Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Làm Gì Để Khai Thác Hiệu Quả Giá Trị Nhãn Hiệu Nho, Táo, Tỏi?

Làm Gì Để Khai Thác Hiệu Quả Giá Trị Nhãn Hiệu Nho, Táo, Tỏi?
Ngày đăng: 20/03/2014

Sau chỉ dẫn địa lý nho Ninh Thuận, cuối năm 2013, tỉnh ta có thêm nhãn hiệu tập thể “Táo Ninh Thuận”, “Tỏi Phan Rang” được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ bảo hộ. Nếu nói về nhãn hiệu tập thể nông sản được bảo hộ, còn phải kể tới măng khô Bác Ái, Rau an toàn Văn Hải và Tuấn Tú, nhưng nổi tiếng và mang tính đặc thù hơn cả của vùng đất Ninh Thuận chính là sản phẩm nho, táo và tỏi. Vấn đề hiện nay là phải làm gì để khai thác hiệu quả giá trị các nhãn hiệu trên?

NHO:

Với diện tích trên 750 ha, cây nho chiếm 3% tổng diện tích đất nông nghiệp ở tỉnh ta, nhưng giá trị kinh tế chiếm 13% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Theo ông Nguyễn Văn Mọi, Phó Chủ tịch Hiệp hội nho Ninh Thuận và là chủ trang trại nho Ba Mọi, để được công nhận đề án chỉ dẫn địa lý Ninh Thuận cho sản phẩm Nho là một quá trình lâu dài từ xây dựng bản đồ quỹ đất trồng nho đến xây dựng bộ dữ liệu các chỉ tiêu cảm quan, hóa tính, lý tính của nho. Từ xu hướng người tiêu dùng cần biết xuất xứ rõ ràng của sản phẩm, chính chỉ dẫn địa lý làm họ an tâm và vì vậy giá trị sản phẩm sẽ tăng lên.

Đối với nho hay sản phẩm sau nho muốn được cấp tem, điều cơ bản đầu tiên là hộ hay doanh nghiệp phải là thành viên Hiệp hội nho Ninh Thuận, tiếp đó là điều kiện nho ăn tươi phải có chứng chỉ VietGAP và các sản phẩm chế biến từ nho như vang nho, xi-rô nho phải công bố quy chuẩn. Hiện nay, toàn Hiệp hội có trên 40 thành viên và đã có 37.000 tem nhãn cấp chỉ dẫn địa lý cho 5 cơ sở là Trang trại Ba Mọi và các doanh nghiệp Thiên Thảo, Trí Hiệp, Mỹ Hòa, Viết Nghi.

Anh Phạm Châu Hoành, Trưởng phòng Quản lý Công nghệ chuyên ngành (Sở KH&CN) cho biết: Sau khi có chỉ dẫn địa lý, việc khai thác giá trị của sản phẩm Nho đang khởi động với dấu hiệu khá lạc quan, các cơ sở kinh doanh nho và sản phẩm sau nho đã từng bước nâng uy tín đặc sản địa phương.

Rõ nét nhất là tại Hội chợ Công nghệ (Tech Mart) ở Đắk Nông cuối năm ngoái, các sản phẩm rượu vang nho có mang nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý Ninh Thuận được người tiêu dùng lựa chọn.

TÁO, TỎI:

Toàn tỉnh hiện có trên 1.100 ha trồng táo, sản lượng 37.782 tấn/năm và 216 ha tỏi, sản lượng 1.578 tấn/năm. Tuy sản phẩm táo, tỏi của tỉnh được người tiêu dùng đánh giá rất cao về chất lượng nhưng do chưa có nhãn hiệu nên vấn đề tiêu thụ còn gặp nhiều khó khăn.

Cho nên việc Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo hộ theo quy định nhãn hiệu tập thể “Táo Ninh Thuận”, “Tỏi Phan Rang” đang mở ra triển vọng cho loại cây trồng này.

Nhãn hiệu "Tỏi Phan Rang" được cấp bằng bảo hộ sản phẩm, mở ra triển vọng phát triển cho nông dân tỉnh nhà.

Đồng chí Nguyễn Văn Ngọt, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh phân tích: “Để khai thác giá trị của nhãn hiệu còn phải qua nhiều giai đoạn, bước tiếp theo cực kỳ quan trọng là xây dựng đề án phát triển 2 nhãn hiệu táo, tỏi trên. Trong năm nay, Hội phối hợp với Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khởi động đề án, tập trung vào việc tập huấn, tuyên truyền và quảng bá sản phẩm”.

Cụ thể, Hội Nông dân tỉnh phấn đấu đến giữa năm nay sẽ có sản phẩm táo, tỏi dán nhãn tập thể giới thiệu tại các hội chợ và đưa vào siêu thị. Theo anh Nguyễn Văn Tính (Ban quản lý nhãn hiệu tập thể), đến nay đã có 1 tổ gồm 9 thành viên đăng ký nhãn hiệu tập thể “Tỏi Phan Rang” và 1 tổ gồm 10 thành viên đăng ký nhãn hiệu tập thể “Táo Ninh Thuận” đều thuộc xã Nhơn Hải (Ninh Hải). Tiêu chuẩn cơ bản để sử dụng nhãn hiệu là phải có chứng nhận VietGAP hoặc sản xuất theo quy trình VietGAP và phải tham gia vào Hiệp hội.

Hiện nay, toàn tỉnh đã có 47,2 ha táo và 51 ha tỏi sản xuất VietGAP và đang được các doanh nghiệp thu mua, đưa đi tiêu thụ. Việc tham gia của các doanh nghiệp là điều kiện cần thiết để thành lập Hiệp hội táo, tỏi Ninh Thuận.

TIÊU THỤ SẢN PHẨM:

Tuy nhiên vấn đề quan trọng hàng đầu mà mọi nông dân trồng nho, táo, tỏi đều nhận ra là phải làm sao cho sản phẩm tiêu thụ được. Không phải cứ dán nhãn là có ngay thị phần, chưa kể việc quản lý nông dân tuân thủ quy trình sản xuất VietGAP để giữ uy tín nhãn hiệu cũng cực kỳ phức tạp.

Bằng kinh nghiệm trực tiếp của người sản xuất VietGAP và dán nhãn chỉ dẫn địa lý Ninh Thuận cho sản phẩm Nho, ông Nguyễn Văn Mọi chia sẻ: Tôi có 1,5 ha nho sản xuất VietGAP và 5 ha vệ tinh liên kết các hộ, nhưng so với nhu cầu thị trường không thể nào đáp ứng nổi.

Vì vậy theo tôi cần phải có vai trò định hướng của Nhà nước, sự tham gia của doanh nghiệp ngay từ đầu, qua đó thay đổi trong cách tổ chức sản xuất, trong cách đưa sản phẩm ra thị trường. Sản phẩm làm ra không bán được sẽ làm nông dân quay lưng lại ngay, lúc ấy họ sẽ chẳng mặn mà gì VietGAP nữa.

Theo anh Phạm Châu Hoành, trong khai thác hiệu quả giá trị các nhãn hiệu tập thể, cây nho đang có nhân tố mới qua Chương trình 68 của Chính phủ hỗ trợ trực tiếp cho Ninh Thuận giai đoạn 2 về quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Ninh Thuận cho các sản phẩm Nho.

Đối với sản phẩm táo, tỏi, theo đồng chí Nguyễn Văn Ngọt, cũng đang có điều kiện thuận lợi ban đầu nhờ sự có mặt của 5 doanh nghiệp tiêu thụ lâu nay, sẽ góp phần tạo thành chuỗi giá trị, khẳng định dần vị thế 2 nhãn hàng này trên thị trường. Tuy nhiên điều quan trọng là phải làm sao cho nông dân nhận thức được và đăng ký sử dụng nhãn hiệu tập thể.


Có thể bạn quan tâm

Kỳ Anh chọn khâu đột phá để sớm thành huyện nông thôn mới Kỳ Anh chọn khâu đột phá để sớm thành huyện nông thôn mới

Trên cơ sở kế thừa những kết quả đạt được trong quá trình triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã xây dựng chiến lược, chọn khâu đột phá để hiện thực hóa mục tiêu sớm trở thành huyện NTM.

11/11/2015
Nông dân Bà Rịa Vũng Tàu học hỏi kinh nghiệm tại Hà Tĩnh Nông dân Bà Rịa Vũng Tàu học hỏi kinh nghiệm tại Hà Tĩnh

Chiều 10/11, đoàn đại biểu nông dân tiêu biểu tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm trong SX-KD tại Hà Tĩnh.

11/11/2015
Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành NN&PTNT Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành NN&PTNT

Chiều 10/11, Sở NN&PTNT Hà Tĩnh tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (14/11/1945- 14/11/2015).

11/11/2015
Tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dự án chăn nuôi bò chất lượng cao Tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dự án chăn nuôi bò chất lượng cao

Sáng 10/11, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn chủ trì cuộc họp nghe báo cáo và chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án nuôi bò giống và bò thịt của Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà.

11/11/2015
Công trình đa lợi ích Công trình đa lợi ích

Từ khi được hưởng lợi từ dự án LCASP, ngành chăn nuôi Bình Định đã cơ bản giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi.

11/11/2015