Kinh Nghiệm Nuôi Gà Thả Vườn Hiệu Quả Cao

Mới đây, chúng tôi tới thăm gia đình ông Võ Văn Tắc (Tư Tắc) tại ấp Phước Lợi 1, xã Suối Đá, Dương Minh Châu (Tây Ninh), được vợ chồng ông giới thiệu việc nuôi gà ta thả vườn cho hiệu quả khá cao.
Trong nhiều năm trước đây, ngoài việc làm ruộng, rẫy vợ chồng ông Võ Văn Tắc, bà Phạm Thị Chừng còn nuôi từ 2 đến 4 con heo nái rất hiệu quả. Tiếng lành đồn xa, nhiều người tìm đến gia đình ông Tư Tắc mua heo con, có người “đặt hàng” trước nhiều tháng để mua được cả bầy heo con về nuôi vì heo giống của gia đình ông Tư Tắc, bà Chừng vừa tốt giống lại vừa ít bị bệnh. Gần đây giá heo tụt, giá thức ăn tăng cao, nhiều gia đình bỏ việc nuôi heo, ông Tư Tắc cũng chuyển sang nuôi gà ta thả vườn và cũng cho hiệu quả kinh tế cao.
Theo ông Tư Tắc, muốn nuôi gà ta thả vườn thành công phải thực hiện đúng 5 việc là: Chọn con giống tốt; chuồng trại bảo đảm hợp vệ sinh; chủng ngừa đúng thời gian, đủ liều vắc-xin; thức ăn đủ lượng, đủ chất; chăm sóc đúng quy trình và thường xuyên phun thuốc sát trùng chuồng trại. Bà Chừng cho biết thêm: Gà con giống chọn loại gà ta chân màu vàng, nhanh nhẹn, mắt sáng, chân to đều, không có khuyết tật.
Nuôi úm trong chuồng có sàn cách mặt đất 0,5 mét, xung quanh che kín không cho gió lùa, dùng bóng đèn tròn thắp sáng để sưởi ấm. Sau 25 ngày cho gà xuống chuồng nền đất (có mái che) có rải một lớp trấu dày 2 cm để gà không bị lạnh chân, cứ 7 đến 10 ngày thay lớp trấu mới, vẫn dùng bóng đèn tròn thắp sáng và cho gà ăn thêm vào ban đêm. Khi gà từ 50 đến 60 ngày tuổi thì thả ra vườn cho đi lại, ăn uống tự do, buổi tối gà tự vào chuồng và vẫn dùng bóng đèn thắp sáng.
Thức ăn cho gà con từ 1 đến 25 ngày tuổi dùng cám hạt dạng chế biến sẵn; từ ngày thứ 26 trở đi cho ăn thức ăn chế biến sẵn kèm với bắp xay nhỏ nấu chín trộn với cám. Nên cho gà ăn kèm theo một lượng nhỏ con khô ruốc và dùng lá cây dinh dưỡng hoặc lá cây hoàn ngọc cho gà ăn thêm.
Gà con được 3 ngày tuổi bắt đầu nhỏ và chích thuốc ngừa, đủ 8 liều ngừa 8 loại bệnh đến khi gà đủ 60 ngày tuổi. Nước uống cho gà phải là nước sạch và pha thêm một số thuốc như: AMPI-COLI và BIO-VITAMIN C, ADE Vit 533, cứ 5 ngày thay một loại thuốc và 5 ngày cho gà uống nước sạch không pha thuốc. Thực hiện đúng các bước và quy trình chăm sóc như trên, gà lớn khá nhanh, khoẻ mạnh, không bị bệnh, tỷ lệ hao hụt dưới 2%.
Vì diện tích vườn, chuồng hạn chế nên mỗi lứa vợ chồng ông Võ Văn Tắc chỉ nuôi thả khoảng 100 con gà ta thả vườn, sau 4 tháng xuất bán, mỗi con đạt từ 1,5 đến 1,7kg. Tổng thu mỗi đợt được 13,2 triệu đồng, trừ tiền gà giống, thức ăn, thuốc thú y… còn thu lãi được khoảng 6,6 triệu đồng.
Chỉ nuôi 100 con gà ta thả vườn, mỗi tháng gia đình ông Võ Văn Tắc có thêm thu nhập gần 1,7 triệu đồng. Nếu nhà nào có điều kiện đất đai rộng hơn, thả nhiều gà hơn chắc chắn lợi nhuận sẽ cao hơn.
Có thể bạn quan tâm

Việc sử dụng lờ dây (ngư cụ chủ yếu đánh bắt cá nhỏ) trên đầm Thủy Triều, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã diễn ra từ lâu. Tuy nhiên, do chưa có biện pháp chế tài hiệu quả để răn đe, nên chính quyền địa phương khó giải quyết dứt điểm vấn nạn này.

Hơn 3 tháng trở lại đây, mô hình kết bè nuôi ốc cháy (một đối tượng nhuyễn thể 2 mảnh vỏ) phát triển khá mạnh ở đầm Ô Loan (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên).

Hiện toàn tỉnh Cà Mau có 876 cơ sở sản xuất giống và 223 cơ sở kinh doanh giống thuỷ sản phục vụ nhu cầu giống cho người nuôi, trong đó có 4 hợp tác xã (HTX) và 25 doanh nghiệp. Hằng năm, các cơ sở này đáp ứng khoảng 40% nhu cầu, còn lại phải nhập tỉnh khoảng 60%. Theo đó, có trên 200 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống nhập vào Cà Mau.

Ông Võ Minh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - NHNN) cho biết, triển khai chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết số 14/NQ-CP, đối với lĩnh vực cá tra, NHNN đã phê duyệt cho 02 doanh nghiệp là Công ty TNHH Hùng Cá và Công ty TNHH SX-TM-DV Thuận An thực hiện 02 dự án liên kết sản xuất và xuất khẩu cá tra được tham gia chương trình. Việc thí điểm cho vay theo mô hình chuỗi liên kết trong sản xuất và xuất khẩu cá tra đã mang lại những kết quả ban đầu đáng khích lệ.

Nhằm mục tiêu cải thiện công tác quản lý nghề cá ven bờ theo hướng bền vững tại các tỉnh duyên hải được lựa chọn của Việt Nam, tăng cường năng lực thể chế cho ngành thủy sản trong việc quản lý bền vững các nguồn lợi, thúc đẩy các biện pháp thực hành tốt trong NTTS bền vững; và thực hiện các quy trình thực hành tốt vì sự bền vững của ngành khai thác thủy sản ven bờ. Mô hình trình diễn đa dạng hóa của Dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD), nhằm đa dạng các đối tượng nuôi trồng thủy sản để người nuôi có thể chọn lựa sản xuất phù hợp với điều kiện của vùng và đạt hiệu quả kinh tế cao.