Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Làm Giàu Nhờ Liều

Làm Giàu Nhờ Liều
Ngày đăng: 01/07/2012

Từ một thanh niên chăn bò, chỉ sau vài năm chuyển sang nuôi động vật quý hiếm, Trương Thanh Phúc (29 tuổi, xã Tân Tây, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) đã có của ăn của để.

Trang trại của Phúc nuôi 2.000 con chim trĩ đỏ, chim công, gà Đông Tảo và còn là địa điểm để thanh niên các tỉnh khác đến học tập kinh nghiệm, lấy con giống về nuôi với hi vọng sẽ có cuộc sống khá hơn.

Không dám làm, phí cả tuổi trẻ

Nhiều năm trước gia đình Phúc chỉ chăn nuôi bò với thu nhập vừa phải. Bất ngờ vào năm 2008, từ lời rủ rê của người quen, Phúc đòi nuôi gà sao và gà Mông. Ban đầu gia đình phản đối kịch liệt vì sự mạo hiểm trong kế hoạch viển vông của Phúc. Nhưng sau đó do Phúc vẫn một hai đòi nuôi, cả nhà đành bán nửa đàn bò cho Phúc mua con giống. Lứa gà đầu tiên xuất chuồng cho lợi nhuận khá cao.

Gia đình chưa kịp hoàn hồn vì “phi vụ” liều này, Phúc tiếp tục đòi nuôi chim trĩ cũng từ lời rủ rê của bạn bè. Chim trĩ thuộc loài động vật hoang dã, muốn chăn nuôi phải được cấp phép. Lần này gia đình cương quyết không cho nuôi. Bà Nguyễn Thị Mỹ Tân - mẹ Phúc - kể lại: “Lúc đó giá cặp chim trĩ giống bằng cả cặp bò. Không ai biết nuôi như thế nào nên cả nhà cản dữ lắm”.

Phúc cứ kiên trì thuyết phục, nài nỉ hết ngày này đến ngày khác. Chịu hết xiết, cả nhà quyết định cho Phúc... muốn làm gì thì làm! “Mình còn trẻ, thấy cái hay, cái lạ mà không tìm hiểu làm thử thì phí cả đời!” - Phúc tâm sự. Vét những đồng vốn cuối cùng của gia đình, Phúc mua ngay cặp chim trĩ giống đầu tiên.

Phúc bảo rằng nuôi chim trĩ không khó lắm vì tương tự như nuôi gà vậy. Chim trĩ lớn nhanh lại ít bệnh, tám tháng là trĩ mái bắt đầu đẻ trứng và đẻ liên tục. Bình quân chim đẻ một đợt hơn 60 trứng, sau đó nghỉ một thời gian khoảng hai tháng để thay lông rồi tiếp tục đẻ...

Từ một cặp chim giống mua cuối năm 2008, năm sau đàn chim đã tăng lên 8 cặp. Phúc không bán liền mà đầu tư máy ấp trứng kỹ thuật cao, cung ứng con giống cho những người trẻ dám liều như mình. Máy ấp trứng giá hơn chục triệu đồng, có thể ấp 1.000 trứng một lần. Đến năm 2011, con giống bán ra thị trường gần 5.000 con. Mỗi cặp chim giống sau khi trừ chi phí Phúc lãi hơn 200.000 đồng. Ngoài chim trĩ, trang trại của Phúc còn nuôi thêm chim công và gà Đông Tảo. Riêng giống gà Đông Tảo hiện đang được các nhà hàng săn lùng với giá khá cao.

“Tổng đài tư vấn kỹ thuật chăn nuôi”

Phúc tốt nghiệp Trường kỹ thuật Cao Thắng năm 2008. Sau đó anh tiếp tục dự thi vào Trường ĐH Nông lâm với quyết tâm trở thành bác sĩ thú y. Phúc nói: “Gia đình nuôi bò cực lắm. Có lần bò chửa, vì không biết kỹ thuật sinh nên bê chết. Cả nhà buồn xo. Từ đó Phúc ấp ủ đi học thêm về chăn nuôi để giúp gia đình và bà con trong xóm”. Trong thời gian học ĐH, cứ hè là Phúc xách túi đi chích thuốc chữa bệnh cho bò, phối giống cho đàn bò, đàn heo của bà con khắp nơi.

Hiện tại Phúc vừa cung ứng con giống, vừa hỗ trợ bạn trẻ thủ tục xin giấy phép chăn nuôi kiêm tư vấn kỹ thuật cho họ. Khi bán chim trĩ đỏ giống cho người nuôi, Phúc hướng dẫn rất tận tình. Có gì thắc mắc bà con liền “alô” ngay cho Phúc. Mỗi ngày Phúc nhận trên 50 cuộc gọi để nhờ tư vấn kỹ thuật nuôi chim trĩ, công, gà Đông Tảo...

Hôm chúng tôi đến, trang trại của Phúc đón anh Trung và chị Hương từ Long An đến tham quan, đặt hàng mua con giống. Tiễn khách, Phúc cười hớn hở vì mô hình làm giàu của mình được nhiều bạn trẻ công nhận và làm theo.

Có thể bạn quan tâm

Đào Ao Nuôi Tôm, Lợi Bất Cập Hại Đào Ao Nuôi Tôm, Lợi Bất Cập Hại

Người dân đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng ngọt hóa lại bùng phát ở huyện Bình Đại (Bến Tre) đe dọa 8,3 km tuyến đê bao ngọt hóa ven sông Tiền và 13 cống dưới đê có tổng trị giá 169 tỷ đồng vừa mới khởi công, khiến ngành chức năng Bến Tre lúng túng xử lý.

05/09/2013
Thăm Mô Hình Nuôi Cá Lồng Trên Biển Ở Khánh Hòa Thăm Mô Hình Nuôi Cá Lồng Trên Biển Ở Khánh Hòa

Ngày 21/3/2013, đoàn kiểm tra gồm ông Đỗ Văn Nam, Phó Vụ trưởng vụ Khoa học và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Thủy sản), ông Lê Văn Thắng, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Thủy sản, cùng một số cán bộ đã đến thăm mô hình nuôi cá lồng tại Bãi Miễu, thôn Trí Nguyễn, phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Mô hình có 4 hộ tham gia với đối tượng nuôi là cá chim vây vàng và cá chẽm.

23/03/2013
Nhiều Nông Dân Chọn Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Thay Thế Tôm Sú Nhiều Nông Dân Chọn Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Thay Thế Tôm Sú

Năm 2008, tôm thẻ chân trắng được cho phép nuôi đại trà ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nhằm để đa dạng hóa đối tượng nuôi và chủng loại sản phẩm xuất khẩu. Tuy nhiên, qua thời gian phát triển hơn 5 năm, phần lớn nông dân nuôi tôm nước lợ ở Tiền Giang đã chọn tôm thẻ chân trắng.

06/09/2013
Dịch Tai Xanh Bùng Phát Ở Một Số Tỉnh Miền Trung Dịch Tai Xanh Bùng Phát Ở Một Số Tỉnh Miền Trung

Dịch lợn tai xanh đã và đang lây lan nhanh tại một số tỉnh miền Trung, nhất là tại các địa bàn chăn nuôi trọng điểm.

23/03/2013
Phát Triển Vùng Nuôi Tôm Công Nghiệp Tập Trung Ở Cà Mau Phát Triển Vùng Nuôi Tôm Công Nghiệp Tập Trung Ở Cà Mau

Trong tiến trình phát triển nghề nuôi thủy sản, tỉnh đã quy hoạch 2 vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung. Tuy nhiên, sau một thời gian quy hoạch được thông qua, hiện nay 2 vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Việc triển khai quy hoạch như mục tiêu ban đầu đang gặp phải nhiều khó khăn.

09/09/2013