Làm Giàu Nhờ Dám Nghĩ, Dám Làm

Năm 2007, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, là một đảng viên trẻ được kết nạp Đảng trong môi trường quân đội, anh Trương Hữu Minh ở phường Tân Lập (TP. Buôn Ma Thuột) ý thức được rằng phát triển kinh tế gia đình, tự vươn lên trong cuộc sống là một trong những nhiệm vụ mà người lính cần phải tiên phong. Là con cả trong gia đình làm nông đông anh em, với mức lương ít ỏi cộng phụ cấp không đủ trang trải cho cuộc sống, anh luôn nung nấu quyết tâm tìm cho mình một hướng đi mới giảm bớt khó khăn về kinh tế cho gia đình.
Được tiếp cận các mô hình phát triển kinh tế trang trại và chăn nuôi động vật hoang dã trong phường và các địa bàn lân cận, qua thời gian tìm hiểu, anh Minh thấy mô hình chăn nuôi heo rừng lai mang lại hiệu quả kinh tế tương đối cao. Năm 2010, trên diện tích 2,5 sào cà phê đã già cỗi, năng suất thấp, cùng với vốn tích lũy được của bản thân và vay mượn thêm của gia đình, bạn bè, anh đã mạnh dạn đầu tư 100 triệu đồng xây dựng chuồng trại, rào lưới bao quanh và mua 5 con heo rừng lai giống F1 về chăn thả. Những ngày đầu chăn nuôi, anh gặp rất nhiều khó khăn vì chưa có kinh nghiệm. Anh mày mò tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu kỹ thuật nuôi và áp dụng vào mô hình của gia đình, sau đó đàn heo bắt đầu sinh sản, số lượng phát triển lên 30 con. Nhờ áp dụng phương pháp chăn nuôi thả rong ngoài môi trường tự nhiên, tạo môi trường sống hoang dã, thức ăn chăn nuôi chủ yếu rau, củ, quả tận dụng, không dùng thức ăn tổng hợp ngoài thị trường, phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả nên đàn heo của gia đình anh luôn phát triển tốt, dần mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, tận dụng diện tích đất còn lại, anh Minh mạnh dạn phát triển mô hình chăn nuôi tổng hợp nhiều con giống vật nuôi như nuôi gà ta thả vườn, gà DABACO Hà Nội, nuôi ngan Pháp cũng mang lại hiệu quả kinh tế. Anh còn đầu tư chăm sóc 5 sào cà phê đang trong thời kỳ kinh doanh, mở cơ sở quảng cáo tại nhà nhằm tăng nguồn thu nhập cho gia đình.
Mô hình phát triển kinh tế này mỗi năm mang lại cho gia đình anh Minh nguồn thu nhập khoảng 180-200 triệu đồng; sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 120-150 triệu đồng, thu nhập bình quân đạt 10 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, anh còn tạo việc làm ổn định thường xuyên cho 3 lao động chăn nuôi và chăm sóc vườn cà phê, 5 lao động làm nghề dịch vụ quảng cáo. Không dừng lại ở đó, năm 2013 anh Minh mạnh dạn tìm hiểu phát triển thêm mô hình chăn nuôi con dúi hoang dã và nuôi bò thịt. Anh đang dự định cuối năm 2013 sẽ đầu tư xây dựng chuồng trại và mua 20 cặp giống dúi bố mẹ, 3 con bò nuôi thử nghiệm và nhân rộng.
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, anh Minh còn tích cực tham gia các hoạt động Đoàn; sẵn sàng giúp đỡ các đoàn viên thanh niên khác phát triển kinh tế. Với những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế gia đình, anh Trương Hữu Minh vinh dự được Trung ương Đoàn tặng giải thưởng Lương Định Của năm 2013.
Có thể bạn quan tâm

Bưởi ở xã Bạch Đằng nổi tiếng với thương hiệu bưởi lá cam có vị hơi chua thanh, ngon ngọt đặc trưng chỉ có ở xã Cù lao Bạch Đằng, TX.Tân Uyên. Nhằm góp phần đưa bưởi trong xã đi xa, Tổ hợp tác bưởi Bạch Đằng được thành lập với 12 thành viên. Qua thời gian hoạt động, thu nhập của các thành viên trong tổ lên đến hàng trăm triệu đồng/năm.

Theo khảo sát của Chi cục Bảo vệ thực vật Vĩnh Long, đến cuối tháng 9/2014, toàn tỉnh có 18ha chôm chôm nhiễm chổi rồng, tập trung nhiều tại các xã Đồng Phú, Bình Hòa Phước, An Bình (Long Hồ), tỷ lệ nhiễm dưới 30%. Mức độ nhiễm chổi rồng trên giống chôm chôm Thái, Java nhiều hơn chôm chôm đường.

Trái với quy luật nguồn cung giảm, giá tăng, giá chuối hiện vẫn đứng ở mức thấp. Cụ thể, chuối sứ thu tại đại lý đang ở mức 5 ngàn đồng/kg, chuối tiêu 3 ngàn đồng/kg, giảm từ 1-2 ngàn đồng/kg so với tháng trước. Đặc biệt, chuối bơm chỉ còn 700 đồng/kg, trong khi cùng kỳ mọi năm loại chuối này có thể bán được từ 6-7 ngàn đồng/kg. Nguyên nhân do các lò làm chuối sấy, chuối chiên giảm mạnh lượng tiêu thụ do đầu ra gặp khó khăn.

Khắc phục bệnh vàng lá thối rễ trên cây bưởi da xanh, ở xã Kế Thành, huyện Kế Sách bà con đã ghép cành bưởi da xanh với gốc bưởi “Tám quy” – một giống bưởi địa phương được trồng rất lâu năm ở đây và cho hiệu quả rất tốt, hạn chế được bệnh vàng lá thối rễ và năng suất chất lượng bưởi da xanh cũng không bị ảnh hưởng.

Trung tuần tháng 11-2014, phóng viên Báo An Giang đến vùng nuôi cá tra xã Hòa Lạc (Phú Tân) tìm hiểu việc ngư dân La Văn Hạp bị Công ty TNHH Phước Phát Lợi (tỉnh Vĩnh Long) lừa mua trên 110 tấn cá tra và quỵt nợ 1 tỷ 126 triệu đồng. Trớ trêu thay, ông Hạp lại bị phạt 9 tháng án tù treo (do ông Hạp ép Giám đốc DN trả nợ- như báo An Giang đã thông tin ngày 17-11), khiến dư luận xôn xao.