Lai Tạo Đàn Bò Hiệu Quả

Những năm gần đây, được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, huyện An Lão (Bình Định) đã triển khai chương trình cải tạo đàn bò, tăng tỉ lệ bò lai, góp phần phát triển ngành chăn nuôi đại gia súc ở địa phương, giúp nhiều hộ nông dân vươn lên làm giàu chính đáng.
Huyện miền núi An Lão có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển ngành chăn nuôi đại gia súc. Tuy nhiên, trước đây do tập quán chăn nuôi lạc hậu, bò giống chưa được lựa chọn kỹ nên hiệu quả chăn nuôi thấp. Để giúp nông dân chăn nuôi có hiệu quả, huyện An Lão đã triển khai chương trình cải tạo đàn bò theo hướng lai bò nhập ngoại, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi, chế biến thức ăn cho bò và giúp người dân chuyển dần tập quán nuôi bò truyền thống sang nuôi bò đàn mang tính sản xuất hàng hóa, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Trong 7 năm trở lại đây, bằng nhiều nguồn vốn, huyện An Lão đã đầu tư gần 58 tỉ đồng hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Huyện cũng đã tổ chức 117 lớp đào tạo, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho 5.405 lượt cán bộ và nông dân địa phương, trong đó có 3 lớp đào tạo nghề thú y, 10 lớp tập huấn kỹ thuật thụ tinh và chăn nuôi bò lai.
Huyện đã trích ngân sách hàng trăm triệu đồng/năm hỗ trợ mua vắc xin phòng trừ dịch bệnh cho đàn bò, mua tinh bò giống lai ngoại và hỗ trợ tiền công phối giống bò cho dẫn tinh viên. Huyện cũng đã mua 17 con bò đực giống ngoại phân bổ về các xã để phối giống trực tiếp nhân đàn bò lai; xây dựng nhiều mô hình chăn nuôi bò lai…
Hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi bò lai ở An Lão đã khá rõ, bò lai chiếm ưu thế vượt trội so với bò cỏ địa phương cả về trọng lượng và chất lượng thịt. Gia đình ông Bùi Long Đức, ở thôn Tân An, xã An Tân, trước đây nuôi bò vàng, sau khi có chương trình cải tạo, nâng cao chất lượng đàn bò, gia đình ông đã mua một con bò đực giống lai Zêbu cho thụ tinh trực tiếp với 4 con bò cái nền địa phương.
Hai năm sau, đàn bò của ông đã sinh được 8 con bê lai. Chỉ sau 10 tháng nuôi, ông xuất bán với giá từ 13 đến 15 triệu đồng/con. Hàng năm, từ chăn nuôi bò lai, gia đình ông đã có nguồn thu thêm từ 50-60 triệu đồng. Ông Đức bộc bạch: “Trước đây, trung bình mỗi con bê cỏ chỉ bán được 4 -5 triệu đồng, còn hiện tại mỗi con bê lai có giá gần gấp đôi. Nuôi bò lai sẽ giúp nông dân nhanh chóng cải thiện đời sống”.
Trong 7 năm qua, số lượng bò lai ở An Lão đã tăng từ 1.567 con lên 3.000 con, chiếm 41,7% tổng đàn; kế hoạch phấn đấu đến năm 2015 toàn huyện có tổng đàn bò 8.300 con, trong đó bò lai chiếm 50%. Ông Phạm Minh Tâm, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện An Lão, cho biết: “Huyện đã đưa ra nhiều giải pháp thực hiện, trong đó chú trọng mở lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò cho người dân. Áp dụng nhiều chế độ ưu đãi nhằm khuyến khích thực hiện lai tạo đàn bò theo phương pháp thụ tinh nhân tạo.
Vận động nhân dân vỗ béo giống bò cỏ địa phương bán thịt và nhân nuôi giống bò lai cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Tiếp tục quy hoạch lại đồng cỏ, bãi chăn thả tự nhiên, tuyên truyền cho người dân từ bỏ tập quán chăn nuôi thả rông chuyển sang chăn nuôi có chuồng trại, trồng cỏ cao sản, chế biến và dự trữ thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp cho gia súc vào mùa đông. Tăng cường công tác tiêm phòng, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vận chuyển gia súc, vệ sinh thú y nhằm ngăn ngừa dịch bệnh trên đàn gia súc.
Có thể bạn quan tâm

Năm 2013 đánh dấu bước phát triển nổi bật của thủy sản Hải Phòng. Lần đầu tại Hải Phòng, Viện nghiên cứu hải sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã cho sinh sản nhân tạo thành công giống bào ngư tại trại sản xuất giống ở huyện đảo Bạch Long Vỹ.

Hiện nay, gia đình anh Thảo đã có 105 ha rừng, tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động, vào thời điểm khai thác có tới 40 - 50 người làm.

Xuân Sơn là địa phương có điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp khó khăn nhất trên địa bàn huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa). Nguyên nhân là ở đây địa hình đồi núi nhiều, chất đất và khí hậu không thật sự thuận lợi. Trong những năm qua, bà con nông dân chỉ có thể phát triển được cây mía, cây keo hoặc chuối.

Kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2013 đạt khoảng 1,8 tỷ USD, tăng nhẹ so với năm ngoái, nhưng cả doanh nghiệp (DN) lẫn người hiện nay đều còn nhiều gánh nặng và trăn trở. Nghe cá quẫy, họ càng thêm rầu lòng.

Theo tin từ Tổng Cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, vào quý II năm 2014, Bộ sẽ rót kinh phí đầu tư xây dựng một chợ đấu giá cá ngừ, địa điểm chợ nằm trong khu vực cảng cá Hòn Rớ - TP Nha Trang.