Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Làm Giàu Nhờ Liều

Làm Giàu Nhờ Liều
Ngày đăng: 01/07/2012

Từ một thanh niên chăn bò, chỉ sau vài năm chuyển sang nuôi động vật quý hiếm, Trương Thanh Phúc (29 tuổi, xã Tân Tây, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) đã có của ăn của để.

Trang trại của Phúc nuôi 2.000 con chim trĩ đỏ, chim công, gà Đông Tảo và còn là địa điểm để thanh niên các tỉnh khác đến học tập kinh nghiệm, lấy con giống về nuôi với hi vọng sẽ có cuộc sống khá hơn.

Không dám làm, phí cả tuổi trẻ

Nhiều năm trước gia đình Phúc chỉ chăn nuôi bò với thu nhập vừa phải. Bất ngờ vào năm 2008, từ lời rủ rê của người quen, Phúc đòi nuôi gà sao và gà Mông. Ban đầu gia đình phản đối kịch liệt vì sự mạo hiểm trong kế hoạch viển vông của Phúc. Nhưng sau đó do Phúc vẫn một hai đòi nuôi, cả nhà đành bán nửa đàn bò cho Phúc mua con giống. Lứa gà đầu tiên xuất chuồng cho lợi nhuận khá cao.

Gia đình chưa kịp hoàn hồn vì “phi vụ” liều này, Phúc tiếp tục đòi nuôi chim trĩ cũng từ lời rủ rê của bạn bè. Chim trĩ thuộc loài động vật hoang dã, muốn chăn nuôi phải được cấp phép. Lần này gia đình cương quyết không cho nuôi. Bà Nguyễn Thị Mỹ Tân - mẹ Phúc - kể lại: “Lúc đó giá cặp chim trĩ giống bằng cả cặp bò. Không ai biết nuôi như thế nào nên cả nhà cản dữ lắm”.

Phúc cứ kiên trì thuyết phục, nài nỉ hết ngày này đến ngày khác. Chịu hết xiết, cả nhà quyết định cho Phúc... muốn làm gì thì làm! “Mình còn trẻ, thấy cái hay, cái lạ mà không tìm hiểu làm thử thì phí cả đời!” - Phúc tâm sự. Vét những đồng vốn cuối cùng của gia đình, Phúc mua ngay cặp chim trĩ giống đầu tiên.

Phúc bảo rằng nuôi chim trĩ không khó lắm vì tương tự như nuôi gà vậy. Chim trĩ lớn nhanh lại ít bệnh, tám tháng là trĩ mái bắt đầu đẻ trứng và đẻ liên tục. Bình quân chim đẻ một đợt hơn 60 trứng, sau đó nghỉ một thời gian khoảng hai tháng để thay lông rồi tiếp tục đẻ...

Từ một cặp chim giống mua cuối năm 2008, năm sau đàn chim đã tăng lên 8 cặp. Phúc không bán liền mà đầu tư máy ấp trứng kỹ thuật cao, cung ứng con giống cho những người trẻ dám liều như mình. Máy ấp trứng giá hơn chục triệu đồng, có thể ấp 1.000 trứng một lần. Đến năm 2011, con giống bán ra thị trường gần 5.000 con. Mỗi cặp chim giống sau khi trừ chi phí Phúc lãi hơn 200.000 đồng. Ngoài chim trĩ, trang trại của Phúc còn nuôi thêm chim công và gà Đông Tảo. Riêng giống gà Đông Tảo hiện đang được các nhà hàng săn lùng với giá khá cao.

“Tổng đài tư vấn kỹ thuật chăn nuôi”

Phúc tốt nghiệp Trường kỹ thuật Cao Thắng năm 2008. Sau đó anh tiếp tục dự thi vào Trường ĐH Nông lâm với quyết tâm trở thành bác sĩ thú y. Phúc nói: “Gia đình nuôi bò cực lắm. Có lần bò chửa, vì không biết kỹ thuật sinh nên bê chết. Cả nhà buồn xo. Từ đó Phúc ấp ủ đi học thêm về chăn nuôi để giúp gia đình và bà con trong xóm”. Trong thời gian học ĐH, cứ hè là Phúc xách túi đi chích thuốc chữa bệnh cho bò, phối giống cho đàn bò, đàn heo của bà con khắp nơi.

Hiện tại Phúc vừa cung ứng con giống, vừa hỗ trợ bạn trẻ thủ tục xin giấy phép chăn nuôi kiêm tư vấn kỹ thuật cho họ. Khi bán chim trĩ đỏ giống cho người nuôi, Phúc hướng dẫn rất tận tình. Có gì thắc mắc bà con liền “alô” ngay cho Phúc. Mỗi ngày Phúc nhận trên 50 cuộc gọi để nhờ tư vấn kỹ thuật nuôi chim trĩ, công, gà Đông Tảo...

Hôm chúng tôi đến, trang trại của Phúc đón anh Trung và chị Hương từ Long An đến tham quan, đặt hàng mua con giống. Tiễn khách, Phúc cười hớn hở vì mô hình làm giàu của mình được nhiều bạn trẻ công nhận và làm theo.

Có thể bạn quan tâm

Mở Rộng Diện Tích Bưởi Lên Trên 4.700 Ha Ở Tiền Giang Mở Rộng Diện Tích Bưởi Lên Trên 4.700 Ha Ở Tiền Giang

Tỉnh Tiền Giang xác định bưởi nằm trong 7 loại cây ăn trái đặc sản có lợi thế cạnh tranh cần đầu tư phát triển. Địa phương đã mở rộng diện tích bưởi lên trên 4.700 ha trồng các giống bưởi chất lượng cao: bưởi da xanh, bưởi lông Cổ Cò mỗi năm cho sản lượng khoảng 80.000 tấn quả cung ứng thị trường. Diện tích trên tập trung nhiều nhất tại các huyện phía Tây: Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè.

16/04/2013
Hiệu Quả Kinh Tế Từ Mô Hình Nuôi Chim Bồ Câu Pháp Hiệu Quả Kinh Tế Từ Mô Hình Nuôi Chim Bồ Câu Pháp

Nuôi chim bồ câu Pháp rất đơn giản, dễ chăm sóc và mang lại hiệu quả cao. Hiện mô hình này đang được bà con nông xã Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) thực hiện và nhân rộng.

12/07/2013
Thêm “Sức Bật” Cho Con Tôm Cao Triều Ở Thừa Thiên Huế Thêm “Sức Bật” Cho Con Tôm Cao Triều Ở Thừa Thiên Huế

Ông Nguyễn Ngọc Song (thôn 4 Cao Triều - Quảng Công - Quảng Điền - Thừa Thiên - Huế) cho biết: Tôi đã làm nghề nuôi tôm được gần 10 năm, song trước đây, các động cơ phục vụ nuôi tôm như động cơ sục khí hay máy bơm nước đều sử dụng dầu diesel. Thời gian gần đây, tôi chuyển sang sử dụng động cơ điện.

17/04/2013
Sản Xuất Lúa Tiết Kiệm Phân Bón Ở An Giang Sản Xuất Lúa Tiết Kiệm Phân Bón Ở An Giang

Canh tác 6 héc - ta lúa nằm trong vùng đê bao Vĩnh Thuận, ông Phan Thành Phương (ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Nhuận, huyện Châu Thành - An Giang) cho biết: “Từ năm 2008 đến nay, chưa xả lũ lần nào nhưng lại sản xuất liên tiếp 3 vụ lúa mỗi năm, không xả lũ lấy phù sa màu mỡ và rửa trôi các mầm bệnh còn tích trữ trong đất, nguy cơ làm phát sinh dịch hại trên lúa khó tránh khỏi. Đất nghèo dinh dưỡng nên phải bón nhiều phân hóa học mới giữ được năng suất lúa. Mỗi héc-ta lúa bón khoảng 400 - 450 kg phân các loại/vụ, còn vài năm trở lại đây phải tăng từ 500 kg phân bón/héc - ta trở lên, mặc dù đã áp dụng các kỹ thuật mới vào sản xuất, bón nhiều phân Kali để cải tạo đất lâu năm chưa phơi ải, giúp bộ rễ cây lúa phát triển, hạn chế đổ ngã, giằn phèn”.

17/04/2013
Hơn 10.100 Ha Tôm Nuôi Bị Thiệt Hại Ở Bạc Liêu Hơn 10.100 Ha Tôm Nuôi Bị Thiệt Hại Ở Bạc Liêu

Theo thống kê của ngành chức năng, tháng 3/2013, toàn tỉnh Bạc Liêu có 10.194 ha tôm nuôi bị thiệt hại. Trong đó, 269 ha tôm nuôi công nghiệp và bán công nghiệp thiệt hại trên 70% và 9.925 ha tôm nuôi quảng canh cải tiến kết hợp thiệt hại từ 30 - 70%.

18/04/2013