Krông Nô Chủ Động Phòng, Chống Khô Hạn Vụ Đông Xuân

Để hạn chế những thiệt hại do hạn hán có thể xảy ra đối với cây trồng vụ đông xuân 2013 - 2014, ngành chức năng và bà con nông dân huyện Krông Nô đã, đang chủ động triển khai xây dựng, nạo vét kênh mương thủy lợi, khơi thông dòng chảy... để đảm bảo nước tưới cho toàn bộ mùa vụ.
Theo Chi nhánh Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi huyện Krông Nô thì sau đợt mưa đầu tháng 10/2013, các hồ vừa và nhỏ đã đạt mức nước dâng bình thường.
Tuy nhiên, hiện nay, 3 công trình thủy lợi do công ty quản lý là hồ chứa Đắk Mâm, hồ chứa buôn R’cập, hồ chứa buôn Dơng có mực nước thấp hơn ngưỡng tràn và có nguy cơ thiếu nước. Do đó, đơn vị đã triển khai đóng chặt các cửa đóng mở cống đầu mối, kết hợp dùng bao tải đất để nâng cao mực nước lên từ 10-15 cm tại các vị trí ngưỡng tràn.
Một hạn chế nữa là do năng lực phục vụ sản xuất của các công trình nhìn chung còn chưa cao, nhiều hệ thống kênh mương bị hư hỏng, bồi lấp của các năm trước còn lại đã gây tổn thất nước lớn. Do đó, theo Phòng NN - PNTN huyện Krông Nô, ngày từ đầu vụ, địa phương đã có một số diện tích ngô lai, hoa màu vụ đông xuân xa vùng nước bị hạn hán cục bộ nên phát triển kém.
Trước thực tế đó, để thực hiện mục tiêu phát triển sản xuất theo hướng an toàn và đạt hiệu quả kinh tế, huyện Krông Nô triển khai xây mới nhiều công trình kênh mương, đồng thời gia cố, tu sửa, khắc phục sự cố để đảm bảo an toàn hồ chứa, kênh mương thông thoáng phục vụ sản xuất của nông dân.
Theo đó, đối với các công trình trạm bơm, các đơn vị chức năng đã tiến hành sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế máy móc và các thiết bị hư hỏng, đồng thời triển khai nạo vét, khơi thông cửa vào của các bể hút trạm bơm.
Ngoài ra, Chi nhánh Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi huyện cũng đã xây dựng phương án bơm tưới phù hợp với lịch xả nước của nhà máy thủy điện và phối hối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương cũng như người dân sử dụng, điều tiết, vận hành nước một cách hợp lý.
Do vậy, đơn vị đã khuyến cáo người dân hạn chế bơm tưới vào giờ cao điểm để giảm chi phí điện năng nhưng vẫn đảm bảo nước tưới. Đến nay, Chi nhánh Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi huyện đã hoàn thành việc nạo vét 2 bể hút của trạm bơm số 3 và số 5 thuộc hệ thống Trạm bơm Đắk Rền.
Còn đối với các hệ thống kênh mương, công ty đã tiến hành sửa chữa, trám vá, phát dọn, nạo vét, khơi thông dòng chảy cho tất cả các tuyến kênh mương tưới, tiêu và bảo dưỡng, sửa chữa các máy đóng mở tại các cống điều tiết nước trên các tuyến kênh. Trong đó, nhiều công trình quan trọng được sửa chữa như kênh dẫn nước của thủy lợi buôn R’cập, công trình thủy lợi Đắk M’hang…
Ngoài ra, công ty cũng đã hỗ trợ kinh phí cho địa phương nạo vét tạm thời để khơi thông dòng chảy cho 2,5 km kênh trên cánh đồng Cánh Nam và Đất Đỏ xã Đắk Nang, cũng như tiến hành sửa chữa trên các tuyến kênh Nam Đà, kênh trạm bơm số 2 Đắk Rền và duy tu, bảo dưỡng 8 trạm bơm thuộc các xã Nâm N’đir, Buôn Choáh, Quảng Phú…
Đối với địa phương, trên cơ sở bố trí cây trồng và sử dụng giống thích hợp với thực tế nguồn nước, đất đai nhằm tránh các điều kiện thời tiết bất lợi, huyện Krông Nô đã đưa ra các giải pháp đồng bộ, cụ thể cho từng loại cây trồng, đặc biệt đối với các loại cây lương thực để thực hiện thắng lợi vụ đông xuân 2013 - 2014.
Cụ thể, đối với cây lúa nước, huyện yêu cầu nông dân chỉ nên sản xuất ở những diện tích có công trình thủy lợi, có nguồn nước tưới bảo đảm. Huyện cũng tăng cường công tác kiểm tra, rà soát nguồn nước, kiên quyết chỉ đạo các địa phương không gieo cấy ở các vùng không đủ nguồn nước, những vùng thường bị mất trắng trong các vụ trước và chuyển sang gieo trồng cây ngắn ngày khác như ngô, rau, màu…
Ngoài ra, những chân ruộng có khả năng hạn về cuối vụ cần sử dụng các giống ngắn hoặc cực ngắn ngày và gieo sạ sớm, đối với những chân ruộng hay bị ngập lụt đầu vụ cần bố trí gieo sạ muộn hơn. Ngành Nông nghiệp huyện cũng đã khuyến cáo nông dân tích cực đầu tư thâm canh, áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), “ba giảm ba tăng” cùng với “2 không” (không sử dụng giống dài ngày, không gieo sạ kéo dài và không ngoài khung lịch thời vụ khuyến cáo).
Có thể nói, với phương án chuẩn bị khá cụ thể trong công tác thủy nông, huyện Krông Nô đã chủ động được các biện pháp phòng tránh thiên tai, hạn chế tối đa rủi ro cho sản xuất, đặc biệt là phương án phòng, chống khô hạn trong vụ đông xuân 2013 - 2014.
Có thể bạn quan tâm

Sáng sớm mùng 4 Tết, chúng tôi xuôi về cảng cá Cửa Sót (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) và cảng cá Cửa Nhượng (xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), trên cửa biển hàng chục tàu thuyền các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa máy nổ ầm ầm đang tiến vào cập bến cảng, trên khoang tàu chất đầy ắp các loại cá ve, cá chim giang, cá đù, cá lẹp, cá cơm, cá bục bịch, cá hố, cá ngạnh, cá trích, cá cam, tép biển, và các loại ốc, ghẹ, sò lông…

Không chỉ có gà trống, mà trứng gia cầm hiện cũng được các tiểu thương đẩy lên gần 1 ngàn đồng/quả so với ngày thường. Tuy nhiên, giá trứng tại các siêu thị chỉ ở mức tăng nhẹ từ 2-4 ngàn đồng/chục nhờ chương trình bình ổn giá dịp tết. Cụ thể, giá trứng gà được bán ở chợ từ 2-2.5 ngàn đồng/quả, trứng vịt từ 3-3.5 ngàn đồng/quả nhưng vẫn hút khách.

Về nơi đây, đi đến đâu cũng thấy nhà nhà đóng chuồng nuôi dê, hộ nuôi ít nhất 5 - 10 con, có hộ nuôi nhiều lên đến hàng trăm con. Nơi đây nổi danh là vùng nuôi dê lâu đời, tận dụng các thế mạnh tự nhiên của địa phương như vùng cỏ rộng, khí hậu thích hợp cho sự phát triển của đàn dê.

Tổng đàn heo thời gian qua tăng cao là vì giá heo hơn hai năm qua liên tục ở mức cao nên nhiều trang trại doanh nghiệp đã đầu tư mở rộng tổng đàn. Hiện mỗi ngày người chăn nuôi Đồng Nai cung cấp cho thị trường gần 7 ngàn con heo thịt tương đương với 700 tấn thịt heo. Trong đó, khoảng 60-70% lượng heo thịt của Đồng Nai cung ứng cho thị trường TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

Chỉ tính riêng tại huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang có đàn dê đến trên 20.000 con, tập trung ở các xã ven biển. Các huyện Gò Công Tây, Châu Thành, Chợ Gạo, Tân Phú Đông cũng có đàn dê hàng nghìn con. Đa số nông dân chọn nuôi giống Dê cỏ, dê Hà Lan và dê Bo. Ở thời điểm này giá dê thịt từ 90.000 -100.000 đ/kg; tăng 10% so với năm ngoái.