Làm Giàu Nhờ Cần Cù, Tiết Kiệm

Với tính cần cù, chịu khó, tinh thần say mê lao động, sau khi xuất ngũ vào năm 1980, ông Ngô Văn Chúa (ấp Tân Thới A, xã Tạ An Khương Đông) về quê bắt tay vào đa canh trên 2 ha đất do cha mẹ cho. 14 năm làm ruộng, 18 năm nuôi tôm, ông luôn là người thực hiện tốt phương châm “tích tiểu thành đa”.
Ông quyết tâm chăn nuôi, trồng trọt để chủ động nguồn thực phẩm, rau xanh, tiết kiệm các khoản chi tiêu hằng ngày.
“Đất đai không nhiều, nhưng chịu khó lao động, tiết kiệm trong chi tiêu, trồng hoa màu, nuôi heo, nuôi gà, nuôi vịt, chủ động nguồn thực phẩm không phải đi chợ mua nên có tích luỹ. Dần dần dư dả nên tôi sang thêm được đất để mở rộng sản xuất và cho con”, ông Chúa tâm sự.
Từ 2 ha đất do cha mẹ cho ban đầu, ông tích luỹ mua thêm trên 10 ha đất. Mặc dù đã chia cho 5 người con, mỗi đứa hơn 2 ha khi lập gia đình để làm ăn, nhưng trong tay ông vẫn còn có tới 3 ha.
Trên diện tích này, ông quy hoạch 2,5 ha nuôi tôm theo hình thức quảng canh cải tiến kết hợp thả nuôi thêm 2.000 con cá nâu và 3.000 con cua mỗi năm. Tổng thu nhập bình quân không dưới con số 200 triệu đồng mỗi năm.
0,5 ha còn lại, ông lập vườn trồng cây ăn trái, rau màu và đào ao nuôi cá bống tượng, cá lóc, cá trắm kết hợp với trồng bông súng, bồn bồn. Các loại rau màu, cây ăn trái không những đủ ăn mà còn có để bán.
Ông Nguyễn Phương Bình, Bí thư Đảng uỷ xã Tạ An Khương Đông, nhận xét, ông Ngô Văn Chúa là người điển hình trong tích cực lao động sản xuất, tiết kiệm ở địa phương. Gia đình có tích luỹ, ông tích cực tham gia các phong trào ở địa phương, đặc biệt là có đóng góp lớn trong phong trào xây dựng giao thông nông thôn.
Khi chính quyền địa phương vận động xây dựng lộ giao thông nông thôn tại ấp Tân Thới A, ông đầu tư 120 triệu đồng để thực hiện 580 m lộ bằng bê-tông. Đây là một trong những hộ đóng góp vốn đối ứng lớn nhất ở huyện Đầm Dơi để chung tay cùng Nhà nước làm lộ giao thông nông thôn.
Không những vậy, ông tích cực vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài xã đóng góp xây dựng cầu để nối liền các tuyến lộ, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại thuận tiện.
Ông Trần Quốc An, Trưởng ấp Tân Thới A, cho biết, các phong trào hành động cách mạng ở địa phương, bất kể khi nào đến vận động, gia đình ông Ngô Văn Chúa đều hưởng ứng và thực hiện tốt.
Cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất, nhiều năm liền ông Ngô Văn Chúa được công nhận là nông dân sản xuất giỏi. Sản xuất hiệu quả, cộng với tiết kiệm trong chi tiêu, ông tạo dựng cho mình cuộc sống đủ đầy, sung túc, đóng góp lớn trong xây dựng cầu, lộ giao thông nông thôn tại địa phương và giúp người nghèo khó.
Có thể bạn quan tâm

Mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng trong vài năm gần đây đã được nhiều địa phương trong cả nước áp dụng với nhiều hình thức khác nhau và cho kết quả rất khả quan, trong đó phải kể đến chú Bảy Tạo, ở ấp Long Bình, xã Kiến An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.

Tỷ lệ góp vốn tính theo cổ phần (mỗi cổ phần trị giá 1 triệu đồng), xã đã huy động 220 cổ phần (220 triệu đồng) để mua 10 con bò cọp giao cho 5 hộ nuôi. Sau khi bán bò, lợi nhuận sẽ được chia cho nông dân 60%, còn lại 40% góp vào vốn để tiếp tục giúp đỡ các gia đình khác.

Về xã Đông Tảo (Khoái Châu, Hưng Yên) những ngày giáp Tết, người xe nườm nượp ra vào, những chiếc xe ô tô sang trọng về làng chở theo những chú gà Đông Tảo thô kệch, đôi chân to xù xì. Có lẽ ít giống gà nào lại được khách hàng đi xe ô tô sang săn đón vào dịp Tết nhiều như gà Đông Tảo…

Trong những năm gần đây, người dân các xã trên địa bàn huyện Đắk Song đã mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo hướng an toàn, bền vững. Nông dân Đắk Song đang chuyển mạnh từ canh tác tự phát sang canh tác theo quy hoạch, chú trọng khâu lựa chọn giống và chế độ canh tác phù hợp cho từng chân đất đã đưa lại năng suất cao và phát triển bền vững.

Vì vậy nếu không có biện pháp tổ chức phòng trừ kịp thời thì bệnh đạo ôn sẽ phát triển mạnh, gây cháy cục bộ và tấn công sang cổ lá, cổ bông làm hạt lúa lép lửng, giảm năng suất. Do đó, đối với những địa phương đã xuất hiện bệnh đạo ôn gây hại nặng như các xã Xuân Phước, Xuân Sơn Nam (huyện Đồng Xuân), An Nghiệp (huyện Tuy An) cần nhanh chóng tổ chức cho nông dân phun trừ những diện tích bị hại.