Kinh Nghiệm Xây Dựng Nông Thôn Mới Ở Thôn 1, Xã Ia Hrung

Bây giờ đến thôn 1 (xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) không còn cảnh đường trơn trượt nữa. Con đường rải nhựa phẳng lỳ nối tiếp con đường bê tông chạy dài tít tắp. Một sự đổi thay mà chỉ có những con người trước đây đã từng đến mới cảm nhận hết được.
Con đường rải nhựa có chiều dài hơn 1.380 mét được nhân dân trong thôn đóng góp cùng với Nhà nước xây dựng từ năm 2011 với mức đóng góp bình quân mỗi gia đình trên 5 triệu đồng, có nhiều gia đình đóng góp gần 10 triệu đồng. “Để có được con đường khang trang sạch đẹp là cả một quá trình cố gắng của cán bộ và người dân trong thôn. Lúc đầu khi họp dân để xin ý kiến thì đều nhận được những ý kiến trái chiều. Có người cho rằng cứ chờ một vài năm nữa đằng nào Nhà nước cũng làm”-bà Hoàng Thị Thái-Trưởng ban Mặt trận thôn nói.
Thôn 1 xác định mỗi đảng viên, cán bộ là một hạt nhân quan trọng trong tuyên truyền vận động và làm được điều đó thì đảng viên phải làm trước để quần chúng theo sau. Mặc dù nhà bà Chu Thị Chủy không nằm trên mặt đường nhựa này nhưng khi triển khai đóng góp xây dựng đường bà đã đóng góp 4 triệu đồng. Bà Chủy cho hay: “Khi ra nghị quyết xây dựng con đường này, chi bộ vận động đảng viên phải gương mẫu chấp hành, bên cạnh đó mình tuyên truyền vận động để bà con tham gia đóng góp. Khi người dân đồng lòng thì việc gì cũng làm xong, con đường đã hoàn thành”.
Cuối năm 2012, thôn 1 tiếp tục vận động nhân dân đóng góp xây dựng con đường bê tông có chiều dài 1 km. Khi vận động làm con đường này, người dân nhất trí ngay trong ngày đầu triển khai. Được nhà nước hỗ trợ 384 triệu đồng, thôn kêu gọi Công ty Cà phê Ia Grai ủng hộ 20 triệu đồng còn lại nhân dân trong thôn đóng góp 152 triệu đồng tiền mặt và nhiều ngày công để làm đường. Đến nay, con đường đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ông Nguyễn Hoàng Phú phấn khởi cho biết: “Có đường bê tông không còn lo đi lại trơn trượt nữa, con cái đi học cũng đỡ khổ”.
Thôn 1 được thành lập từ năm 2008 từ sự hợp nhất của đội 1 và đội 2 Công ty Cà phê Ia Grai. Thôn có 71 hộ, 287 khẩu. Đa số bà con trong thôn sống bằng việc chuyên canh cà phê, hồ tiêu. Thôn có trên 30 hộ khá và giàu. Để xây dựng thành công chương trình nông thôn mới, không chỉ xây dựng đường giao thông cứng hóa mà còn nhiều tiêu chí khác cùng phải song hành.
Thôn đang tích cực vận động nhân dân đóng góp xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng. Những tiêu chí chưa cần đến sự đầu tư của Nhà nước như ăn ở hợp vệ sinh, làm đường làng ngõ xóm “sáng, xanh, sạch, đẹp” được người dân trong thôn nhiệt tình hưởng ứng. Ý thức của mọi người dân về môi trường được nâng lên. Mỗi hộ gia đình đều có thùng rác sạch sẽ gọn gàng.
Ông Nguyễn Văn Ninh- Trưởng thôn cho biết: “Chúng tôi đang tiếp tục vận động nhân dân đóng góp xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tuyên truyền nhân dân xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
Quá trình xây dựng nông thôn mới ở thôn 1, xã Ia Hrung cho thấy: Để cho nhân dân tin và làm theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thì cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu.
Có thể bạn quan tâm

Theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2014 phấn đấu đạt 7 tỉ USD; trong đó riêng mặt hàng tôm là 3,5 tỉ USD, chiếm 50% về giá trị. Có thể nói, con tôm đang trở thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản, thế nhưng điều nghịch lý là hàng loạt hộ nuôi tôm ở ĐBSCL luôn phập phồng nỗi lo thua lỗ bởi dịch bệnh tràn lan và giá cả lên xuống thất thường...

Từ năm 2010 đến nay, Sóc Trăng không còn công nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu, toàn bộ sản lượng cá thương phẩm đều bán cho các tỉnh lân cận. Theo thống kê của ngành thì người nuôi cá tra ở Sóc Trăng bị thua lỗ liên tục từ năm 2008 đến nay do chi phí đầu vào cao hơn từ 1.200 đến 2.500 đồng trên 1kg cá thương phẩm.

Chúng tôi tới thăm gia đình anh Trần Văn Dương khi anh đang cho cá ăn, dù đang bận tay với công việc nhưng gương mặt không giấu được niềm vui, anh nhẩm tính: “Với 4.000 m2 diện tích ao nuôi cá chép V1 làm chính, qua 4 tháng nuôi, tôi thấy cá lớn nhanh, trọng lượng trung bình đạt khoảng 400gam/con, với giá thị trường hiện nay là 35.000 đồng/kg, gia đình có thể thu lợi nhuận khoảng 27 triệu đồng”.

Những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường tăng, tình hình biến đổi khí hậu và những khó khăn trong việc phát triển nuôi trồng thủy sản theo kiểu truyền thống đã ảnh hưởng không nhỏ đến ngành nuôi trồng thủy sản của Việt Nam. Nguyên nhân chủ yếu là chưa kiểm soát được 04 loại mối nguy gây mất an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường và an toàn lao động.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đồng Nai Phùng Cẩm Hà cho biết: “Những nơi đặt đăng chắn là các bãi, eo, ngách đến mùa cá thường vào sinh sản, loại lưới dày sẽ tận diệt hết thủy sản trên hồ. Loại lưới này ngành thủy sản đã cấm từ lâu và không cho sử dụng tại các sông, hồ”. Theo Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, Hợp tác xã thương mại dịch vụ thủy sản Phước Lộc đã giải thể cách đây hơn 1 năm.