Lại Nóng Nạn Bơm Tạp Chất Vào Tôm

Mặc dù đã được tuyên truyền, vận động và ký cam kết “nói không với tôm có tạp chất” nhưng tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu thời gian qua ở Kiên Giang vẫn diễn biến phức tạp.
Theo Ban chỉ đạo Ngăn chặn việc đưa tạp chất vào nguyên liệu thủy sản tỉnh Kiên Giang, trong năm 2013, các ngành chức năng đã thành lập 4 Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, ngăn chặn và xử phạt các trường hợp đưa tạp chất vào tôm.
Địa bàn kiểm tra gồm các huyện trọng điểm về nuôi tôm, vận chuyển, chế biến gồm: An Minh, An Biên, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, Châu Thành, Kiên Lương, Giang Thành và TX Hà Tiên. Đoàn đã tiến hành kiểm tra 49 cơ sở thu mua, chế biến và 35 xe vận chuyển tôm nguyên liệu.
Qua đó, đã phát hiện 6 vụ vi phạm, tang vật thu giữ gồm 10 bình nhựa có kim tiêm và 456 kg tôm sú có bơm chích tạp chất agar (rau câu). Đoàn đã xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm với số tiền 15 triệu đồng.
Từ đầu năm 2014 cho đến nay, tỉnh đã lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành 3 đợt kiểm tra tại các huyện trọng điểm nói trên. Qua đó, đã có 28 cơ sở thu mua, chế biến và 26 lượt xe vận chuyển tôm nguyên liệu được kiểm tra.
Kết quả phát hiện có 6 vụ vi phạm, tang vật thu giữ gồm: 1 bình áp suất inox, 1 bộ dây dẫn có gắn nhiều kim tiêm, 10 bình nhựa có gắn kim tiêm và 46 kg tôm sú nguyên liệu có bơm chích tạp chất (hàng vắng chủ). Cơ quan chức năng đã ban hành 4 quyết định xử phạt vi phạm hành chính về ATVSTP, với tổng số tiền 292,5 triệu đồng.
Ngoài ra, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (QLCLNLS&TS) phối hợp với Phòng CSĐT tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Quản lý Thị trường (QLTT), công an các huyện, thị kiểm tra, phát hiện hàng chục lô tôm nguyên liệu có chứa tạp chất agar.
Cụ thể, Chi cục phối hợp với PC46 phát hiện và xử lý loại bỏ tạp chất cho 9 lô tôm nguyên liệu, trong đó phát hiện 7 lô có chứa tạp chất agar với khối lượng 4.739 kg. Phối hợp với QLTT phát hiện và xử lý 12 vụ, loại bỏ tạp chất agar cho 1.514 kg tôm nguyên liệu.
Cùng với công an huyện An Biên, An Minh và TP Rạch giá phát hiện 10 vụ, trong đó có 8 lô tôm nguyên liệu có chứa tạp chất agar được xử lý với khối lượng 3.732 kg.
“Khi bị kiểm tra, nhiều chủ cơ sở còn có lời lẽ phát biểu thiếu văn hóa, nhục mạ các thành viên lực lượng chức năng. Thậm chí một số nơi còn có thái độ côn đồ, chống đối như: cơ sở thu mua thủy sản Trần Cẩm Tiền (xã Thạnh Yên, U Minh Thượng) và cơ sở thu mua thủy sản Đặng Văn Thảo (xã Đông Thái, An Biên)...”, ông Điểm bức xúc.
Ông Lưu Quan Điểm, Chi cục trưởng Chi cục QLCLNLS&TS Kiên Giang cho biết, hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và SX kinh doanh tôm có chứa tạp chất gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và uy tín của tôm nuôi Việt Nam.
Vì vậy Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT đã có chỉ thị, công văn chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiểm soát và ngăn chặn triệt để hành vi này. UBND tỉnh Kiên Giang cũng ban hành nhiều công văn yêu cầu các ngành chức năng thành lập các đoàn thanh, kiểm tra, quyết liệt ngăn chặn các hành vi làm ăn gian dối, gây ảnh hưởng đến chất lượng thủy sản.
Tuy nhiên, dù đã ra quân kiểm tra, xử phạt nhiều đợt nhưng tình trạng này vẫn tái diễn và ngày càng tinh vi hơn.
Theo ông Điểm, các cơ sở bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu chủ yếu là các đơn vị nhỏ lẻ, nằm ở các vùng nông thôn sâu, thậm chí là bơm chích ngay trên phương tiện vận chuyển gây khó khăn cho công tác thanh, kiểm tra.
Để đối phó với lực lượng chức năng, họ sử dụng nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi như: tổ chức người canh gác, các cửa ra vào cơ sở đều được bấm khóa cẩn thận, gắn camera xung quanh khu vực để theo dõi mọi động tĩnh, kiểm soát chặt chẽ người ngoài xâm nhập khu vực bơm chích, tập trung hàng hóa… Bơm chích di động trên các phương tiện giao thông đường thủy, luồn lách trong các kênh, rạch.
Tạp chất bơm chích vào tôm sú nguyên liệu cũng đa dạng, nhiều chủng loại, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý. Khi bị phát hiện thì không ai nhận là chủ hàng, nếu có cũng không chịu xuất trình các giấy tờ có liên quan. Các cơ sở thường truyền tin cho nhau để tẩu tán tang vật nên rất khó cho đoàn kiểm tra thực hiện công tác thường xuyên và liên tục từ nơi này sang nơi khác.
Có thể bạn quan tâm

Đứng trầm ngâm trước đống mía được chặt đang chờ xe tải đến bốc, bà Nguyễn Thị Hương ở xã Thành An, thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai), thở dài: “Năm nay nắng nóng kéo dài, năng suất mía rất kém, cộng với việc đốn mía chậm cũng khiến chữ đường trong mía giảm. Hơn nữa, với giá thu mua của Nhà máy đường An Khê (thuộc Công ty CP Đường Quảng Ngãi), tính ra mỗi tấn mía của chúng tôi thu về chưa đến 700.000 đồng

Về xã Tân Trung, hỏi ông Hai Xích nuôi cá rô rất nhiều người biết bởi cái tính chịu khó, luôn tìm tòi trong sản xuất kinh tế. Ngay con đường vào nhà ông là hai ao nuôi cá rô được ông thiết kế bài bản, tạo sức hấp dẫn đối với những ai đến tham quan mô hình nuôi cá của ông.

UBND TP.HCM đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển TP.HCM nông thôn dự thảo Quy định về quản lý nuôi chim yến và quy hoạch vùng nuôi chim yến trên địa bàn TP đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025.

Trong cuộc họp đánh giá tình hình kinh tế-xã hội của Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng diễn ra ngày 8/3, các đại biểu đã thảo luận nội dung trọng điểm của địa phương là tình hình xâm nhập mặn, hạn hán kéo dài, gây ảnh hưởng đến việc sản xuất lúa Xuân Hè (còn gọi là lúa vụ 3) tại các địa địa bàn trong tỉnh.

Với tính cần cù, chịu khó, tinh thần say mê lao động, sau khi xuất ngũ vào năm 1980, ông Ngô Văn Chúa (ấp Tân Thới A, xã Tạ An Khương Đông) về quê bắt tay vào đa canh trên 2 ha đất do cha mẹ cho. 14 năm làm ruộng, 18 năm nuôi tôm, ông luôn là người thực hiện tốt phương châm “tích tiểu thành đa”.