Lãi 3 Tỷ Đồng Mỗi Năm Nhờ Trồng Hoa Lily

Cách đây 8 năm, chị Vũ Thị Phương lặng lẽ rời TP Hồ Chí Minh lên Đà Lạt (Lâm Đồng) thuê đất lập nông trại trồng hoa lily.
Nhìn người Sài Gòn tập tành làm nông giữa thành phố hoa ai cũng lắc đầu ái ngại, nghĩ rằng chẳng biết người phụ nữ này sẽ trụ được bao lâu với nghề trồng hoa.
Trước khi gắn mình với nghề nông, chị Vũ Thị Phương (51 tuổi, ngụ quận 9, TP Hồ Chí Minh) là bà chủ của một nhà phân phối độc quyền các mặt hàng tiêu dùng lớn có tiếng tại TP Hồ Chí Minh, dưới chị là gần 40 nhân viên. Năm 2006, một người bạn “rủ rê” chị chung vốn trồng hoa tại Đà Lạt, sẵn yêu hoa từ nhỏ, chị Phương lập tức nhận lời.
“Lúc đó tôi nghĩ chỉ làm 3-4 sào lily cho thỏa chí đam mê trồng hoa chứ không tính đến việc sẽ gắn bó lâu dài với nghề này bởi công việc kinh doanh của tôi đang tiến triển rất tốt” - chị Phương nói.
Ngày chị công bố tin từ bỏ kinh doanh ở Sài Gòn và chuyển toàn bộ nhà phân phối các mặt hàng tiêu dùng cho anh em trong nhà quản lý thực sự khiến nhiều người ngỡ ngàng. Ai cũng hết lời ngăn cản, có người chê chị dại. Sự phản đối của gia đình, người thân không đủ sức níu đôi chân chị ở lại. Đà Lạt là miền đất lành khiến chị Phương quyết định tìm tới lập nghiệp, làm giàu.
Làm chung với bạn được một thời gian ngắn, chị Phương quyết định “liều mình” ra thuê đất làm riêng, lập nên nông trại lily Tường Vy ở Vạn Thành (Đà Lạt). Nói là “liều” vì lúc bấy giờ kỹ thuật trồng hoa đối với chị là con số 0 nhưng vẫn dám đầu tư ngót cả tỷ đồng trồng lily, đầu tư cực kỳ tốn kém trong khi khả năng thất bại là không nhỏ. Bây giờ nghĩ lại, chị Phương vẫn cho rằng mình là phụ nữ “lỳ lợm hơn người”.
Chị Phương còn nhớ như in những lứa hoa lily đầu tiên phải bỏ quá nửa vì cây phát triển không đồng đều, bông nở bông không, dịch bệnh gây hại tràn lan… Lựa chọn những cây đẹp nhất đem hoa khắp nơi chào hàng mà vẫn bị khách hàng “õng ẹo chê lên chê xuống”.
Tuy vậy, bản lĩnh của một nhà kinh doanh đã giúp người phụ nữ này không hề nản chí mà vẫn kiên trì sản xuất, rút ra bài học kỹ thuật trồng lily cho riêng mình. Những lứa hoa sau đó đã nhanh chóng được cải thiện chất lượng và được người yêu hoa lựa chọn. Giờ thì chị Vũ Thị Phương đã trở thành bà chủ sở hữu nông trại hoa lily lớn bậc nhất Đà Lạt với diện tích 2,5ha và đang tiếp tục được mở rộng hơn nữa.
Tất cả diện tích hoa lily nơi đây đều được sản xuất theo hướng công nghệ cao, trồng trên giá thể sơ dừa để giúp cây sạch bệnh và phát triển tốt. Hệ thống tưới tiêu đều tự động, nhỏ giọt và phun sương. Để ngày nào cũng có hoa xuất đi tiêu thụ, cứ cách một tuần chị Phương lại cho xuống giống một lần. Tất cả giống hoa lily đều được chị nhập về từ Hà Lan, ươm cho nảy mầm rồi mới đem trồng.
Hiện mỗi ngày, nông trại hoa lily của chị Phương xuất đi 1.500 bó. Thị trường chính là TP Hồ Chí Minh và chợ Đà Lạt, giá bán sỉ trung bình là 75.000 đồng/bó với thương hiệu hoa lily Tường Vy. Trung bình mỗi năm trừ chi phí nông trại hoa lily của chị Phương cho thu về gần 3 tỷ đồng tiền lãi.
Ông Nguyễn Đức Học, Chủ tịch Hội Nông dân phường 5, TP Đà Lạt cho biết, chị Vũ Thị Phương đã tiên phong trong việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất hoa lily tại phường. Đây là mô hình nông trại tiên tiến, đem lại hiệu quả kinh tế cao bậc nhất tại địa phương.
Có thể bạn quan tâm

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm qua việc sản xuất thanh long đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, trong năm 2013 và đầu năm 2014, giá cả thanh long tăng cả chính vụ và trái vụ (giá bình quân chính vụ năm 2013 là 13.273 đồng/kg, trái vụ 17.210 đồng/kg).

Một giải pháp mang lại hiệu quả cao không thể không nhắc tới, đó là Hội Nông dân huyện Đức Linh đã chủ động phối hợp với các ngành tổ chức các mô hình liên kết sản xuất trong nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp, cung ứng cây, con giống nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của hội viên nông dân có cùng nhu cầu sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực để hợp tác.

Vào chính vụ, các loại quả đặc trưng của mùa hè như vải, mận, dưa hấu, dưa lê, dưa bở... được bày bán la liệt khắp các chợ, trên đường phố Thủ đô. Nhiều loại hoa quả giá đột ngột giảm mạnh, rẻ như rau.

Điều này gây khó khăn cho các ngân hàng thương mại trong việc thẩm định và quyết định cho vay. Đã vậy, trong 133 doanh nghiệp được giao chỉ tiêu có sáu doanh nghiệp trả lại chỉ tiêu và năm doanh nghiệp xin giảm chỉ tiêu, ba doanh nghiệp không mua đạt chỉ tiêu.

Mặc dù tình hình phát triển kinh tế của tỉnh trong 5 tháng qua đã có những bước chuyển biến khá tích cực nhưng trên thực tế vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm, công tác thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư vẫn còn đạt thấp, diễn biến dịch bệnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cây trồng, vật nuôi...