cua, ốc. Cái lợi kế tiếp là hạt gạo làm ra sạch, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp sử dụng cho cây lúa phải đảm bảo an toàn cho ba ba.

Ngoài trồng lúa kết hợp nuôi ba ba, ông Thắng còn tận dụng bờ bao trồng cỏ nuôi gần chục con bò, hơn 20 con dê. Hằng năm, tổng hợp từ việc nuôi ba ba, trồng lúa, bò và dê, gia đình ông thu lời trên 200 triệu đồng. Mô hình nuôi ba ba trong ruộng lúa đã được ông Thắng chuyển giao cho gần chục hộ dân ở địa phương và đã có nhiều hộ thành công.

Nguồn bài viết: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20141208/tu-tao-co-hoi-ky-84-lam-giau-nho-nuoi-ba-ba-trong-ruong-lua.aspx


Có thể bạn quan tâm

Vẫn Lạm Dụng Thuốc Bảo Vệ Thực Vật Vẫn Lạm Dụng Thuốc Bảo Vệ Thực Vật

Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, từ năm 2011 đến nay, hàng năm Việt Nam nhập và sử dụng từ 70-100 ngàn tấn thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Khối lượng và chủng loại thuốc bảo vệ thực vật đã sử dụng tại nước ta cao gấp nhiều lần nhu cầu sử dụng cho sản xuất nông nghiệp.

09/10/2014
Đầu Ra Nào Cho Sản Xuất Lớn? Đầu Ra Nào Cho Sản Xuất Lớn?

Đồng Nai đang xây dựng các đề án nhằm hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, đề án xây dựng cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng chất lượng cao theo chuẩn quốc tế cho nhiều cây trồng chiếm diện tích lớn trên địa bàn tỉnh, như: điều, cà phê, mía...

09/10/2014
Thành Lập Hợp Tác Xã Ca Cao Thống Nhất Thành Lập Hợp Tác Xã Ca Cao Thống Nhất

Hợp tác xã được thành lập trên cơ sở Câu lạc bộ ca cao Hưng Lộc với sự tham gia của 9 thành viên ban đầu, có vốn điều lệ 500 triệu đồng và hoạt động theo 6 nhóm ngành nghề: ươm và mua bán cây ca cao giống; sơ chế các loại trái cây sau thu hoạch; thu mua, buôn bán nông sản, sản xuất phân hữu cơ….

09/10/2014
Thu Nhập Bình Quân Đầu Người Ở 8 Xã Biên Giới Đạt 16 Triệu Đồng/người/năm Thu Nhập Bình Quân Đầu Người Ở 8 Xã Biên Giới Đạt 16 Triệu Đồng/người/năm

Qua triển khai đề án, diện tích sản xuất lúa cả năm 2013 của 8 xã biên giới thuộc huyện Tân Hồng, Hồng ngự và thị xã Hồng Ngự là 36.786 ha với tổng sản lượng 241.610 tấn. Số lượng chăn nuôi trâu, bò của các xã nói trên đạt 6.661 con; diện tích nuôi thủy sản là 650 ha với tổng sản lượng 27.210 tấn.

09/10/2014
Câu Chuyện Làm Giàu Của Một Nông Dân Vùng Biên Câu Chuyện Làm Giàu Của Một Nông Dân Vùng Biên

Sinh ra và lớn lên ở huyện Tân Hồng, khởi nghiệp gian nan với số đất ít ỏi trồng lúa ở vùng biên giới nhưng bằng sự năng động, mạnh dạn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã mang đến thành công cho anh Nguyễn Văn Phụng (SN 1969) ấp Đuôi Tôm, xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng.

09/10/2014