Kỳ Vọng Lúa Thu Đông Được Giá

Hiện nay một số địa phương thuộc các huyện Thới Lai, Cờ Đỏ... (TP Cần Thơ) lúa thu đông gieo sạ sớm đã vào mùa thu hoạch.
Lúa chưa gặt đã có thương lái đến đặt tiền cọc mua trước. Thị trường lúa gạo trong vùng lưu thông trôi chảy. Giới mua bán lúa gạo dự đoán những ngày sắp tới có thể sẽ xác lập mặt bằng giá mới, lạc quan hơn…
Đón đầu
Ông Tư Hòa, nông dân ở xã Trường Xuân, huyện Thới Lai nói: "Trên các cánh đồng lớn liền thửa quanh vùng này, mấy năm qua hễ vào vụ lúa thu đông, đa số nông dân chỉ chuộng trồng một giống IR50404.
Mới đây có một số thửa ruộng gặt xong bán 4.700 đ/kg lúa, cao hơn so với nửa tháng trước khoảng 300 đ/kg và so với vụ thu đông năm ngoái cao hơn 700-800 đ/kg. Với mức giá này sau khi trừ hết chi phí nông dân có lãi khoảng 1.000 đ/kg…".
Anh Tương, dân thương lái lúa có đội ghe thu mua 5 chiếc. Anh sắp xếp cho từng chiếc ghe chạy về đúng ngày hẹn gặt lúa ở những cánh đồng mà anh đã đặt cọc trước. Anh Tương khen: “Lúa thu đông thu đầu vụ chất lượng tốt, chắc hạt, năng suất khoảng 700- 800 kg lúa (tươi)/công”.
Theo anh, các kho thu mua lúa của các DN vụ này không thấy đặt hàng trước và lạ hơn là mua lúa hạt dài giá bằng với giá lúa IR50404 để chế biến gạo 15% tấm xuất sang thị trường Philippines. Do đó anh dè dặt, chỉ dám đặt tiền cọc trước với nông dân chừng 700-800 công. Vì sợ các DN ngừng mua đột ngột thì không biết bán cho ai.
Một vài thương lái khác thì lại cho rằng, mua lúa thu đông sớm không có gì phải lo. Bởi hiện nay các DN XK gạo theo hợp đồng tập trung sang Philippines cần gạo gấp trong khoảng 10 ngày tới. Nếu gặp thuận lợi trong hợp đồng XK tiếp theo thì chuyện mua lúa tạm trữ lúc này là đúng thời cơ.
Theo ông Khải, Cty Cờ Đỏ chỉ tổ chức sản xuất năm 2 vụ lúa ĐX và HT, không khuyến khích nông dân sản xuất lúa thu đông. Thế nhưng riêng năm nay có một số nông dân tự phát gieo sạ lúa vụ thu đông tăng lên 1.700 ha, nông dân hy vọng lúa trúng mùa, được giá.
Mặt khác, gần đây một vài chủ nhà máy xay xát gạo cho biết, có thương lái chuyên cung ứng gạo đi các tỉnh phía Bắc, chủ yếu bán cho thương nhân Trung Quốc, nay đã trở lại đặt hàng.
Tuy số lượng chưa nhiều, có mối hàng đặt chừng 100 tấn/đợt 5-6 ngày, nhưng dấu hiệu cho thấy cánh cửa xuất theo đường tiểu ngạch hé mở trở lại.
Lúa thu đông có lãi
Theo Cục Trồng trọt, vụ lúa thu đông 2014 tại các tỉnh ĐBSCL sản xuất được 823.000 ha, tăng hơn 4.000 ha và năng suất bình quân trên 5 tấn/ha, sản lượng dự kiến đạt trên 4,1 triệu tấn, tăng hơn 150.800 tấn so vụ thu đông 2013. Qua nhận định tình hình thị trường, nhu cầu tiêu thụ lúa gạo của các DN sẽ thuận lợi và khả năng tiêu thụ lúa hàng hóa tốt hơn vụ HT.
Ông Hồ Minh Khải, Giám đốc Cty TNHH MTV Cờ Đỏ, cho biết, từ vụ ĐX 2013-2014 đến nay, giá lúa gạo chuyển biến đầy hứa hẹn và có thể mở ra cơ hội tốt cho vụ lúa thu đông. Trong vụ ĐX vừa qua, Cty Cờ Đỏ sản xuất 5.000 ha lúa Jasmine, đạt sản lượng 24.000 tấn.
Vào cuối vụ ĐX, lúa khô Jasmine chất lượng tốt thu mua 6.500- 6.800 đ/kg. Sau thời gian tạm trữ lúa đến nay đã tiêu thụ gần hết. Hiện lúa Jasmine nguyên liệu tăng lên 7.300-7.400 đ/kg, nếu dành cho chế biến gạo thơm đóng túi, giá bán lẻ 13.500-14.000 đ/kg.
Với mức giá này sau khi trừ chi phí kho, hao hụt, lãi suất ngân hàng..., lúa ĐX trữ đến nay vẫn có lãi 200-300 đ/kg. Hiện lúa HT tiêu thụ hết, không tồn kho nhiều, vì vậy sẽ không tạo áp lực lớn đến tiêu thụ lượng lúa thu đông đang vào mùa thu hoạch.
Có thể bạn quan tâm

Tính bình quân mỗi năm, lão nông Nguyễn Văn Ký, 73 tuổi, ấp 3, xã Phú Minh, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) có thể kiếm được khoảng 100 triệu đồng từ việc bán con giống cá lóc bông, hiệu quả hơn hẳn làm lúa.

Hiện nay, ở xã Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) phát triển mạnh mô hình trồng dừa Xiêm (DX), bởi hiệu quả kinh tế của loại cây này rất cao. Trong tương lai, DX có thể trở thành loại cây chủ lực của xã nếu người dân biết đầu tư mở rộng sản xuất cũng như được sự quan tâm của các ngành, các cấp. Đó là chia sẻ của ông Phạm Thúc - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Ích.

Tại Việt Nam nói chung và tỉnh Long An nói riêng, cá trê vàng lai đã được nuôi nhiều nơi từ nhiều năm qua. Trong khi đó cá trê vàng có giá trị kinh tế cao hơn nhiều, lại khan hiếm chủ yếu dựa vào tự nhiên. Gần đây, quy trình sản xuất giống cá trê vàng đã thực hiện thành công ở các Viện, Trường đại học, chưa được nhân rộng cho các trại giống cũng như nông hộ. Do vậy nguồn giống cá trê vàng rất khan hiếm, diện tích nuôi cá trê vàng là rất ít không đáng kể.

Ở ấp Bắc 3, xã Hòa Long (TP.Bà Rịa) ông Nguyễn Huỳnh Kiến là người đầu tiên dám đầu tư, phát triển kinh tế vườn - ao - chuồng (VAC) ở vùng đất trũng bỏ hoang, mang lại hiệu quả kinh tế, giúp gia đình ông ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu.

Sáng ngày 23/10/2012, Trạm Khuyến nông Cần Giờ thuộc Trung tâm Khuyến nông TP.HCM tổ chức hội thảo đầu bờ “Mô hình nuôi cua thương phẩm bằng giống nhân tạo” tại Ấp An Phước, xã Tam Thôn Hiệp, TP. HCM.