Làm Giàu Nhờ Chăn Nuôi Gia Công

Nhờ nuôi gia công heo, gà công nghiệp cho Công ty cổ phần chăn nuôi CP (Thái Lan), gia đình ông Nguyễn Văn Nam (61 tuổi, ở xã Nhơn Thọ, TX.An Nhơn, Bình Định) thu lãi ròng hơn 350 triệu đồng mỗi năm.
Xã Nhơn Thọ, quê của ông Nam, là nơi đất đai cằn cỗi, trồng cây lúa, cây bắp… không phát triển được. Nhưng ngay từ thời trai trẻ, ông Nam đã ấp ủ ước mơ “đổi đời” bằng con đường làm ruộng, nuôi cá, nuôi heo… Loay hay mãi cho đến khi lập gia đình, sinh con đẻ cái, ông vẫn không thể nào “bắt đất đẻ ra vàng”, cuộc sống luôn khó khăn.
Năm 2000, nhờ xem truyền hình, ông Nam biết nhiều người đang “ăn nên làm ra” từ mô hình chăn nuôi gia công cho Công ty cổ phần chăn nuôi CP. Hai vợ chồng ông gom hết tài sản trong nhà được khoảng 30 triệu đồng, vay thêm ngân hàng 10 triệu đồng để đầu tư xây dựng chuồng trại, ký kết hợp đồng chăn nuôi gia công với Công ty cổ phần chăn nuôi CP. Nhiều người nói ông Nam là “gàn” vì chọn vùng đất đồi gò đầy sỏi đá, đang bị bỏ hoang ở thôn Đông Bình (xã Nhơn Thọ) để xây dựng trang trại. Nhưng ông lại cho rằng vùng đất đó hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển trang trại theo quy mô khép kín, không ảnh hưởng đến môi trường chung quanh, cách ly dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm…
Sau hơn 10 năm, ông Nam đã đầu tư cho trang trại tổng cộng 10 tỉ đồng. Hiện trang trại của gia đình ông rộng hơn 7 ha gồm các khu chăn nuôi gà, heo, bò lai, nuôi cá, khu trồng rừng, khu trồng mía… Mỗi năm, ông Nam nuôi gia công cho Công ty cổ phần chăn nuôi CP 5 lứa gà, mỗi lứa khoảng 9.000 con gà siêu thịt; 2 lứa heo, mỗi lứa 700 con, tổng lãi ròng thu được khoảng 350 triệu đồng. Trang trại của ông Nam cũng đã tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động, thu nhập bình quân mỗi tháng 4,9 triệu đồng/người.
Ông Nam chọn mô hình chăn nuôi gia công vì đây là cách làm ăn có sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Nông dân chịu trách nhiệm đầu tư cơ sở chuồng trại, công chăm sóc; còn doanh nghiệp cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm làm ra, đầu tư toàn bộ con giống, thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ kỹ thuật thú y… “Để làm kinh tế trang trại, vấn đề quan trọng là sản phẩm làm ra phải tìm được nơi tiêu thụ ổn định, có ký kết bao tiêu sản phẩm nhằm tránh tình trạng được mùa mất giá hoặc mất mùa, mất giá” - ông Nam chia sẻ.
Theo ông Phan Hữu Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Thọ, hiện thôn Đông Bình có 15 hộ gia đình đầu tư phát triển trang trại để chăn nuôi gia công gà, heo cho Công ty cổ phần chăn nuôi CP, thu lãi trên 4 tỉ đồng. Ông Nam là người tiên phong và đã được nhận Bằng khen của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tại Hội nghị tổng kết phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ 4 vào giữa năm 2012.
Có thể bạn quan tâm

Với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền nông nghiệp, TP Cần Thơ đặt ra mục tiêu xây dựng ngành thủy sản trở thành ngành sản xuất hàng hóa hiện đại, có khả năng cạnh tranh cao, phát triển hiệu quả, bền vững gắn với bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Hoa Kỳ vẫn là thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 19,55% tổng giá trị xuất khẩu. Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 5/2015 theo ướt tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt 524 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu 5 tháng đạt 2,41 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2014.

Ngày 29/5/2015, Bộ NN và PTNT đã gửi Công văn số 4201/BNN-TCTS tới Tổng cục Hải quan, Hiệp hội cá Tra Việt Nam đồng ý miễn thủ tục xác nhận đăng ký XK sản phẩm cá tra đối với những lô hàng XK dưới 25kg với mục đích tham gia hội chợ, trưng bày triển lãm, chào hàng đàm phán, thương thảo hợp đồng XK.

Vốn nổi tiếng là vựa xoài của tỉnh Dak Lak nhưng năm nay, xoài Ea Súp mất mùa, mất giá khiến loại trái cây này vắng bóng trên thị trường, nhiều gia đình thất thu.

Vài năm trở lại đây, từ chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nông dân xã Phương Hải (Ninh Hải - Ninh Thuận) đã chuyển sang trồng dưa Hoàng kim mang lại giá trị kinh tế cao.