Làm Gì Để Cây Tiêu Cho Năng Suất Cao

Lộc Ninh (Bình Phước) hiện có 3.648 ha tiêu, chiếm khoảng 30% diện tích, gần 40% sản lượng của cả tỉnh. Theo kế hoạch, trong năm 2014, năng suất vườn tiêu ở Lộc Ninh đạt khoảng 32,25 tạ/ha. Để hoàn thành kế hoạch sản lượng 10.929 tấn, Lộc Ninh đang thực hiện ứng dụng khoa học - kỹ thuật, nhất là trong thời điểm hiện nay - thời kỳ các vườn tiêu đang ra hoa, đậu trái.
Gia đình ông Nguyễn Phú Công ở ấp Thắng Lợi, xã Lộc Phú (Lộc Ninh) có 800 nọc tiêu, trong đó 400 nọc đang cho thu hoạch. Nhờ chăm sóc tốt nên các nọc tiêu đều trĩu bông.
Tuy nhiên, điều mà ông Công lo lắng nhất là tình trạng tiêu bị bệnh vàng lá, nấm có nguy cơ phá hoại nếu không kịp thời phòng trừ hữu hiệu. Ông Công cho hay: Thời gian qua tiêu được giá nhưng cây tiêu luôn bị nhiễm bệnh rất khó chữa.
Do vậy, ngoài học hỏi kinh nghiệm từ các nhà vườn, tôi còn tìm tài liệu nghiên cứu về các bệnh để cứu cây tiêu. Nếu chủ quan với các mầm bệnh thì nguy cơ trắng tay là khó tránh khỏi, bởi cây tiêu khi đã đậu trái chưa hẳn cho vụ mùa bội thu mà còn nhiều yếu tố liên quan khác.
Đã có kinh nghiệm trồng tiêu hơn 20 năm, mỗi năm cho thu 1,8 tấn, nhưng ông Nguyễn Văn Vinh ấp Tân Lợi, xã Lộc Phú không khỏi lo lắng cho 1.200 nọc tiêu của gia đình. Ông Vinh cho biết, vườn tiêu của gia đình được trồng bằng trụ sống để tránh mối mọt cho cây, vừa kéo dài được thời gian khai thác. Tuy nhiên, những năm gần đây bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, sản lượng tiêu của gia đình.
Vườn tiêu nhà ông Vinh đang trong thời kỳ ra hoa. Điều ông quan tâm là làm sao giữ được bông để đậu trái. Ông Vinh nói, lo nhất là bệnh thối rễ vàng lá.
Bệnh này dễ lây lan và chưa có thuốc đặc trị. Chúng tôi chỉ xử lý theo kinh nghiệm là chính. Bởi khi bệnh bùng phát thì người trồng tiêu mất trắng. Còn khi ra bông, gặp thời tiết không thuận lợi, sâu bệnh phát triển thì tỷ lệ đậu trái thấp kèm theo là những thiệt hại cho người trồng tiêu.
Giá tiêu đang cao nên nhiều nhà vườn ở xã Lộc Phú giàu lên nhanh chóng. Lộc Phú cũng là xã có diện tích hồ tiêu lớn (565 ha), chiếm hơn 16% tổng diện tích cây tiêu của huyện Lộc Ninh. Hiện đang trong thời kỳ tiêu ra hoa đậu trái, để vườn tiêu đạt năng suất, chất lượng cao, người trồng tiêu rất mong được phổ biến thêm kinh nghiệm trồng tiêu bền vững.
Kỹ sư Nguyễn Đức Phương, Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, cho biết: “Để cây tiêu ra bông đầu mùa mưa và đậu trái cao người trồng cần quan tâm đến kỹ thuật chăm sóc. Cụ thể, sau khi thu hoạch được 80% sản lượng, người trồng tiêu nên bón phân để cây có đủ dinh dưỡng nuôi thân và tăng sức đề kháng. Vì sau thời gian nuôi trái cây bị suy yếu nghiêm trọng.
Sau khi thu hoạch xong, người trồng tiêu nên tẩy rửa vườn để diệt bệnh thán thư, đề y, tảo đỏ, một số lá già, lá bệnh. Tẩy rửa vườn tiêu đã được cán bộ kỹ thuật ở các Trạm khuyến nông hướng dẫn cụ thể. Điều này rất quan trọng bởi các loại mầm bệnh sẽ bị xử lý tận gốc, không có điều kiện phát sinh”.
Được biết, giá hạt tiêu trên thị trường (tại chợ) đang ở mức 230 ngàn đồng/kg đã “hút” nhiều hộ dân đổ xô trồng tiêu. Việc mở rộng diện tích cây tiêu tự phát, không theo quy hoạch sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khi thị trường bão hòa, nguy cơ bùng phát các loại bệnh trên cây tiêu.
Các hộ đã canh tác lâu năm nên đầu tư chăm sóc tiêu theo hướng bền vững, không chạy theo thị trường để ép tiêu ra bông đậu trái bằng chất kích thích làm suy kiệt cây tiêu sau khi thu hoạch. Các khuyến cáo với người trồng và chăm sóc tiêu nên sử dụng phân chuồng đã ủ hoai, hạn chế bón phân hóa học. Đặc biệt là tránh để tiêu ngập úng và tưới đủ nước trong mùa khô.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 7-2014, lượng hạt tiêu xuất khẩu cả nước ước đạt 9.000 tấn, với giá trị đạt 74 triệu USD, đưa khối lượng hạt tiêu xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm lên 119 ngàn tấn với giá trị 862 triệu USD, tăng 28,6% về khối lượng và tăng 41,8% về giá trị so cùng kỳ năm 2013. Giá tiêu xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2014 đạt 7.156 USD/tấn, tăng 8,95% so cùng kỳ năm 2013.
Có thể bạn quan tâm

Bến Tre là một trong những địa phương thực hiện tốt việc cải tạo đàn bò hướng thịt, đạt trọng lượng lớn, tỷ lệ thịt xẻ cao, chất lượng thịt ngon... Kết quả này là nhờ công tác thụ tinh nhân tạo, lai tạo ra những giống bò có giá trị kinh tế cao. Trong đó, huyện Ba Tri được xem là địa phương đi đầu cả nước trong thực hiện lai tạo, nâng cao chất lượng đàn bò…

Trong thời điểm hiện nay, giá lợn hơi xuống thấp có nhiều trang trại, hộ nuôi lợn phải “treo chuồng”. Tuy nhiên, còn có một số trang trại, hộ dân ở xã Phúc Ninh (Yên Sơn) vẫn đang duy trì, hoặc ít nhất là chưa bị thua lỗ do có “cách nuôi lợn thời giá thấp”. Gia đình chị Đỗ Thị Tươi, thôn Khuôn Thống, xã Phúc Ninh là một điển hình.

Mô hình Cánh đồng mẫu lớn (CĐML) đã và đang được triển khai rộng khắp cả nước như là một hướng đi bền vững nhất trong phát triển nền sản xuất nông nghiệp tập trung, hiện đại. Tuy nhiên, giữa việc nơi nơi đua nhau triển khai, nhân rộng, công ty nối tiếp công ty đẩy mạnh đầu tư và hàng trăm ngàn nông dân phấn khởi hưởng ứng thì nên chăng có sự nhìn nhận lại một cách tổng quan nhất về toàn bộ mô hình và sự phân chia lợi nhuận trong chuỗi sản xuất để có thể phát triển, nhân rộng theo đúng định hướng. Đây cũng là việc cần làm nhằm tái cơ cấu, đưa nền nông nghiệp Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, mỗi người một kiểu và mô hình dần đi vào quy luật… thoái trào.

Nhằm tận dụng nguồn đất vườn đồi bị bỏ hoang, những năm qua, bà con nông dân xã Nam Dong huyện Cư Jút tỉnh Đắk Nông đã tìm ra nhiều giống cây trồng, vật nuôi thích hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần từng bước xóa đói giảm nghèo, trong đó phải kể đến thành công của mô hình trồng cây nhãn trên đất vườn đồi của bà con nông dân nơi đây.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có khoảng 2.000ha mãng cầu (ta) chất lượng tốt, tập trung tại: Tân Thành, Châu Đức, Xuyên Mộc và TP.Vũng Tàu. Bình quân mỗi năm, sản lượng thu hoạch gần 9.000 tấn/năm. Nếu được quy hoạch bài bản, mãng cầu sẽ là cây ăn quả đầy sức cạnh tranh của BR-VT.