Làm Giàu Nhờ Nuôi Ba Ba Trong Ruộng Lúa

Ông Dương Văn Thắng (58 tuổi, ngụ ấp Long Tân, xã Long An, H.Long Hồ, Vĩnh Long) đã giàu lên với mô hình nuôi ba ba trong ruộng lúa.
Những ngày này, hơn 1,5 ha đất lúa của ông Thắng đã ngả màu vàng óng. Nước trên ruộng đang được ông chắt cạn dần. Những con ba ba đủ cỡ lần lượt bò xuống ao lắng rộng hơn 1.000 m2. Ông Thắng cho biết: “Nhờ mô hình trồng lúa kết hợp với nuôi ba ba và nuôi cá mà vụ lúa nào gia đình tôi cũng thu hoạch đạt hiệu quả cao.
Giá cả cũng được thương lái mua nhích hơn nhờ trồng lúa sạch vì rất ít sử dụng phân, thuốc. Bởi lẽ, con cá sẽ ăn cỏ và ba ba sẽ ăn ốc nên ruộng lúa không cần phải tốn những loại thuốc gây hại”.
Ông Thắng kể, trước đây, thấy ba ba bán được giá nên kêu con trai mua 500 con ba ba giống về nuôi thử nghiệm, nhưng con ông mua luôn 1.000 con. Bà Nguyễn Thị Thắm (vợ ông Thắng) tiếp lời: “Lúc mua tôn và 250 cây trụ đá mang về dựng vòng 1,5 ha ruộng bà con ai đi qua thấy cũng cười. Nhiều người nói vợ chồng ông Thắng dư tiền không biết làm gì nên mua tôn dựng ngoài ruộng chơi”.
Tổng số tiền đầu tư mua tôn, con giống khoảng 60 triệu đồng, sau 2 năm thả nuôi thu hoạch trừ tất cả mọi chi phí lời trên 100 triệu đồng. “Sau khi thu hoạch xong, tôi liền mua 2.000 con ba ba thả nuôi tiếp. Đến nay, ba ba đang vào vụ thu hoạch. Giá ba ba loại 1,45 kg/con được thương lái thu mua 280.000 đồng, loại 2, 3 thì giá thấp nên giữ lại tiếp tục nuôi cho đạt chuẩn...".
Ông Thắng tâm sự nuôi ba ba trong ruộng lúa chỉ nặng vốn mua tôn dựng vòng quanh để không bị thất thoát. Vòng quanh bờ bao ruộng lúa thiết kế một mương nhỏ, giữa ruộng một mương thông với ao để khi thu hoạch lúa thì ba ba tập trung về một nơi. Đến lúc làm đất xuống giống gần một tháng thì xả nước vào đồng cho lúa tốt và thả cho ba ba tự do lội trong ruộng. Lúc ba ba còn nhỏ, chúng bò lên ruộng thì không cần phải cho ăn.
Gần đến ngày thu hoạch lúa thì tháo nước để ba ba xuống đường mương rồi tập trung ở ao lớn. Cứ thế, sau 2 năm ba ba lớn bình quân khoảng 1 kg/con là có thể xuất bán...
Theo ông Dương Văn Phước, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long An, nuôi ba ba trong ruộng lúa lợi nhiều mặt. Bình quân một vụ lúa giảm khoảng 1 triệu đồng/ha chi phí diệt ốc bươu vàng. Ba ba ở trên mặt ruộng mỗi ngày nên ăn hết cua, ốc. Cái lợi kế tiếp là hạt gạo làm ra sạch, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp sử dụng cho cây lúa phải đảm bảo an toàn cho ba ba.
Ngoài trồng lúa kết hợp nuôi ba ba, ông Thắng còn tận dụng bờ bao trồng cỏ nuôi gần chục con bò, hơn 20 con dê. Hằng năm, tổng hợp từ việc nuôi ba ba, trồng lúa, bò và dê, gia đình ông thu lời trên 200 triệu đồng. Mô hình nuôi ba ba trong ruộng lúa đã được ông Thắng chuyển giao cho gần chục hộ dân ở địa phương và đã có nhiều hộ thành công.
Nguồn bài viết: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20141208/tu-tao-co-hoi-ky-84-lam-giau-nho-nuoi-ba-ba-trong-ruong-lua.aspx
Có thể bạn quan tâm

Trước tiên, hãy xem xét các điều kiện hạ tầng phục vụ có bảo đảm cho việc nuôi tôm, nhất là khi muốn nuôi tôm công nghiệp (NTCN) như: nguồn nước, đường điện, giao thông thuỷ bộ, đồng vốn, kiến thức quản lý và khả năng nắm bắt thông tin về thị trường vật tư, tình hình dịch bệnh…

Do sản lượng đánh bắt liên tục tăng cao nên trong tuần qua, giá cá bạc má, cá đốm có chiều hướng giảm, từ 35.000đ/kg xuống 25.000.đ/kg. Mặc dù giá cá giảm nhưng do sản lượng đánh bắt nhiều nên thu nhập của một số ngư dân huyện Quỳnh Lưu vẫn khá cao.

Nhiều thương lái ở trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp thu mua cá lóc cỡ 0,5 - 0,8kg/con với giá dao động 35.000 đồng - 38.000 đồng/kg (tăng hơn tuần trước 2.000 đồng/kg), giá cá tra thương phẩm từ 24.000 đồng - 24.500 đồng/kg (tăng 1.000 đồng/kg), giá lươn kích cỡ 200 - 300 gram/con bán trên - dưới 150.000 đồng/kg (tăng 3.000 đồng/kg), giá tôm loại I là 260.000 đồng/kg, loại II là 210.000đ/kg và loại III là 180.000 đồng/kg...

Huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) hiện có đàn trâu hơn 15.000 con; đàn bò 1.100 con; đàn lợn 80.500 con. Để bảo vệ đàn vật nuôi trước dịch bệnh và rét, bước vào đầu vụ thu đông, huyện đã triển khai công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm.

Những năm gần đây, thời tiết rét đậm, rét hại thường xảy ra, làm ảnh hưởng tới đàn gia súc, gây thiệt hại cho nông dân trên địa bàn thành phố (Tp) Lào Cai. Để chủ động đối phó với thời tiết và rút kinh nghiệm từ những vụ rét trước, Tp. Lào Cai đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống đói, rét, dự trữ thức ăn cho đàn gia súc khi mùa đông về.