Lâm Đồng Chuyển Đổi, Tăng Nhanh Sử Dụng Giống Mới

Trong lĩnh vực nông nghiệp, giống cây trồng, vật nuôi giữ vai trò quan trọng, quyết định đến năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Việc đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất và cung ứng nguồn giống chất lượng cao sẽ tạo thế đứng, khả năng cạnh tranh cho lĩnh vực nông nghiệp mà phần lớn khu vực này gắn với đời sống nông dân ở nông thôn.
Lâm Đồng là một trong số địa phương có hoạt động nghiên cứu, chuyển giao cũng như sản xuất cung ứng giống cây trồng, vật nuôi đứng đầu cả nước.
Hoạt động nghiên cứu giống cây trồng và vật nuôi tập trung chủ yếu tại 8 đơn vị sự nghiệp, trong đó, 5 đơn vị chuyên nghiên cứu giống cây công nghiệp, 2 đơn vị nghiên cứu giống vật nuôi và thủy sản cùng một đơn vị chuyên nghiên cứu giống cây lâm nghiệp.
Ngoài ra, còn một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cũng tham gia hoạt động nghiên cứu, chuyển giao theo nhu cầu sản xuất hay kinh doanh. Do đó, các hoạt động nghiên cứu về giống cây trồng, vật nuôi được tập trung vào công tác nhân giống, lai tạo, khảo nghiệm và sản xuất giống gốc để đưa ra sản xuất ở quy mô đại trà. Đồng thời, nghiên cứu và bảo vệ các nguồn gen động, thực vật quý hiếm phục vụ công tác nghiên cứu, lai tạo, sản xuất giống.
Song song đó, hoạt động chuyển giao giống mới trong sản xuất tại Lâm Đồng cũng đạt được nhiều kết quả thông qua hệ thống khuyến nông; công tác chuyển giao các quy trình sản xuất cho nông dân được đẩy mạnh không chỉ do cơ quan nhà nước thực hiện mà các doanh nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng thúc đẩy việc chuyển giao các loại giống mới đưa vào sản xuất.
Theo thống kê, hiện tại, trên địa bàn Lâm Đồng, nhu cầu giống cây trồng, vật nuôi hàng năm của tỉnh rất cao. Đứng đầu nhu cầu này là giống rau, hoa; mỗi năm cần cung ứng khoảng 1,8 - 2 tỷ cây giống các loại rau, với hoa từ 2,3 - 2,5 tỷ cây giống; còn đối với giống lúa và bắp mỗi năm tiêu thụ khoảng 4.230 tấn. Đối với cây công nghiệp, cây ăn quả, nhu cầu hàng năm vào khoảng 12,7 triệu cây giống và khoảng 15 triệu chồi ghép.
Riêng cây lâm nghiệp, năng lực sản xuất trung bình hàng năm cung cấp từ 6 - 7 triệu cây giống để phục vụ kế hoạch trồng rừng và trồng cây phân tán. Bên cạnh đó, giống gia súc, gia cầm và thủy sản cũng có nhu cầu cao từ hơn 100 ngàn đến trên 1 triệu con giống mỗi năm.
Từ thực tế nghiên cứu, sản xuất và cung ứng giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh, mục tiêu Lâm Đồng đặt ra tiến tới phát triển hệ thống nghiên cứu chọn tạo, chuyển giao sản xuất đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về cây giống nông, lâm nghiệp và giống vật nuôi theo hướng công nghiệp hóa.
Đặc biệt, chủ động cung ứng nguồn giống chất lượng cao phục vụ chuyển đổi và tăng nhanh tỷ lệ sử dụng giống mới, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cũng như khả năng cạnh tranh, góp phần cải thiện thu nhập cho nông dân Lâm Đồng một cách bền vững. Để thực hiện mục tiêu này, UBND tỉnh đã đề ra kế hoạch cụ thể từ nay đến năm 2020, trong đó, nhấn mạnh đến việc phát triển hệ thống nghiên cứu, chuyển giao giống cây trồng, vật nuôi lên 16 đơn vị.
Cụ thể, lĩnh vực rau, hoa 7 đơn vị, cây công nghiệp và cây ăn quả 4 đơn vị; cây lâm nghiệp 1 đơn vị và giống vật nuôi, thủy sản 4 đơn vị. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xã hội hóa công tác nghiên cứu, chuyển giao giống mới thông qua thu hút đầu tư các doanh nghiệp trong và ngoài nước có thế mạnh, tiềm lực vốn cũng như kinh nghiệm sản xuất giống, tối thiểu thu hút 8 doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực giống cây trồng, vật nuôi.
Đồng thời phối hợp với các đơn vị nghiên cứu của trung ương để tập trung nghiên cứu chuyên sâu, chọn tạo giống một số cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh như: rau, hoa, chè, cà phê, cá nước lạnh… Thu thập, bảo tồn và lưu trữ nguồn gen quý hiếm, xây dựng các ngân hàng giống để phục vụ công tác nghiên cứu, sản xuất.
Qua đó, quy hoạch hệ thống sản xuất cung ứng giống gắn với kiểm soát chất lượng giống. Để thực hiện kế hoạch giống cây trồng, vật nuôi trong thời gian tới, theo UBND tỉnh, tổng nhu cầu vốn đầu tư cần khoảng 1.625 tỷ đồng; trong đó, ngân sách nhà nước 209 tỷ đồng, còn lại do doanh nghiệp và người dân đầu tư.
Có thể bạn quan tâm

Trạm Khuyến nông và Hội làm vườn TP.Cao Lãnh (Đồng Tháp) vừa tổ chức triển khai hình thức hỗ trợ đối với 50 nhà vườn trồng xoài rải vụ của xã Tịnh Thới và phường 6.

Theo UBND huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), nông dân trên địa bàn huyện đang thực hiện mô hình trồng dưa lưới, rau an toàn trong nhà màng. Cụ thể, từ một hộ nông dân tại xã Phú Đông đầu tư nhà màng trồng dưa lưới, hiện mô hình này đã được nhân rộng với 5 hộ dân tham gia.

Lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín 2015” với chủ đề “Lái Thiêu mùa hẹn” sẽ chính thức diễn ra từ ngày 20 đến 25-6 tại phường Hưng Định, TX.Thuận An, tỉnh Bình Dương và các địa điểm khác thuộc vườn cây Lái Thiêu.
Do đốn hạ để trồng các loại cây ăn trái khác, nhiều nhà vườn ở miền tây đang tỏ ra tiếc nuối vì mùa măng cụt năm nay trúng mùa, giá bán lại khá cao.

Theo UBND huyện Trảng Bom (Đồng Nai), toàn huyện đã phát triển được khoảng 150 hécta cây thanh long ruột đỏ, tập trung ở các xã: Hưng Thịnh, Trung Hòa, Tây Hòa... Cây thanh long trên địa bàn huyện phát triển tốt, đạt năng suất bình quân từ 30 - 35 tấn/hécta, chất lượng trái ngon và được thị trường biết tiếng vì nhiều năm luôn đạt giải nhất trong hội thi trái cây ngon tổ chức hàng năm tại Lễ hội trái cây Nam bộ (Khu du lịch Suối Tiên, TP.Hồ Chí Minh).