Kinh Nghiệm Làm Giống Đậu Tương Hè Rút Ngắn Thời Vụ

Thời vụ trồng đậu tương hè giữa hai vụ lúa thường rất ngắn. Nếu trồng đậu tương hè trên chân ruộng thu hoạch lúa muộn, bà con cần làm mạ đậu tương. Làm mạ đậu tương hè cho phép rải vụ, rút ngắn thời vụ được 5-7 ngày. Nông dân Hiệp Hoà có cách làm mạ đậu tương hè rất hay, xin mách bà con:
Lượng giống đậu tương cần 1,5 - 2kg/sào. Thường sử dụng các giống ngắn ngày như DT 99 hoặc DT 12. Giống đậu tương DT 99 và DT 12 trồng được cả ba vụ, xuân -hè và thu đông có đặc điểm thân mập, chống đổ tốt, chiều cao cây 50-55cm. Thân cây non màu xanh trắng, hoa màu trắng. Thời gian sinh trưởng vụ hè từ 72-75 ngày. Năng suất trung bình 16 - 18 tạ/ha.
Làm mạ đậu tương: Cần 5-6m2 đất mạ cho 1 sào. Dùng cát 70% + đất màu 30%, tạo độ xốp, trộn thành lớp đất dày 10 cm trên nền đất cứng. Sử dụng 1,5-2kg giống làm mạ cho 1 sào. Trải đất + cát dày 8cm, dùng ô doa tưới đẫm nước. Gieo hạt đậu cách nhau 1-1,5cm rồi dùng đất cát phủ dày 1-1,5cm.
Dùng bình bơm bông sen phun ẩm nhẹ, không để đọng nước trên bề mặt. Nếu gặp mưa cần dùng nilon che đậy kín. Sau khi hạt nảy mầm 3 ngày tưới nhẹ mỗi ngày một lần bảo đảm độ ẩm 70-75%. Tiến hành nhổ khi cây 6-10 ngày tuổi, có 1-2 lá thật (bứng đất rũ nhẹ).
Chú ý cấy đậu tương vào buổi chiều để cây đỡ chột, cấy 2-3 cây/hốc theo khoảng cách như đã định. Đất ướt dùng thêm một nắm đất khô bỏ vào gốc ấn cho chặt gốc, đất khô lấp đất nhỏ xung quanh rồi dùng ô doa tưới đẫm, chăm sóc bình thường.
Lưu ý: Trước khi nhổ cấy 1-2 ngày, bà con cần phun phòng dòi đục thân và bệnh lở cổ rễ hại cây con bằng thuốc Padan 95SP hoặc Regent 800WG + Anvil 5-10EC hoặc Validamycin 3-5SL. Cần chăm sóc đậu tương cấy bằng cây con khẩn trương, tưới 3-4kg đạm urê +10-15kg supe lân +2kg kali clorua làm 3-4 lần, mỗi lần cách nhau 5-7 ngày sau khi cây đậu đã bén rễ hồi xanh, hoà loãng phân khoáng với nước sạch để tưới. Sau khi tưới phân khoáng cần dùng ô doa tưới lại nước sạch lên tán lá để rửa phân cho khỏi cháy lá non.
Có thể bạn quan tâm

Muốn trồng đậu nành (đậu tương) trên ruộng không làm đất đạt kết quả tốt cần chú ý những điểm sau: Trồng lúc đất còn ẩm, chưa bị nứt nẻ hoặc đất khi gieo hạt phải đủ ẩm. Do đó, sau khi thu hoạch lúa tranh thủ xuống giống khi đất còn ẩm, nếu ruộng quá khô cần cho nước vào tạo độ ẩm cho đất

Mặc dù cây đậu nành rất dễ trồng và mang lại lợi nhuận khá, song, để đạt được năng suất cao, ngoài kinh nghiệm, người trồng đậu phải có kỷ thuật chăm sóc tốt. Các giống đậu thường được bà con sử dụng cho vụ này có thời gian sinh trưởng khoảng 85 – 90 ngày nên rất phù hợp với chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, luân canh cây màu với lúa trên đất ruộng, nâng thu nhập kinh tế cho nông hộ

Đây là một bệnh rất phổ biến ở các vùng trồng đậu nành, gây hại với các mức độ khác nhau, trên hầu hết các giống đang canh tác. Bệnh có thể xuất hiện trên tất cả các mùa vụ tại Đồng bằng sông Cửu long, nhưng bệnh thường phát triển mạnh vào vụ Hè Thu, khi có mưa nhiều, lớp không khí ở mặt đất có độ ẩm cao

Năm nay, mùa mưa đến trễ và mưa đầu mùa ít nên nhiều nơi trong tỉnh vẫn chưa thể xuống giống lúa, bắp hè-thu. Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, thời điểm này xuống giống lúa đã muộn, vì vậy bà con nên chuyển qua trồng đậu nành, đậu xanh... vừa giúp cải tạo đất, cắt mầm bệnh tránh hạn cho vụ mùa

Chuẩn bị lượng đậu nành giống khoảng 120-130kg/ha. Khi lúa đông xuân vừa chín, tiến hành gieo sạ đậu nành trước rồi đưa máy gặp đập liên hợp vào thu hoạch lúa ngay (chú ý không để lâu, hạt đậu hấp thu nước sẽ bị mềm, khi đưa máy vào thu hoạch lúa sẽ làm ảnh hưởng đến hạt giống).