Kỳ Vọng Từ Giống Lúa Thuần Hương Biển 3

Là người đã gắn bó gần 40 năm với cánh đồng Mường Thanh, nên ông Nguyễn Xuân Biền, Giám đốc Công ty TNHH giống nông nghiệp Trường Hương, đội 5 xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên) hiểu rõ đặc tính của từng giống lúa.
Cánh đồng Mường Thanh bấy lâu nay vang danh gạo tám thơm, nhưng qua nhiều năm sử dụng, dẫn đến giảm chất lượng; độ ngon của hạt gạo.
Trăn trở muốn tìm ra một loại giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao; chống chịu sâu bệnh tốt, không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà có thể xuất khẩu ra nước ngoài, đầu năm 2014, ông Biền đã về Viện nghiên cứu phát triển cây trồng (Viện Nông nghiệp Việt Nam) đề nghị giúp giống lúa.
Sau khi cử cán bộ chuyên ngành trồng trọt lên Điện Biên khảo sát địa hình, thổ nhưỡng, vụ mùa 2014 Viện nghiên cứu phát triển cây trồng đã cung ứng 100kg giống lúa thuần Hương Biển 3 cho 7 hộ ở đội 4, xã Thanh Hưng tham gia mô hình trên diện tích 1ha.
Giống lúa thuần Hương Biển 3 là giống lúa được Viện nghiên cứu phát triển cây trồng nghiên cứu từ năm 2005 cho đến 2013 mới đưa vào trồng thử nghiệm tại tỉnh Thanh Hóa với năng suất 3 tạ/sào.
Giống lúa thuần này có đặc tính thân cây khỏe, chống chịu sâu bệnh tốt; nhất là bệnh bạc lá và bệnh vàng lùn; hạt gạo dài, bóng, dẻo thơm. Gieo sạ vụ mùa có thời gian sinh trưởng từ 103 – 105 ngày, vụ đông xuân từ 132 – 135 ngày; cây cao trung bình từ 1 – 105cm, bông dài 26 – 30cm; hạt chắc đạt 115 – 125 hạt/bông.
Gieo cấy lúa thuần Hương Biển 3 như những giống lúa thông thường, chỉ lưu ý khi lúa đẻ nhánh tối đa từ 6 - 8 dảnh/khóm, thì tiến hành rút nước, phơi ruộng để hạn chế sự đẻ nhánh, tạo điều kiện cho cây lúa cứng; chống chịu tốt với điều kiện khí hậu bất thường và sâu bệnh. Nếu gieo cấy đúng quy trình kỹ thuật năng suất có thể đạt từ 7 – 8,5 tấn/ha.
Ông Trần Văn Sơn, hộ tham gia mô hình cho biết: Giống lúa thuần Hương Biển 3 sinh trưởng rất nhanh, thân cây khỏe hơn giống lúa bắc thơm số 7, không đòi hỏi cao về kỹ thuật gieo trồng và đặc biệt không xuất hiện sâu bệnh. Từ đầu vụ đến nay, gia đình tôi chưa phải phun đợt thuốc bảo vệ thực vật nào.
Mô hình trồng thí điểm giống lúa thuần Hương Biển 3 thành công sẽ mang lại cho nông dân Điện Biên một giống lúa mới với năng suất, chất lượng vượt trội.
Có thể bạn quan tâm

Không ít nông sản đạt chứng nhận VietGAP nhưng vẫn bán với giá cả như sản xuất thường là một thực tế diễn ra tại rất nhiều hợp tác xã hiện nay. Nhưng đằng sau câu chuyện đầu ra, nhiều chuyên gia nhận định “cái được trước mắt là qua những buổi tập huấn làm theo quy trình, ít nhiều nông dân nhận thức được thế nào là sản xuất an toàn”.

Những năm qua, nông dân Sóc Trăng đã sử dụng giống lúa thơm dòng ST, đặc biệt là lúa ST5 đưa vào sản xuất với diện tích cao, trong đó có nhiều cánh đồng lớn sử dụng giống này. Do dễ trồng, cho năng suất và giá trị cao nên nhiều hộ nông dân khá lên nhờ trồng giống lúa được công nhận cấp Quốc gia này. Tuy nhiên, thời gian qua giá bán đã giảm nhiều, thậm chí nông dân còn không bán được lúa nên đã có nhiều nông dân bỏ sản xuất giống cấp Quốc gia.

Bí xanh giống Thiên Thanh 5 được cho là ít sâu bệnh, nếu trồng đúng kỹ thuật sẽ cho thu hoạch khoảng 1 tấn quả/sào. Với giá bán trên thị trường hiện nay từ 10 – 13 nghìn đồng/kg, người trồng bí sẽ thu hơn 10 triệu đồng/sào.

Do không có thương lái đến thu mua nên sau khi thu hoạch xong đa phần bà con tự vận chuyển ra nhà máy để bán. Mía cân chỉ đạt từ 8 - 9 chữ đường, với giá 650 - 700 đồng/kg, sau khi trừ chi phí sản xuất, nông dân trồng mía lỗ 700.000 - 800.000 đồng/công.

Vụ thu hoạch mía năm 2014 - 2015 đã bắt đầu hơn một tháng nay. Theo phản ánh của nông dân nhiều nơi, việc thu hoạch mía năm nay có nhanh hơn so với các năm trước, tâm lý sợ mía khô, sợ mía cháy của bà con nông dân cũng giảm bớt. Có điều - cũng theo lời bà con nông dân, cây mía hiện nay không còn mang lại nhiều lợi nhuận như trước nên không tạo được sự an tâm để nông dân có thể tiếp tục gắn bó với cây mía.