Lãi 2 tỷ đồng mỗi năm nhờ trồng nhãn

Với 7 ha trồng nhãn, mô hình sản xuất của ông Nguyễn Hữu Thanh ở xã Long Hòa, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre thu về lợi nhuận 2 tỷ đồng mỗi năm.
Ông Nguyễn Hữu Thanh và vườn nhãn Ido cho năng suất cao.
Ông Nguyễn Hữu Thanh là chủ trang trại nhãn lớn ở vùng ĐBSCL, từ hoàn cảnh khốn khó đã vươn lên làm giàu. Năm 1985, thấy 4 công vườn nhãn long hiệu quả kinh tế không cao nên ông đã chuyển sang trồng loại nhãn tiêu Huế. Nhờ chịu khó học hỏi kỹ thuật qua sách báo và từ các nhà vườn khác, ông Thanh đã áp dụng vào vườn nhãn tiêu Huế đạt hiệu quả. Năng suất vườn nhãn luôn đạt trên 20 tấn/ha.
Ngoài việc trồng vườn nhãn chuyên canh, gia đình nông dân Nguyễn Hữu Thanh còn đi thu mua nhãn của nhà vườn khác tại địa phương để cung ứng cho các doanh nghiệp đưa đi xuất khẩu.
Mỗi năm, toàn bộ số tiền lãi từ việc sản xuất, kinh doanh, ông Thanh đều dành để sang nhượng thêm đất và tiếp tục nhân rộng mô hình trồng nhãn. Đến năm 2012, khi cây nhãn tiêu Huế bị nhiễm bệnh chổi rồng, khó phòng trị, ông đã phá bỏ cây nhãn Huế, chuyển dần sang nhãn Ido. Đây là nhãn giống mới đòi hỏi kỹ thuật canh tác khá khắt khe nhưng năng suất và sản lượng gấp đôi nhãn Huế và không bị bệnh chổi rồng.
Vườn nhãn Ido ông trồng đạt năng suất lên đến 30 tấn/ha. Đến nay, ông Nguyễn Hữu Thanh là chủ trang trại nhãn rộng 7 ha đất ở các xã Long Hòa, Thới Lai và Châu Hưng, huyện Bình Đại. Trong đó có khoảng 4 ha vườn trồng giống nhãn Ido và 3 ha vườn cây nhãn tiêu Huế. Gần đây, giá nhãn ở mức dao động từ 20.000 đến 35.000 đồng/kg nên nguồn thu nhập từ vườn nhãn này đạt rất cao. Năm ngoái, trang trại nhãn của ông đạt sản lượng 120 tấn, thu lãi trên 2,2 tỷ đồng.
Về kinh nghiệm trồng nhãn thành công, ông Nguyễn Hữu Thanh chia sẻ, trong quá trình làm cần phải học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước. Mới đầu chỉ nên trồng nhãn trên diện tích nhỏ, sau đó mở rộng dần trên diện tích lớn thì sẽ thành công. Để nhãn được giá nên chọn lúc thị trường hiếm, ít trái cây, như vậy sẽ bán được với mức giá cao.
Hiện nay, trái nhãn Ido được thị trường rất ưa chuộng, nhất là thị trường Trung Quốc. Để phục vụ nhu cầu xuất khẩu, ông Thanh đang chuyển dần mô hình trồng nhãn kiểu truyền thống sang tiêu chuẩn VietGAP.
Khách tham quan vườn nhãn của ông Nguyễn Hữu Thanh.
Ông Lê Hoàng Chiến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Hòa cho biết: “Ông Thanh là một trong những nông dân tiêu biểu, sản xuất giỏi của xã. Mô hình trồng nhãn của ông Thanh cho hiệu quả rất cao. Hội nông dân xã đang vận động nông dân nhân rộng mô hình trên địa bàn xã.”
Từ 4 công đất vườn kém hiệu quả đến nay, ông Nguyễn Hữu Thanh đã là chủ trang trại 7 ha vườn nhãn. Ông Thanh cho biết, để có cơ nghiệp như ngày hôm nay là do tinh thần say mê lao động sản xuất, tích lũy, cần kiệm trong chi tiêu để đầu tư vào vườn nhãn. Kinh tế khá giả, mỗi năm, ông Thanh còn đóng góp cho địa phương hàng trăm triệu đồng để xây dựng giao thông nông thôn, tặng học bổng, học phẩm cho học sinh nghèo, ủng hộ Quỹ khuyến học, xây dựng nhà tình thương…
Nói về hướng phát triển sản xuất, kinh doanh của gia đình, ông Nguyễn Hữu Thanh chia sẻ, tới đây, sẽ phá bỏ cây nhãn Huế, thay bằng nhãn Ido để có trái ngon hơn, năng suất cao hơn. Cùng với đó sẽ giúp đỡ các nhà vườn, nông dân ở hợp tác xã trong việc triển khai trồng nhãn, thu hoạch nhãn.
Trái nhãn Bến Tre đã xuất khẩu sang Mỹ và chuẩn bị gia nhập thị trường Australia. Đây là điều kiện tốt để gia đình ông Nguyễn Hữu Thanh cũng như nhiều nhà vườn khác đầu tư, phát triển vườn nhãn chất lượng cao để vừa làm giàu cho gia đình vừa xây dựng thương hiệu trái nhãn Bến Tre trên thị trường thế giới.
Có thể bạn quan tâm

Sau hơn 10 ngày ra khơi, chiếc tàu "67" (tàu đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ) đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã trở về trong niềm vui.

Tính đến cuối tháng 7/2015, tỉnh Sóc Trăng thả giống tôm nuôi được 33.476 ha, đạt 74,4% kế hoạch, so với cùng kỳ năm 2014 tương đương 73%. Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo bà con thả giống tôm nước lợ đợt 2 đến cuối tháng 08 là dứt điểm.

Thời gian qua, các hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu gặp không ít khó khăn. Vào thời điểm đầu năm, tôm nuôi chết hàng loạt do thời tiết bất lợi. Còn vào lúc này, khi tôm nuôi được mùa thì người nuôi tôm lại đối diện với chuyện rớt giá. Trước tình hình trên, ngành chức năng đã đưa ra những giải pháp nhằm giúp mô hình nuôi tôm thâm canh - bán thâm canh phát triển bền vững.

Những năm gần đây, việc sản xuất và kinh doanh cá cảnh được đánh giá là một trong những nghề có nhiều đóng góp vào sự phát triển của ngành nông nghiệp nói chung và ngành thủy sản nói riêng. Một trong những loài cá cảnh được ưa chuộng là cá chép Koi. Đây là loài cá xuất xứ từ Nhật Bản, có tuổi thọ cao và thân thiện với môi trường và con người.

Để làm rõ thông tin này, PV Báo NNVN đã có cuộc trao đổi với Cục Thú y: