Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Làm Giàu Chậm Mà Chắc Với Chăn Nuôi Gia Công

Làm Giàu Chậm Mà Chắc Với Chăn Nuôi Gia Công
Ngày đăng: 11/04/2014

Về thôn Tiên Xá, xã Hạp Lĩnh, thành phố Bắc Ninh, chúng tôi được ông chủ trang trại Ngô Văn Tốn hồ hởi giới thiệu khu chăn nuôi hiện đại, khép kín với hơn 1000 con lợn nái chăn nuôi gia công cho Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. 10 năm qua, sự liên kết với doanh nghiệp này đã giúp ông Tốn có thể “bình tĩnh” trước những cơn biến động giá của thị trường.

Được biết, năm 2005, sau nhiều lần thất bại vì chưa có kinh nghiệm trong nuôi lợn thịt, ông đã được công ty C.P giới thiệu, tư vấn và đặt vấn đề liên kết chăn nuôi gia công.

Ông đã liều lĩnh vay mượn gần 7 tỷ đồng để xây dựng chuồng trại nuôi lợn nái trên nền diện tích 2,4 ha đúng thiết kế kỹ thuật công ty đưa ra. Hệ thống chuồng khép kín, có máy lạnh làm mát không khí, hệ thống cho ăn tự động và máy phát điện dự phòng.

Ngoài đầu tư cơ sở vật chất, ông Tốn đã thuê nhân công, đào tạo và quản lý họ thực hiện chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho lợn sinh sản theo đúng quy trình chuẩn. Công ty C.P chịu trách nhiệm cung ứng toàn bộ con giống, thức ăn, thuốc thú y và đưa kỹ sư về hướng dẫn lao động tại trang trại.

Nhờ quy trình chặt chẽ nên suốt thời gian qua, trang trại của ông Tốn chưa bao giờ xảy ra dịch bệnh lớn. Hiện nay, 2 khu chuồng trại của ông đang nuôi 1200 con lợn nái sinh sản, mỗi tháng xuất cho công ty hơn 1000 con lợn con, trọng lượng trung bình 2,16 kg/con. Hợp đồng được ký với công ty 5 năm một lần, bất kể giá thị trường cao hay thấp, mỗi con lợn con ông được trả 200.000 đồng.

Doanh thu bình quân đạt gần 3 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí điện, nước và trả lương cho nhân công, lợi nhuận thu được vẫn đạt đến con số tiền tỷ. Năm 2013, ông đã mở rộng thêm trại chăn nuôi gia công cho các công ty ở xã Cảnh Hưng (Tiên Du), ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang)...

Ông Tốn chia sẻ: “Chăn nuôi gia công là hình thức đầu tư sản xuất chậm mà chắc. Phải mất 5 năm chúng tôi mới trả hết được số vốn và lãi ban đầu để xây dựng chuồng trại nhưng đến nay, thu nhập từ chăn nuôi gia công khá ổn định, bản thân tôi cũng không phải suy nghĩ, lo lắng về thị trường nữa”.

Theo ông Vũ Thái Ninh, Trưởng phòng Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh, trong tình hình chăn nuôi tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi dịch bệnh, đầu vào và đầu ra bấp bênh như hiện nay, liên kết chăn nuôi gia công giữa doanh nghiệp và trang trại là một giải pháp an toàn cho những người có vốn và mặt bằng. Trước hết là đầu vào sản phẩm gồm con giống và thức ăn đã được bao tiêu toàn bộ.

Việc tiêu thụ sản phẩm cũng do doanh nghiệp chủ động nên sau mỗi đợt xuất chuồng, người chăn nuôi đều có thu nhập, không phải lo về giá cả và vấn đề lỗ hay lãi. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 11 trang trại chăn nuôi gia công cho các công ty.

Trước năm 2008, mới chỉ có một vài hộ chăn nuôi cho công ty C.P, gần đây đã có thêm công ty DABACO phát triển mô hình này. Về cơ bản, tỉnh vẫn có chủ trương khuyến khích, ủng hộ các trang trại có điều kiện đầu tư chăn nuôi quy mô lớn và có sự liên kết với các doanh nghiệp để ổn định sản xuất.

Mặc dù hiệu quả của các trang trại chăn nuôi gia công tương đối cao nhưng việc nhân rộng mô hình này còn gặp nhiều khó khăn do vướng mắc về nguồn vốn ban đầu. Để xây dựng chuồng trại theo thiết kế của doanh nghiệp, chủ trang trại phải bỏ ra khoảng vài tỷ cho đến hàng chục tỷ đồng - một số tiền không nhỏ vượt ngoài khả năng tích lũy và vay mượn của nhiều người.

Chưa kể, dù chăn nuôi gia công được các công ty cung cấp thức ăn chăn nuôi và một phần vốn, thuốc thú y, nhưng nếu các trang trại không có kinh nghiệm quản lý, chăn nuôi tốt, để hao hụt đàn, lượng thức ăn và các chi phí đầu vào khác... thì sẽ khó có lãi.

Vì vậy, theo ông Tốn, để liên kết này mang lại lợi nhuận lâu dài cho người chăn nuôi thì bản thân chủ trang trại phải nghiêm túc thực hiện quy trình chăn nuôi do công ty đề ra, sử dụng hiệu quả thức ăn, vật tư được cung cấp và hạn chế tối đa dịch bệnh…

Chỉ có như vậy thì chăn nuôi gia công mới trở thành hướng phát triển kinh tế vững chắc, đồng thời là động lực thúc đẩy chăn nuôi quy mô công nghiệp trên địa bàn tỉnh.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi Lợn Bằng Men Vi Sinh Nuôi Lợn Bằng Men Vi Sinh

Vợ chồng anh Lương Văn Luyên (1972) và chị Lang Thị Hà (1970) tại bản Kẹ Lè, xã Châu Hội là những người đầu tiên áp dụng công nghệ nuôi lợn sạch bằng phương pháp ủ men vi sinh nền đệm lót sinh học ở Qùy Châu. Đây là phương pháp đem lại hiệu quả kinh tế cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh có thể xảy ra cho người và vật nuôi.

19/07/2014
Ứng Dụng Khoa Học Công Nghệ Vào Sản Xuất Nhìn Từ Thành Công Của Một Doanh Nghiệp Tư Nhân Ứng Dụng Khoa Học Công Nghệ Vào Sản Xuất Nhìn Từ Thành Công Của Một Doanh Nghiệp Tư Nhân

“Gần 20 năm trong nghề nuôi trồng thuỷ sản, cái nghề như “đánh bạc” với trời này tôi đã từng có giai đoạn mất trắng, phải bán cả nhà cả cửa” - đó là tâm sự của ông Lương Thanh Phương, chủ trại giống Hải Hoà, phường Hải Hoà (TP Móng Cái, Quảng Ninh), Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Phương Thanh.

04/08/2014
Mitraco Nuôi Thử Nghiệm Hơn 60 Con Bê Giống Charolai Của Pháp Mitraco Nuôi Thử Nghiệm Hơn 60 Con Bê Giống Charolai Của Pháp

Nhằm thực hiện Dự án nuôi thử nghiệm bò lai chất lượng cao, sáng 19/7, Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco) tổ chức thu mua hơn 60 con bê giống của bà con nhân dân trên địa bàn 3 huyện: Đức Thọ, Can Lộc, Nghi Xuân.

19/07/2014
Phục Hồi Thành Công Giống Bào Ngư Quý Hiếm Phục Hồi Thành Công Giống Bào Ngư Quý Hiếm

Dự án sản xuất, cung cấp giống bào ngư tại huyện đảo Bạch Long Vĩ, đang triển khai có hiệu quả góp phần bảo tồn, tái tạo và phục hồi nguồn lợi bào ngư, duy trì ổn định hệ sinh thái tại Bạch Long Vĩ nói riêng và ở Việt Nam nói chung.

21/07/2014
Đầm Hà (Quảng Ninh) Được Mùa Tôm Đầm Hà (Quảng Ninh) Được Mùa Tôm

Trong những năm gần đây bà con nông dân huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) đã mạnh dạn đầu tư, cải tạo ao đầm phát triển nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt là nuôi tôm công nghiệp, nhiều hộ nông dân đã có thu nhập cao từ việc nuôi trồng này.

04/08/2014