Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Kỹ thuật nuôi hàu cửa sông bằng giàn bè

Kỹ thuật nuôi hàu cửa sông bằng giàn bè
Tác giả: Chu Văn Trí (Trung tâm Khuyến Nông)
Ngày đăng: 08/05/2018

1. Đối tượng và phạm vi áp dụng

Đối tượng: Áp dụng nuôi Hàu cửa sông bằng giàn bè.

Phạm vi áp dụng: Áp dụng tại các vùng nuôi được qui hoạch nuôi trồng thủy sản đã được phê duyệt và phù hợp với đặc điểm sinh học của Hàu cửa sông (có Hàu cửa sông phân bố tự nhiên).

2. Địa điểm và chuẩn bị công trình nuôi

Lựa chọn khu vực nuôi:

- Nằm trong vùng nuôi được qui hoạch nuôi trồng thủy sản đã phê duyệt hay được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận; không ảnh hưởng đến giao thông đường thủy.

- Không bị nhiễm bẩn do chất thải từ các khu dân cư, nhà máy, khu công nghiệp…

- Có dòng chảy lưu thông, tốc độ dòng chảy từ 0,2 – 0,3m/s, thành phần thực vật phù du phong phú.

- Các yếu tố môi trường phù hợp, cụ thể:

Chỉ tiêu

Yêu cầu

Độ mặn 15 - 30 ‰
pH nước 6,5 - 8,5
Độ sâu đáy > 3 m
Oxy hoà tan > 5 mg/l
Chất đáy Chất đáy là cát hặc cát bùn

Chuẩn bị bè nuôi:

- Nuôi treo trên giàn bè là hình thức nuôi phổ biến hiện nay, hình thức nuôi này Hàu có tốc độ sinh trưởng nhanh, tỷ lệ sống cao, dễ quản lý, chăm sóc và thu hoạch. Bè nuôi có hình vuông (9mx9m), nhiều bè nối với nhau thành một mảng lớn.

Vật bám: Hàu giống bám trên các giá thể (vỏ nhuyễn thể, xi măng…) được đục lỗ và treo trên các dây.

Ảnh: Vật bám (miếng xi măng) trong trại giống cho vào bể để ấu trùng Hàu cửa sông bám

- Tre làm bè được liên kết bằng các dây nhựa; việc sử dụng dây làm tăng độ dẻo dai, chịu được sống gió và có chi phí sửa chữa thấp.

- Phao nổi là các thùng phi nhựa hoặc phao xốp…Số lượng phao đảm bảo cho bè nổi trên mặt nước đến khi thu hoạch Hàu.

- Khoảng cách giữa các cây tre dùng để treo dây Hàu từ 25 - 30 cm

3. Chọn giống và thả giống

Chọn giống: (i)Chọn mua Hàu giống từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống có uy tín và đã được cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, đánh giá phân loại, đạt từ loại B trở lên. (ii) Hàu giống được kiểm dịch, kiểm định chất lượng đảm bảo theo công bố của cơ sở sản xuất và qui định của nhà nước. (iii) Giống mua phải có chứng từ tài chính hợp lệ theo qui định hiện hành. (iv) Chọn con giống đồng đều về kích cỡ, màu sắc tươi sáng, không bị dị hình, bị bệnh.

Mùa vụ nuôi: (i) Tham khảo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn (Lịch thời vụ) và điều kiện thời tiết thực tế để lựa chọn thời điểm thả nuôi thích hợp. (ii) Thường thả giống vào tháng 3 - 4 dương lịch và tháng 8 - 10 dương lịch (mùa phụ) trong năm.

Mật độ: Một dây treo có chiều dài 2 – 2,5m, khoảng cách giữa mỗi dây là 20 – 25 cm, mỗi dây được treo 6 – 7 vật bám chứa Hàu giống. Trên mỗi vật bám có từ 4 con Hàu giống trở lên. Chú ý: Độ dài hay ngắn của dây treo phụ thuộc vào độ sâu, dòng chảy của vùng nuôi và khả năng chịu tải của bè nuôi.

4. Quản lý, chăm sóc

Chăm sóc: Định kỳ kiểm tra, gia cố hệ thống bè nuôi, đặc biệt là trước và trong mùa mưa bão. Có thể hạ sâu dây Hàu để hạn chế ảnh hưởng của sóng gió. Khoảng 15-20 ngày kiểm tra tốc độ sinh trưởng phát triển của Hàu cũng như vệ sinh dây nuôi, loại bỏ vật bám, rong, rêu, phù sa…Trong quá trình nuôi phải chủ động san thưa dây Hàu để đảm bảo điều kiện thức ăn cho Hàu sinh trưởng, phát triển.

Quản lý môi trường: Thu gom rác thải sinh hoạt và rác thải sản xuất vào nơi qui định. Thực hiện quan trắc một số yếu tố môi trường chính như pH, ô xy hòa tan, độ mặn, độ kiềm,…và định kỳ kiểm tra mật độ sinh vật phù du (nguồn thức ăn tự nhiên) để có biện pháp kỹ thuật điều chỉnh kịp thời

Phòng, trị bệnh: Áp dụng các biện pháp phòng trị bệnh tổng hợp để hạn chế dịch bệnh xảy ra: (i) Chọn mua giống khỏe từ các cơ sở cung cấp giống có uy tín và có chứng từ, giấy kiểm dịch hợp pháp. (ii) Định kỳ vệ sinh sạch sẽ dây nuôi và khu nuôi; (iii) Chủ động san thưa Hàu nuôi; (iv) Tuân thủ nghiêm các qui định của nhà nước và hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn.

Lưu ý: Ghi chép nhật ký đầy đủ, lưu giữ nhật ký để thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc và thanh kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước.

5. Thu hoạch

- Sau 12 - 18 tháng nuôi thì có thể thu hoạch. Mùa vụ thu hoạch có liên quan đến chất lượng sản phẩm. Thường vào mùa sinh sản, khi tuyến sinh dục của Hàu thành thục thì chất chất lượng thịt tốt nhất, thời điểm này thịt Hàu có hàm lượng đạm cao và hàm lượng nước trọng thịt thấp.

- Trước khi vận chuyển đến nơi tiêu thụ cần vệ sinh bên ngoài Hàu nhằm loại bỏ các vật bám. Vận chuyển Hàu đến nơi tiêu thụ trong trong môi trường ẩm, mát.


Có thể bạn quan tâm

Lưu ý khi sử dụng vôi và hóa chất cho ao nuôi Lưu ý khi sử dụng vôi và hóa chất cho ao nuôi

Bón vôi nhiều ở những vùng trũng của đáy ao, nơi có nhiều phèn. Rải vôi đều khắp mặt ao, bờ ao. Có thể cày bừa đáy ao để vôi ngấm sâu vào đất giúp diệt khuẩn

13/03/2018
Lần đầu tiên nuôi cá chạch thành công nhờ lão nông Đậu Tiến Sỹ Lần đầu tiên nuôi cá chạch thành công nhờ lão nông Đậu Tiến Sỹ

Lão nông Đậu Tiến Sỹ ở xóm Quỳnh Lưu, xã Tân An, huyện Tân Kỳ triển khai mô hình nuôi cá chạch đồng trên 3 sào ruộng, bước đầu cho thấy hiệu quả.

13/03/2018
Thu tiền tỷ mỗi năm nhờ nuôi lươn không bùn theo tiêu chuẩn VietGAP Thu tiền tỷ mỗi năm nhờ nuôi lươn không bùn theo tiêu chuẩn VietGAP

Một số hộ dân ở Cần Thơ đã nuôi thành công mô hình lươn không bùn theo tiêu chuẩn VietGAP kết hợp trồng rau thủy canh mang lại hiệu quả cao.

13/03/2018
Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm đạt hơn 1tỷ USD Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm đạt hơn 1tỷ USD

Tiếp nối thành công của việc vượt mốc XK 8 tỷ USD trong năm 2017, năm nay, ngành thủy sản đặt ra mục tiêu XK từ 8,5 tỷ USD trở lên

13/03/2018
Một số thảo dược thay thế kháng sinh Một số thảo dược thay thế kháng sinh

Dưới đây là một số thảo dược tại Việt Nam có thể sử dụng hiệu quả trong điều trị một số bệnh cho động vật thủy sản.

14/03/2018