Lãi Trăm Triệu Một Vụ Dưa Lê Vàng

Nhờ thời tiết thuận lợi, Tết này, mỗi ha dưa lê vàng tại huyện Lai Vung (Đồng Tháp) cho năng suất 30-40 tấn, giúp nông dân nơi đây lãi hàng trăm triệu đồng.
Bước vào giữa tháng 11 đến cuối tháng Chạp âm lịch, nông dân vùng màu huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp tất bật vào mùa thu hoạch dưa lê vàng.
Hồ hởi bên ruộng dưa vừa thu hoạch, ông Nguyễn Văn Luôn, ngụ xã Tân Hòa, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: “Năm nay tôi trồng thử nghiệm 1,5ha nhưng nhờ khí hậu thuận lợi nên năng suất dưa lê đạt gần 50 tấn. Sau khi thu hoạch xong, khấu trừ các khoản chi phí, lãi trên 200 triệu đồng. Nếu so với trồng lúa thì trồng dưa lê lợi nhuận cao hơn gấp 10 lần”.
Ông Luôn cho biết thêm, một số hộ có nhiều năm kinh nghiệm trồng dưa lê năng suất lên tới trên 40 tấn một ha.
Cũng trúng mùa năm nay, ông Trần Điền Thuấn ở Lai Vung cho biết, dù chỉ trồng chưa đầy một ha nhưng nhờ giá bán cho các công ty thu mua dao động quanh mức 6.000-10.000 đồng một kg (tùy loại) nên ông cũng sẽ thu được lãi hơn 100 triệu đồng với khoảng 30 tấn dưa.
“Những năm trước đây để trồng gần một ha lúa tôi phải mất ba tháng, công cày bừa, gieo hạt, chăm sóc rất cực nhưng lãi chỉ thu được cao lắm là 20 triệu đồng. Còn nếu mất mùa thì chỉ đủ trả tiền đầu tư. Trong khi đó, dưa lê thời gian canh tác chỉ 2,5 tháng, chi phí đầu tư rẻ, lại được công ty bao tiêu nên lãi cao”, ông Thuấn nói thêm.
Ông cũng cho hay, năm tới nếu thời tiết thuận lợi ông sẽ tăng vụ dưa lê và có thể mở rộng thêm diện tích để tăng năng suất nhằm đáp ứng nhu cầu không chỉ trong tỉnh mà còn có thể xuất khẩu.
Không dám trồng nhiều vì chỉ mới năm đầu thử nghiệm, nhưng ông Điệp ở huyện này cũng phấn khởi khi năm nay sẽ thu lãi cao dù chỉ trồng nửa ha.
“Tôi không ngờ trồng dưa lê lại cho năng suất tốt như vậy và chỉ phải chăm sóc ở giai đoạn ươm trồng và khi bắt đầu cho trái”, ông Điệp nói.
Theo ông Điệp, dưa lê là loại có giá bán cao, có thể trồng quanh năm, nhưng thích hợp nhất trong vụ xuân hè. Thời gian sinh trưởng 55 - 60 ngày, tốt nhất là trong điều kiện 16 -28 độ C. Nếu thời tiết âm u kéo dài, tỷ lệ đậu quả sẽ thấp.
“Để có được trái to, năng suất cao thì người trồng cần bấm ngọn, tỉa nhánh, chọn trái. Không nên để quá nhiều nhánh cây sẽ khó cho trái đẹp và to. Vị trí để trái tốt nhất là từ lá thứ 10 đến lá thứ 15”, ông Điệp chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Hạnh, Phó chủ tịch xã Tân Hòa, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp đánh giá, những năm gần đây nhờ chuyển đổi trồng dưa lê trên đất lúa, nhiều nông hộ đã cải thiện thu nhập, không ít gia đình thoát nghèo. Hiện, vụ mùa 2014-2015 có 118 hộ dân ở đây tham gia liên kết trồng dưa lê, năng suất cả vụ dự kiến 2.500 tấn. Trong thời gian tới, UBND huyện sẽ cùng các doanh nghiệp thu mua mở rộng diện tích bao tiêu cho bà con.
Dưa lê của vùng màu xã Tân Hòa đang được Công ty Hồng Huế và Công ty Hoàng Vinh (TP HCM) liên kết bao tiêu. Đại diện Công ty Hồng Huế cho biết, bên cạnh việc cho năng suất cao thì thổ nhưỡng ở đây rất thích hợp cho cây dưa lê. Dưa lê được trồng ở vùng này có màu sắc rất đẹp, vị ngọt thanh, giòn, kích cỡ trái khá đồng đều… nên được thị trường ưa chuộng. Năm tới, công ty sẽ cố gắng tìm thêm thị trường tiêu thụ để tăng sản lượng bao tiêu cho nông dân.
Chia sẻ thêm về quy trình sau thu hoạch, ông Nguyễn Viết Diều, cán bộ nông nghiệp xã Tân Hòa cho biết, để bán được giá cao thì từ công đoạn thu hoạch trái đến vận chuyển và phân loại đều được thực hiện khá tỉ mỉ và chuẩn xác. Dưa lê được công ty thu mua phân loại, dán tem và đóng thùng, bảo quản tốt. Năm 2014, diện tích trồng dưa lê của toàn huyện trên 118 ha, tăng gấp 3 lần so với năm 2013 và gấp 10 lần so với năm 2012.
Có thể bạn quan tâm

Bình thuận có đa dạng loại hình nuôi thủy sản như: sản xuất tôm giống, nuôi tôm, cá nước lợ, nuôi tôm cá bằng lồng bè trên biển, nuôi cá hồ chứa (cá tầm), nuôi cá nước ngọt trong ao đất, nuôi cá nước ngọt bằng lồng bè... Thời gian qua, tỉnh đã tập trung triển khai các mô hình nuôi thủy sản với mục tiêu đa dạng hóa các đối tượng nuôi thủy sản.

Khu bảo vệ thủy sản (BVTS) Cồn Chìm (Vinh Phú) thành lập thí điểm cuối năm 2009, được bà con ngư dân hưởng ứng và đồng thuận cao. Đến nay, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thành lập 10 khu BVTS giúp tôm, cá có nơi trú ẩn và tạo nguồn thức ăn cho tôm, cá ở đầm phá.

Nằm bên dòng sông Sêrêpôk hoang dã, người dân thôn 5, xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) nổi tiếng với nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là thành công trong việc đưa cá lăng đuôi đỏ vào nuôi trong ao nước tĩnh đã góp phần làm hồi sinh dòng cá bản địa quý hiếm trước nguy cơ bị tuyệt chủng.

Bà con nuôi trồng thủy sản huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) đang rất phấn khởi khi mùa tôm vụ cuối năm thắng lớn. Theo ông Phạm Văn Chí, một hộ nuôi thành công tại đây cho biết, hiện tôm thẻ chân trắng cỡ 55-60 con/kg có giá từ 190-200 ngàn đồng/kg. Đây là mức giá kỷ lục.

Nghề nuôi tôm hùm lồng đã phát triển khá mạnh tại tỉnh Khánh Hòa từ nhiều năm nay, đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho người dân tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, các tác động tiêu cực của nghề nuôi tôm hùm cũng đồng thời là đề tài tranh cãi của không ít chuyên gia, nhà khoa học.