Làm Giàu Nhờ Chăn Nuôi Gia Công

Nhờ nuôi gia công heo, gà công nghiệp cho Công ty cổ phần chăn nuôi CP (Thái Lan), gia đình ông Nguyễn Văn Nam (61 tuổi, ở xã Nhơn Thọ, TX.An Nhơn, Bình Định) thu lãi ròng hơn 350 triệu đồng mỗi năm.
Xã Nhơn Thọ, quê của ông Nam, là nơi đất đai cằn cỗi, trồng cây lúa, cây bắp… không phát triển được. Nhưng ngay từ thời trai trẻ, ông Nam đã ấp ủ ước mơ “đổi đời” bằng con đường làm ruộng, nuôi cá, nuôi heo… Loay hay mãi cho đến khi lập gia đình, sinh con đẻ cái, ông vẫn không thể nào “bắt đất đẻ ra vàng”, cuộc sống luôn khó khăn.
Năm 2000, nhờ xem truyền hình, ông Nam biết nhiều người đang “ăn nên làm ra” từ mô hình chăn nuôi gia công cho Công ty cổ phần chăn nuôi CP. Hai vợ chồng ông gom hết tài sản trong nhà được khoảng 30 triệu đồng, vay thêm ngân hàng 10 triệu đồng để đầu tư xây dựng chuồng trại, ký kết hợp đồng chăn nuôi gia công với Công ty cổ phần chăn nuôi CP. Nhiều người nói ông Nam là “gàn” vì chọn vùng đất đồi gò đầy sỏi đá, đang bị bỏ hoang ở thôn Đông Bình (xã Nhơn Thọ) để xây dựng trang trại. Nhưng ông lại cho rằng vùng đất đó hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển trang trại theo quy mô khép kín, không ảnh hưởng đến môi trường chung quanh, cách ly dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm…
Sau hơn 10 năm, ông Nam đã đầu tư cho trang trại tổng cộng 10 tỉ đồng. Hiện trang trại của gia đình ông rộng hơn 7 ha gồm các khu chăn nuôi gà, heo, bò lai, nuôi cá, khu trồng rừng, khu trồng mía… Mỗi năm, ông Nam nuôi gia công cho Công ty cổ phần chăn nuôi CP 5 lứa gà, mỗi lứa khoảng 9.000 con gà siêu thịt; 2 lứa heo, mỗi lứa 700 con, tổng lãi ròng thu được khoảng 350 triệu đồng. Trang trại của ông Nam cũng đã tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động, thu nhập bình quân mỗi tháng 4,9 triệu đồng/người.
Ông Nam chọn mô hình chăn nuôi gia công vì đây là cách làm ăn có sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Nông dân chịu trách nhiệm đầu tư cơ sở chuồng trại, công chăm sóc; còn doanh nghiệp cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm làm ra, đầu tư toàn bộ con giống, thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ kỹ thuật thú y… “Để làm kinh tế trang trại, vấn đề quan trọng là sản phẩm làm ra phải tìm được nơi tiêu thụ ổn định, có ký kết bao tiêu sản phẩm nhằm tránh tình trạng được mùa mất giá hoặc mất mùa, mất giá” - ông Nam chia sẻ.
Theo ông Phan Hữu Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Thọ, hiện thôn Đông Bình có 15 hộ gia đình đầu tư phát triển trang trại để chăn nuôi gia công gà, heo cho Công ty cổ phần chăn nuôi CP, thu lãi trên 4 tỉ đồng. Ông Nam là người tiên phong và đã được nhận Bằng khen của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tại Hội nghị tổng kết phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ 4 vào giữa năm 2012.
Có thể bạn quan tâm

Với thu nhập từ năm 2012 đến nay đạt 4,45 tỷ đồng/năm sau khi đã trừ chi phí, anh Nguyễn Văn Côn (SN 1968), hội viên nông dân xã Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình (Bình Thuận) được nhiều người biết đến là tấm gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi với mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng.

Thật vậy anh Nguyễn Phỉ Lượng ở xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa bắt đầu thả nuôi 60 kg lươn (loại 35 - 40 con/kg) vào cuối tháng 4 năm 2014 do Trạm Khuyến nông huyện Tư Nghĩa hỗ trợ theo chương trình khuyến nông. Sau 5 tháng nuôi, tỷ lệ sống đạt 90%, trọng lượng bình quân 200g/con, có con nặng 300 g. Mô hình dự kiến thu vào cuối tháng 9, với giá bán hiện nay là 160.000 – 170.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ước thu lãi khoảng 40 triệu đồng/vụ nuôi.

Tham gia dự án, các hộ gia đình được quy hoạch chăn nuôi theo vùng, được tập huấn tiếp cận khoa học công nghệ chăn nuôi an toàn, kỹ thuật quản lý, sản xuất, phòng chống dịch bệnh hiệu quả, hỗ trợ xây dựng công trình bể bioga. Ngoài ra, địa phương còn được dự án đầu tư hỗ trợ nâng cấp các cơ sở giết mổ, chợ buôn bán thực phẩm tươi sống.

Đó là trại thỏ Tuấn Phát do anh Trần Thanh Tuấn ở ấp Bãi Vàng, xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh làm chủ. Trại gồm 3 khu, với tổng diện tích hơn 400 m2, qui mô hơn 450 con thỏ. Trong đó có 50 con đực và 400 con thỏ cái gồm các giống thỏ gốc Mỹ, Pháp, Đức, Hungari và New Zealand. Đây là những giống thỏ có trọng lượng cao gấp 2 lần so với giống thỏ địa phương.

Dự án cần diện tích từ 200 - 250 héc ta, quy mô chuồng trại khoảng 15.000 - 20.000 con bò thịt. Vốn đầu tư dự kiến khoảng 200 triệu đô la Mỹ. Dự án khi hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 200 - 300 lao động địa phương. Hiện đoàn đã tiến hành khảo sát địa điểm xây dựng tại hai huyện Hải Hà và Ba Chẽ.