Lái Thiêu Liêu Xiêu Trước Trái Cây Ngoại Nhập

Lái Thiêu, một trong những vựa trái cây nổi danh nhất Việt Nam, vẫn được xếp chiếu trên với nhiều loại đặc sản, nhưng cũng đang phải vật vã cạnh tranh với hoa quả Trung Quốc giá rẻ.
Nằm ven sông Sài Gòn, vườn cây ăn trái Lái Thiêu (thuộc thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) nổi tiếng với giống măng cụt vỏ mỏng, ngọt thanh, mít tố nữ thơm lâu, vị dịu, sầu riêng ngọt hiếm có…
Bà Đỗ Thị Tuyết, chủ vựa trái cây 30 năm qua ở Lái Thiêu, kể rằng, những năm trái cây Việt Nam lên ngôi, làng bà có nhiều người sống bằng nghề chủ vựa. “Mỗi đêm, tôi đưa hàng lên Sài Gòn, đầy hai xe tải, bán hết veo. Chẳng phải mình tôi, cả vùng Lái Thiêu này, hàng trăm người sống bằng nghề buôn bán như vậy”, bà nói.
Thế nhưng, khoảng 4 năm trở lại đây, trái cây nước ngoài, nhất là của Trung Quốc, được bày bán tràn lan với “giá rẻ, hình thức bắt mắt, nên chúng tôi cạnh tranh với họ không được”, bà Tuyết than. “Hiện giờ, tôi vẫn đưa trái cây lên Sài Gòn, nhưng mỗi đêm chỉ đưa lên 2 xe máy hàng thôi, không ăn nhằm gì”, bà nói.
Chị Nhung, một chủ vựa ở phường An Thạnh, nói rằng, hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều loại trái cây Trung Quốc, trong khi một số loại trái cây Lái Thiêu mất giá. Lái Thiêu những ngày này có hàng chục người bán dạo trái cây ven đường, mỗi người đem theo dăm chục ký hàng. Ít ai biết họ là những chủ vựa hoa trái vang bóng một thời.
Trái cây Trung Quốc tươi lâu nhờ hóa chất
Lái Thiêu có 5 xã, phường trồng trái cây, nhưng không phải vùng chuyên canh mà mỗi nơi có chừng vài chục héc-ta, rải rác cách xa nhau. Thị trấn Lái Thiêu giờ đô thị hóa, chỉ còn một nhóm hộ trồng cây ăn trái ở ven sông Sài Gòn.
Bên kia sông, hoa trái ngoại, nhất là của Trung Quốc, tràn ngập. Ngay ở các chợ đầu mối, chợ lớn trong vùng cũng không thiếu gì trái cây Trung Quốc. Chưa thấy hàng Trung Quốc cạnh tranh với 5 loại trái cây độc đáo của Lái Thiêu là măng cụt, mít tố nữ, dâu, sầu riêng và boòng boong, nhưng nhiều loại trái cây Trung Quốc được bày bán khắp các chợ do tươi lâu hơn.
Chị Nhung nói: “Trái cây Trung Quốc chủ yếu là táo, nho, dâu… Tuy không trực tiếp cạnh tranh với trái cây Lái Thiêu, nhưng do giá rẻ nên họ bán được nhiều hơn, mặc dù người ta cũng nói đến việc họ ngâm tẩm hóa chất độc hại, nên giữ trái cây lâu hơn ta nhiều”.
Trong khi đó, hoa trái Lái Thiêu và vùng đồng bằng đều được thu hái, bảo quản theo cách truyền thống, không dùng hóa chất, nên chỉ bán trong vụ mùa.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND phường Hưng Định, giải thích: “Vào đầu mùa, giá măng cụt bán tại Lái Thiêu là 120.000 đồng/kg, nhưng giữa mùa chỉ còn 20.000 đồng/kg”. Năm nay, mùa măng cụt Lái Thiêu chỉ còn chừng tuần nữa là hết, khi đó măng cụt Trung Quốc, Thái Lan chiếm lĩnh thị trường.
Mới đây, Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT) phát hiện 17 lô hàng nhập khẩu với gần 300 tấn hoa quả Trung Quốc có dư lượng hóa chất vượt ngưỡng cho phép.
Dán tem măng cụt
Để khẳng định thương hiệu măng cụt Lái Thiêu, đồng thời khôi phục địa danh du lịch sinh thái miệt vườn tại vùng đất Lái Thiêu - Thuận An, Hội Nông dân thị xã Thuận An đã đăng ký xác lập quyền nhãn hiệu tập thể “Măng cụt Lái Thiêu”. Đây là dấu hiệu dùng để nhận biết, phân biệt măng cụt Lái Thiêu với các loại măng cụt khác trên thị trường.
Hồi tháng 6, UBND thị xã Thuận An tổ chức Lễ công bố nhãn hiệu tập thể “Măng cụt Lái Thiêu” do Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ KH&CN) công nhận. Hồi tháng 6, địa phương đã thuê in tem măng cụt Lái Thiêu. Ông Hưng nói: “Tất cả tem in ra đều được dán lên măng cụt và bán hết ngay lập tức, tiếc số lượng tem in còn ít quá”.
Tại nơi bán hàng ven đường, bà Tuyết treo một tấm biển ghi rõ: “Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Măng cụt Lái Thiêu” cho bà Đỗ Thị Tuyết vì đã đáp ứng đủ điều kiện sử dụng nhãn hiệu với thời hạn 2 năm”.
Điều kiện ở đây là “chỉ bán trái cây của chúng tôi thôi”, dù với trái cây Trung Quốc, Thái Lan hay Indonesia, giá mua vào bán ra có khi mỗi ký chênh lệch cả chục ngàn đồng, bà Tuyết nói.
Trong khi đó, với măng cụt Lái Thiêu, chênh lệnh với giá bán trong vườn chỉ là 2.000 đồng/kg. Đứng bán trái cây Lái Thiêu bên chiếc ô cũ, bà Tuyết nói: “30 năm nay tôi chỉ bán trái cây Việt Nam thì đến giờ tôi cũng vẫn làm như vậy, không bao giờ thay đổi”.
Bà Liên, cán bộ Hội Nông dân thị xã Thuận An, cho biết, những năm qua, diện tích trồng cây trái ở 9 phường, 1 xã có giảm do nguồn nước ô nhiễm làm chết cây. Hiện toàn thị xã còn 1.680 hộ trồng cây ăn trái với diện tích 540 ha (0,321 ha/hộ).
Hội Nông dân đang thực hiện nhiều biện pháp khuyến khích, ưu đãi và hỗ trợ nông dân giữ vững diện tích. Riêng phường Hưng Định mỗi ngày đón tiếp khoảng 100 du khách các nơi tìm về để tham quan, thưởng thức trái cây Lái Thiêu.
Có thể bạn quan tâm

Điều đáng nói là, sau 3 năm triển khai Chương trình, một số giống lúa chất lượng cao đã được khẳng định, trở thành giống cây trồng đem lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân.

Đây là xu hướng mà nhiều nông dân tham gia các cánh đồng mẫu lớn ở Đông Thạnh (TX Bình Minh), Xuân Hiệp (Trà Ôn), Long An (Long Hồ) cũng đang hướng đến. Tại 3 nơi đã thực hiện như Tân An Luông, Mỹ Lộc, Tân Long, diện tích sản xuất lúa VietGAP cũng tiếp tục được mở rộng thêm và nhiều nông dân rất muốn được tham gia.

Tại diễn đàn “Liên kết 4 nhà trong sản xuất và tiêu thụ trái cây vùng ĐBSCL”, diễn ra ngày 31/5/2014 tại Bến Tre, bên cạnh chia sẻ về sản xuất và tiêu thụ trái cây, một số nhà chuyên môn đã đưa ra những khuyến cáo cần thận trọng đánh giá thị trường và tìm cách nâng cao chất lượng mặt hàng này. Dù xuất khẩu trái cây đang tăng cao.

Dám nghĩ, dám làm và tận dụng mọi điều kiện để khai thác hết tiềm năng của đất, lao động của gia đình, đồng thời ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi là cách mà người dân ấp 8, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời đã làm để vươn lên ổn định cuộc sống.

Nắng nóng kéo dài trong mấy tháng qua đã làm cho nguồn nước tại các hồ chứa trên địa bàn tỉnh giảm mạnh. Trước tình hình này, ngành chức năng và chính quyền các địa phương đã và đang triển khai nhiều biện pháp chống hạn cho cây trồng vụ Hè Thu (HT), cũng như cung cấp nước sinh hoạt cho người và gia súc.