Kinh Nghiệm Nuôi Gà Thả Vườn Hiệu Quả Cao

Mới đây, chúng tôi tới thăm gia đình ông Võ Văn Tắc (Tư Tắc) tại ấp Phước Lợi 1, xã Suối Đá, Dương Minh Châu (Tây Ninh), được vợ chồng ông giới thiệu việc nuôi gà ta thả vườn cho hiệu quả khá cao.
Trong nhiều năm trước đây, ngoài việc làm ruộng, rẫy vợ chồng ông Võ Văn Tắc, bà Phạm Thị Chừng còn nuôi từ 2 đến 4 con heo nái rất hiệu quả. Tiếng lành đồn xa, nhiều người tìm đến gia đình ông Tư Tắc mua heo con, có người “đặt hàng” trước nhiều tháng để mua được cả bầy heo con về nuôi vì heo giống của gia đình ông Tư Tắc, bà Chừng vừa tốt giống lại vừa ít bị bệnh. Gần đây giá heo tụt, giá thức ăn tăng cao, nhiều gia đình bỏ việc nuôi heo, ông Tư Tắc cũng chuyển sang nuôi gà ta thả vườn và cũng cho hiệu quả kinh tế cao.
Theo ông Tư Tắc, muốn nuôi gà ta thả vườn thành công phải thực hiện đúng 5 việc là: Chọn con giống tốt; chuồng trại bảo đảm hợp vệ sinh; chủng ngừa đúng thời gian, đủ liều vắc-xin; thức ăn đủ lượng, đủ chất; chăm sóc đúng quy trình và thường xuyên phun thuốc sát trùng chuồng trại. Bà Chừng cho biết thêm: Gà con giống chọn loại gà ta chân màu vàng, nhanh nhẹn, mắt sáng, chân to đều, không có khuyết tật.
Nuôi úm trong chuồng có sàn cách mặt đất 0,5 mét, xung quanh che kín không cho gió lùa, dùng bóng đèn tròn thắp sáng để sưởi ấm. Sau 25 ngày cho gà xuống chuồng nền đất (có mái che) có rải một lớp trấu dày 2 cm để gà không bị lạnh chân, cứ 7 đến 10 ngày thay lớp trấu mới, vẫn dùng bóng đèn tròn thắp sáng và cho gà ăn thêm vào ban đêm. Khi gà từ 50 đến 60 ngày tuổi thì thả ra vườn cho đi lại, ăn uống tự do, buổi tối gà tự vào chuồng và vẫn dùng bóng đèn thắp sáng.
Thức ăn cho gà con từ 1 đến 25 ngày tuổi dùng cám hạt dạng chế biến sẵn; từ ngày thứ 26 trở đi cho ăn thức ăn chế biến sẵn kèm với bắp xay nhỏ nấu chín trộn với cám. Nên cho gà ăn kèm theo một lượng nhỏ con khô ruốc và dùng lá cây dinh dưỡng hoặc lá cây hoàn ngọc cho gà ăn thêm.
Gà con được 3 ngày tuổi bắt đầu nhỏ và chích thuốc ngừa, đủ 8 liều ngừa 8 loại bệnh đến khi gà đủ 60 ngày tuổi. Nước uống cho gà phải là nước sạch và pha thêm một số thuốc như: AMPI-COLI và BIO-VITAMIN C, ADE Vit 533, cứ 5 ngày thay một loại thuốc và 5 ngày cho gà uống nước sạch không pha thuốc. Thực hiện đúng các bước và quy trình chăm sóc như trên, gà lớn khá nhanh, khoẻ mạnh, không bị bệnh, tỷ lệ hao hụt dưới 2%.
Vì diện tích vườn, chuồng hạn chế nên mỗi lứa vợ chồng ông Võ Văn Tắc chỉ nuôi thả khoảng 100 con gà ta thả vườn, sau 4 tháng xuất bán, mỗi con đạt từ 1,5 đến 1,7kg. Tổng thu mỗi đợt được 13,2 triệu đồng, trừ tiền gà giống, thức ăn, thuốc thú y… còn thu lãi được khoảng 6,6 triệu đồng.
Chỉ nuôi 100 con gà ta thả vườn, mỗi tháng gia đình ông Võ Văn Tắc có thêm thu nhập gần 1,7 triệu đồng. Nếu nhà nào có điều kiện đất đai rộng hơn, thả nhiều gà hơn chắc chắn lợi nhuận sẽ cao hơn.
Có thể bạn quan tâm

Chỉ là 1 loại cây trồng “bén duyên” trên vùng đất cù lao Ngũ Hiệp, nhưng hơn 40 năm có mặt trên vùng đất này, cây sầu riêng đã bám rễ và phát triển trở thành cây trồng chủ lực của tỉnh Tiền Giang; đồng thời đưa xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) trở thành “vương quốc” sầu riêng được nhiều người biết đến.

Anh Trần Phước Trung, cán bộ Ban Phát triển xã Nhị Hà (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) đưa chúng tôi đến thăm mô hình nhóm cùng sở thích chăn nuôi cừu sinh sản ở thôn Nhị Hà 3. Đây là nhóm nông dân liên kết nuôi cừu đầu tiên ở địa phương được thành lập từ tháng 9- 2014 đến nay.

Ngày 13.4, tại xã Tây Vinh, Trạm Khuyến nông huyện Tây Sơn (Bình Định) đã tổng kết mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học triển khai tại 2 hộ chăn nuôi ở thôn Bỉnh Đức và Nhơn Thuận với diện tích 40m2.

Nhờ áp dụng các biện pháp phòng trừ có hiệu quả, thời gian qua, diện tích chôm chôm nhiễm chổi rồng trên địa bàn huyện được kéo giảm đáng kể. Trong tổng diện tích 5,7ha chôm chôm bị nhiễm chổi rồng, có 5,5ha nhiễm dưới 30%, 2ha nhiễm từ 30 - 70%. Diện tích chôm chôm đang bị bệnh chổi rồng rải rác tại các xã cù lao.

Xóm Khe Đù, vùng đất xa khuất của xã Phúc Thuận, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên - nơi có những vườn đồi bốn mùa cho quả chín. Chủ nhân của vùng đất này chủ yếu là người xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên di cư lên từ những năm đầu thập niên bảy mươi của thế kỷ trước.