Làm Giàu Chậm Mà Chắc Với Chăn Nuôi Gia Công

Về thôn Tiên Xá, xã Hạp Lĩnh, thành phố Bắc Ninh, chúng tôi được ông chủ trang trại Ngô Văn Tốn hồ hởi giới thiệu khu chăn nuôi hiện đại, khép kín với hơn 1000 con lợn nái chăn nuôi gia công cho Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. 10 năm qua, sự liên kết với doanh nghiệp này đã giúp ông Tốn có thể “bình tĩnh” trước những cơn biến động giá của thị trường.
Được biết, năm 2005, sau nhiều lần thất bại vì chưa có kinh nghiệm trong nuôi lợn thịt, ông đã được công ty C.P giới thiệu, tư vấn và đặt vấn đề liên kết chăn nuôi gia công.
Ông đã liều lĩnh vay mượn gần 7 tỷ đồng để xây dựng chuồng trại nuôi lợn nái trên nền diện tích 2,4 ha đúng thiết kế kỹ thuật công ty đưa ra. Hệ thống chuồng khép kín, có máy lạnh làm mát không khí, hệ thống cho ăn tự động và máy phát điện dự phòng.
Ngoài đầu tư cơ sở vật chất, ông Tốn đã thuê nhân công, đào tạo và quản lý họ thực hiện chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho lợn sinh sản theo đúng quy trình chuẩn. Công ty C.P chịu trách nhiệm cung ứng toàn bộ con giống, thức ăn, thuốc thú y và đưa kỹ sư về hướng dẫn lao động tại trang trại.
Nhờ quy trình chặt chẽ nên suốt thời gian qua, trang trại của ông Tốn chưa bao giờ xảy ra dịch bệnh lớn. Hiện nay, 2 khu chuồng trại của ông đang nuôi 1200 con lợn nái sinh sản, mỗi tháng xuất cho công ty hơn 1000 con lợn con, trọng lượng trung bình 2,16 kg/con. Hợp đồng được ký với công ty 5 năm một lần, bất kể giá thị trường cao hay thấp, mỗi con lợn con ông được trả 200.000 đồng.
Doanh thu bình quân đạt gần 3 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí điện, nước và trả lương cho nhân công, lợi nhuận thu được vẫn đạt đến con số tiền tỷ. Năm 2013, ông đã mở rộng thêm trại chăn nuôi gia công cho các công ty ở xã Cảnh Hưng (Tiên Du), ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang)...
Ông Tốn chia sẻ: “Chăn nuôi gia công là hình thức đầu tư sản xuất chậm mà chắc. Phải mất 5 năm chúng tôi mới trả hết được số vốn và lãi ban đầu để xây dựng chuồng trại nhưng đến nay, thu nhập từ chăn nuôi gia công khá ổn định, bản thân tôi cũng không phải suy nghĩ, lo lắng về thị trường nữa”.
Theo ông Vũ Thái Ninh, Trưởng phòng Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh, trong tình hình chăn nuôi tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi dịch bệnh, đầu vào và đầu ra bấp bênh như hiện nay, liên kết chăn nuôi gia công giữa doanh nghiệp và trang trại là một giải pháp an toàn cho những người có vốn và mặt bằng. Trước hết là đầu vào sản phẩm gồm con giống và thức ăn đã được bao tiêu toàn bộ.
Việc tiêu thụ sản phẩm cũng do doanh nghiệp chủ động nên sau mỗi đợt xuất chuồng, người chăn nuôi đều có thu nhập, không phải lo về giá cả và vấn đề lỗ hay lãi. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 11 trang trại chăn nuôi gia công cho các công ty.
Trước năm 2008, mới chỉ có một vài hộ chăn nuôi cho công ty C.P, gần đây đã có thêm công ty DABACO phát triển mô hình này. Về cơ bản, tỉnh vẫn có chủ trương khuyến khích, ủng hộ các trang trại có điều kiện đầu tư chăn nuôi quy mô lớn và có sự liên kết với các doanh nghiệp để ổn định sản xuất.
Mặc dù hiệu quả của các trang trại chăn nuôi gia công tương đối cao nhưng việc nhân rộng mô hình này còn gặp nhiều khó khăn do vướng mắc về nguồn vốn ban đầu. Để xây dựng chuồng trại theo thiết kế của doanh nghiệp, chủ trang trại phải bỏ ra khoảng vài tỷ cho đến hàng chục tỷ đồng - một số tiền không nhỏ vượt ngoài khả năng tích lũy và vay mượn của nhiều người.
Chưa kể, dù chăn nuôi gia công được các công ty cung cấp thức ăn chăn nuôi và một phần vốn, thuốc thú y, nhưng nếu các trang trại không có kinh nghiệm quản lý, chăn nuôi tốt, để hao hụt đàn, lượng thức ăn và các chi phí đầu vào khác... thì sẽ khó có lãi.
Vì vậy, theo ông Tốn, để liên kết này mang lại lợi nhuận lâu dài cho người chăn nuôi thì bản thân chủ trang trại phải nghiêm túc thực hiện quy trình chăn nuôi do công ty đề ra, sử dụng hiệu quả thức ăn, vật tư được cung cấp và hạn chế tối đa dịch bệnh…
Chỉ có như vậy thì chăn nuôi gia công mới trở thành hướng phát triển kinh tế vững chắc, đồng thời là động lực thúc đẩy chăn nuôi quy mô công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Có thể bạn quan tâm

Được sự giới thiệu của Đảng ủy xã Ẳng Cang chúng tôi đến thăm gia đình ông Lò Văn Muôn, bản Hua Ná, xã Ẳng Cang, huyện Mường Ảng. Ông Muôn không chỉ là đảng viên năng động, nhiệt tình trong công việc mà còn là người tiên phong, gương mẫu trong phát triển kinh tế - xã hội…

Quảng Ngãi vừa ghi nhận xuất hiện ổ dịch cúm A H5N6 tại xã Tịnh Đông, huyện Sơn Tịnh. Trước tình hình này, Cơ quan Thú Y vùng 4, tại Đà Nẵng phối hợp với Chi cục Thú y tỉnh Quảng Ngãi đến kiểm tra thực tế. Như vậy, Quảng Ngãi là tỉnh thứ 4 phát hiện dịch cúm A H5N6 sau 3 tỉnh Lạng Sơn, Hà Tĩnh và Quảng Trị.

Những năm gần đây, nhờ được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH hội thông qua các tổ chức xã hội, đoàn thể của phường, đặc biệt là Hội Nông dân; bà con nơi đây đã đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi nhằm phát huy tối đa hiệu quả vốn vay, góp phần tích cực vào công cuộc XĐGN trên địa bàn phường.

Bên cạnh đó, nhiều sâu bệnh khác cũng gây hại đáng kể như: Rầy nâu, rầy lưng trắng; khô vằn... Cục Bảo vệ thực vật cảnh báo, thời gian tới, một số sâu bệnh tiếp tục gia tăng gây hại. Do đó, các địa phương cần chủ động các biện pháp phòng chống.

Trong khi nhiều nhà vườn chạy theo phong trào trồng cây cam sành vì hiệu quả kinh tế cao thì ông Trần Văn Tiền, ở ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu, Châu Thành (Hậu Giang) vẫn đeo bám cây bưởi Năm Roi.