Lạ Lẫm Rau Giá Đậu Ngự

Không làm rau giá bằng đậu xanh, bà Nguyễn Thị Thành ở xã An Vĩnh, Lý Sơn (Quảng Ngãi) làm rau giá bằng đậu ngự. Những cọng giá đậu ngự gieo nổi trên cát “phổng phao” gấp nhiều lần so với cọng giá làm theo cách thông thường khiến du khách đặc biệt ấn tượng khi được thưởng thức. Không những thế, loại rau này còn là thực phẩm thiết yếu vào mỗi mùa mưa bão, khi rau xanh đất liền không thể theo tàu ra đảo.
Thu 50 triệu đồng từ 15m2 đất
Chỉ có 15m2 đất, bỏ thì thương mà vương thì không biết trồng gì, bà Nguyễn Thị Thành ở An Vĩnh quyết định trồng giá. Thoạt đầu, bà cũng trồng giá đậu xanh như đất liền, nhưng rồi gieo đậu xanh đến đâu, thì chuột cắn phá đến đó, khiến bà lắc đầu chào thua. May sao, gần nhà bà có người đi buôn bán trong đất liền, mang về dăm ký đậu ngự, thế là bà nảy ra ý định làm giá bằng loại đậu này. Nghiệp làm giá đậu ngự gắn với bà từ ngày đó.
Trong ngôi nhà cũ của mẹ để lại, bà Thành chia làm 4 ô và gieo giá theo kiểu gối đầu để có rau bán thường xuyên, bởi giá đậu ngự phải 7 - 10 ngày mới cho thu hoạch. Gieo giá nổi trên cát, ngoài việc phủ bạt và chăm chỉ tưới nước mỗi ngày, người phụ nữ làm giá đã gần 20 năm chia sẻ thêm kinh nghiệm: “Thu hoạch xong là phải đổi cát ngay. Cây giá dễ trồng nhưng cũng khó tính lắm. Dùng lại cát cũ, là đậu bị “chai”, không nảy mầm được”.
Không hóa chất, không chất kích thích sinh trưởng, loại rau giá làm từ đậu ngự trở thành món đặc sản của xứ đảo. Với 3 tấn giá mỗi năm, bà Thành thu về gần 50 triệu đồng. “Tiền thu được từ 1 sào tỏi thì tôi để dành khi ốm đau và nuôi thằng con học đại học. Còn 15m2 giá này, là tiền chợ hằng ngày. Có cây giá cũng đỡ, chứ không có nó thì biết làm gì với miếng đất nhỏ xíu này”, chị Thành cho biết.
Rau mùa biển động
Dồn lực cho cây tỏi, hành và đậu phụng, bắp…diện tích trồng rau xanh trên đảo Lý Sơn chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp. Rau xanh trên đảo không đủ đáp ứng, nên hằng ngày, các tiểu thương đều phải nhập rau từ đất liền ra. Vì thế, vào mùa biển động, khi rau xanh không thể theo tàu ra đảo, thì cây rau giá trở thành loại rau chính trong bữa ăn hằng ngày của người dân nơi đây. “Mùa biển yên thì đủ loại rau xanh. Chứ mùa động thì gia đình tôi mua rau giá phần nhiều. Ngoài cây rau giá ra, các loại rau xanh khác thường rất khó trồng trên đảo”, bà Trần Thị Giàu, người dân ở thôn Đông, xã An Vĩnh cho biết.
Ngoài bà Thành - người tiên phong làm rau giá đậu ngự thương phẩm trên đất đảo, giờ đã có thêm 2 gia đình cũng gắn bó với loại cây này. Rau sạch, lại mới lạ nên du khách khi đến Lý Sơn đều rất thích thú. Trong mỗi mâm cơm phục vụ du khách, các nhà hàng, quán ăn đều lựa chọn rau giá đậu ngự như một thứ đặc sản của đất đảo để giới thiệu đến du khách gần xa.
Có thể bạn quan tâm

TP.HCM có những thế mạnh riêng các nơi khác không thể có được, đó là sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ gần chục triệu người. Vì vậy, diện tích gieo trồng rau quả của TP.HCM tăng lên mỗi năm từ diện tích lúa được chuyển đổi.

Trong điều kiện diện tích đất sản xuất bị thu hẹp, nhiều nông dân ở xã Tam Phước (huyện Long Điền - Bà Rịa - Vũng Tàu) đã chọn cách trồng xen dưa hường vào khoai mì, giúp tận dụng tốt diện tích sản xuất, nâng cao thu nhập và giúp cho việc chăm sóc khoai mì hiệu quả cao hơn.

Tây Nguyên hiện có hơn 450 nghìn ha cà phê, chiếm trên 90% diện tích cà phê cả nước. Tuy nhiên, cả trăm ngàn héc ta cà phê ở Tây Nguyên đã trở nên già cỗi, làm sụt giảm cả sản lượng và chất lượng chung của cà phê toàn vùng.

Sáng 8/6, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tổ chức hội thảo đầu bờ đánh giá kết quả mô hình cấy lúa bằng máy tại xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên.

Tính đến nay các huyện Cần Giuộc, Cần Đước, Châu Thành và Tân Trụ (tỉnh Long An) đã thả nuôi được 2.300 ha tôm sú, tôm chân trắng, đạt 36% kế hoạch, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.