Làm Gì Để Nhân Rộng Những Cánh Đồng Vàng?

Chúng tôi về ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Hanh (Châu Thành - An Giang), nơi hình thành nhiều tổ sản xuất đạt giá trị kinh tế trung bình trên 50 triệu đồng/ha nhờ nuôi lươn, giúp nhiều hộ dân giàu lên. Ông Nguyễn Văn So, tổ 9, ấp Vĩnh Thuận cho biết: Nuôi lươn đạt giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần trồng lúa. Trước đây, với diện tích lúa, mỗi năm tôi chỉ canh tác được một mùa, mùa nước nổi ngồi nhìn nước ngập trắng đồng. Hoàn cảnh gia đình luôn túng quẫn, khó khăn.
Sau khi tham quan triển lãm giới thiệu các mô hình làm ăn mùa lũ do Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Châu Thành tổ chức, chúng tôi học được kỹ thuật nuôi lươn trong bồn, tôi cùng nhiều hộ khác chuyển từ trồng lúa sang nuôi lươn, thu lãi gần 80 triệu đồng/năm. Đến nay, riêng xã Vĩnh Hanh có gần 400 hộ nuôi lươn, hình thành theo từng tổ nuôi lươn để cùng liên kết hỗ trợ nhau trong sản xuất.
Nhiều nông dân Khmer ở ấp Cà Hom, xã Hàm Giang, huyện Trà Cú, Trà Vinh lại chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng mía giống mới chất lượng cao. Đến nay, nhiều hộ thu hoạch đạt giá trị từ 60 - 100 triệu/ha/năm. Từ kết quả trên, ông Trần Sên, Bí thư chi bộ ấp Cà Hom đã đứng ra thành lập “Câu lạc bộ 100 triệu” với mục đích tạo sự liên kết, trao đổi kinh nghiệm sản xuất để giữ vững giá trị đạt được và giúp các hộ dân khác đạt được 100 triệu đồng/ha.
Nông dân ở xã Kiến An, huyện Chợ Mới (An Giang) lại có cách làm giàu bằng việc mạnh dạn chuyển đổi diện tích lúa sang trồng rau màu như: hành, hẹ, gừng, ngò, kiệu... Mỗi năm từ 3 - 5 vụ, đạt gần 80 triệu đồng/ha/năm. Nhiều hộ do biết áp dụng khoa học kỹ thuật, chăm sóc kỹ lưỡng nên lãi gấp 3 đến 4 lần so với trồng lúa.
Chẳng hạn như: anh Nguyễn Văn Sự (ấp Hòa Thượng) thu nhập đạt từ 250 - 300 triệu/ha/năm. Xã Kiến An đã chuyển hơn 400ha đất nông nghiệp còn lại sang sản xuất đa canh, trồng trọt kết hợp chăn nuôi, thủy sản và phấn đấu đạt giá trị 100 triệu đồng/ha.
Nông trường Cờ Đỏ, xã Thạnh Phú, huyện Thốt Nốt (thành phố Cần Thơ) là một trong những đơn vị đi đầu điển hình thực hiện chương trình “Cánh đồng 50 triệu”. Để đạt kết quả trên, Nông trường đã mạnh dạn đưa vào gieo trồng 2 giống lúa mới, đạt giá trị kinh tế cao là ST1 và VD1.
Song song, nông trường còn áp dụng mô hình trồng lúa kết hợp với nuôi tôm càng xanh, cá rô. Nhờ đó, hiện, nông trường đã có trên 60ha của 25 hộ canh tác đạt tiêu chuẩn "cánh đồng trên 100 triệu". Trong thời gian tới, Nông trường sẽ phấn đấu nhân rộng mô hình này lên tới 700ha.
Đồng chí Huỳnh Phong Tranh, Phó Ban chỉ đạo Tây Nam bộ cho rằng quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của nông dân còn chưa bền vững. Vùng bán đảo Cà Mau và các tỉnh ven biển chuyển mạnh sang nuôi tôm, thuận lợi mấy mùa đầu nhưng giờ đây gặp nhiều khó khăn do ô nhiễm môi trường, tôm chết, nông dân nợ ngân hàng. Đây là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tái nghèo ở ĐBSCL còn cao so với các vùng khác (tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng hiện còn hơn 20%).
Giáo sư, tiến sĩ Võ Tòng Xuân người có kinh nghiệm về ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL cho chúng tôi biết: Theo tôi, để nhân rộng những “cánh đồng 50 triệu ha”, Nhà nước, cụ thể là các ban, ngành chức năng địa phương, Trung ương cần tính kỹ vấn đề qui hoạch, tổ chức sản xuất; qua đó quản lý được nguồn cung sát với nhu cầu của thị trường, đi sâu vào chuyên môn hóa trong sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Theo phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL: ĐBSCL là vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo của cả nước, việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, thay đổi cây trồng mới để thực hiện mục tiêu xây dựng và nhân rộng các cánh đồng 50 triệu đồng/ha phải được quy hoạch thận trọng, vì mục tiêu an toàn lương thực. Nếu thâm canh lúa thật tốt thì tổng thu nhập trên mỗi ha vẫn khó đạt mục tiêu 50 triệu đồng.
Do đó, cần tính đến giảm các chi phí giá thành, thuốc trừ sâu, phân đạm, chất lượng lúa gạo, ổn định thị trường lúa gạo có lợi cho nông dân. Bên cạnh đó, cần tiến hành xây dựng các mô hình lúa + cá, lúa + tôm, lúa + màu thích nghi với từng vùng, từng trình độ và năng lực đầu tư của nông dân để đa dạng hóa nguồn thu.
Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh tại TP Cần Thơ thì cho rằng: Tôi nghĩ, chiến lược phát triển Internet về nông thôn và các hình thức truyền thông, giáo dục khác là điều cần thiết, tạo đà cho khuyến nông phát triển, giúp nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, thị trường để xác định chiến lược sản xuất phù hợp, hạn chế rủi ro, nâng cao giá trị cây trồng.
Có thể bạn quan tâm

Từ một dòng sông xanh trong, tàu bè tấp nập qua lại, trên sông còn có nhiều hộ nuôi cá bè quy mô lớn. Đến nay, sông Vàm Cỏ Đông, đoạn chảy qua ấp Phước Trung, xã Phước Vinh, huyện Châu Thành (Tây Ninh) chỉ còn những đám lục bình trôi lấp mặt sông, với lác đác vài chiếc lồng nuôi cá vắng người chăm sóc.

Những năm qua, Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh luôn quan tâm đẩy mạnh phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau làm kinh tế giỏi” đem lại hiệu quả thiết thực. Từ phong trào này, những người lính năm xưa lại tiếp tục phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” trên mặt trận phát triển kinh tế.

Cà Mau là 1 trong 21 tỉnh, thành được chọn triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) theo Quyết định 315 của Chính phủ. BHNN như nguồn động lực lớn khích lệ nông dân mạnh dạn đầu tư, tăng năng suất, sản lượng, bảo đảm tính cạnh tranh của hàng hoá trên thị trường

Trước những khó khăn của nghề nuôi cá tra trong tỉnh Vĩnh Long do ảnh hưởng của giá cả đầu ra giảm, thấp hơn giá thành sản xuất, giá thức ăn, thuốc thủy sản tăng cao, người nuôi thua lỗ kéo dài, nhất là kể từ giữa tháng 3/2013, thông tin Bộ Thương Mại Mỹ áp mức thuế chống phá giá rất cao đối với các sản phẩm cá tra phi lê nhập khẩu từ Việt Nam, giá mua giảm sâu so với giá thành rất nhiều, làm cho kế hoạch thả lứa cá mới của một số nông dân phải tạm dừng lại.

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có công văn yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh có kế hoạch đấu tranh, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vận chuyển, buôn bán các mặt hàng thủy sản nhập lậu, không qua kiểm dịch. Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh có trách nghiệm chỉ đạo các cơ quan trực thuộc kiểm tra những điểm kinh doanh, buôn bán, phương tiện vận chuyển các mặt hàng thủy sản, kiểm soát chặt chẽ việc xuất, nhập thủy sản; xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm; đồng thời tuyên truyền người dân không tiêu thụ các sản phẩm thủy sản nhập lậu, không qua kiểm dịch...