Kim Bình - Xã trăm triệu đồng nhờ chuối tây

Dễ kiếm tiền từ chuối
Đến Kim Bình bây giờ, nhìn lên quả đồi nào cũng thấy một màu xanh bạt ngàn của chuối. Hàng chục năm gắn bó với cây chuối tây, chưa khi nào ông Hà Công Dũng – Trưởng thôn Khuổi Chán thấy chuối của đồng bào Tày mình làm ra bị ế, mà ngược lại lúc nào cũng bán chạy, trồng ra tới đâu tiêu thụ hết tới đó. Đặc biệt là các sản phẩm từ loại cây này được người dân khai thác hết tiềm năng, ngoài việc bán quả và hoa, các phụ phẩm của chuối như thân cây, lá, củ được tận dụng làm thức ăn chăn nuôi.
Nhà trồng hơn 1ha chuối, mỗi năm gia đình ông Dũng thu hoạch hàng chục tấn quả, chưa kể tiền hoa chuối, đã có thu nhập trên dưới 100 triệu đồng. Vừa thong thả dọn cỏ cho đồi chuối, ông Dũng bảo: “Ở miền đất núi này, kiếm được tiền triệu từ cây ngô, sắn thì khó, chứ kiếm từ chuối tây thì quá dễ dàng, bởi loại cây này không đòi hỏi chi phí đầu tư, công sức nhiều mà hiệu quả mang lại rất cao”- ông Dũng nói.
Ông Dũng cho biết thêm, tuy nghề trồng chuối đã có từ lâu, nhưng việc phát triển những năm gần đây mới thực sự rõ nét, do sản phẩm chuối xuất khẩu sang được thị trường Trung Quốc rất ổn định và được giá. Tại Kim Bình, ngoài gia đình ông Dũng, còn hàng trăm hộ có thu nhập trên 100 triệu đồng/hộ/năm từ việc phát triển loại cây này, như hộ ông Nguyễn Khắc Phi trồng 3ha chuối, nuôi 5 con trâu thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm, hộ ông Triệu Văn Yên (dân tộc Dao) thu gần 200 triệu đồng… Nhiều người gọi Kim Bình là xã trăm triệu. Ông Phi cho biết: “Chỉ cần trồng cây giống, bón lót phân 1 lần và làm cỏ định kỳ là có thể thu quả chuối cả năm, mà không cần tốn thêm chi phí mua phân, thuốc trừ sâu như các loại cây trồng khác”.
Đầu ra ổn định
Tại điểm đầu mối thu mua chuối của bà Hoàng Thị Vân (42 tuổi) ở thôn Đồng Ẻn lúc nào cũng tấp nập người dân chở chuối đến bán, ai cũng phấn khởi vì chuối bán được giá. Bà Vân bảo: “Tôi làm lái chuối quanh năm, ngày nào cũng như ngày nào trực 24/24 giờ để nhận hàng của bà con. Được cái đầu mối phía Trung Quốc họ lấy nhiều nên việc kinh doanh cũng thuận lợi”.
Bà Vân cho biết, giá chuối quả đang thu mua là 4.000- 6.000 đồng/kg tùy loại, còn bắp (hoa chuối) thu mua 17.000 đồng/kg. Do nguồn cung dồi dào, nên cứ vài ngày thu được khoảng gần 30 tấn hàng, bà Vân lại gọi xe tải đến chuyển sang Trung Quốc tiêu thụ. “Không bấp bênh như ngô, sắn, giá chuối nhiều khi còn lên đến trên 10.000 đồng/kg, có nhiều hộ 1 lần thu hoạch mang ra điểm bãi đổ hàng, cầm tiền triệu trong tay là bình thường” – bà Vân cho hay.
Ông Đào Ngọc Vang –Chủ tịch UBND xã Kim Bình cho biết: “Cây trồng mang lại thu nhập cao nhất của xã vẫn là chuối tây. Diện tích chuối của xã hiện trên 500ha. Hơn 90% số hộ dân (hơn 1.000 hộ) của xã tham gia trồng chuối, với thu nhập cao trên dưới 100 triệu đồng/ha”. Ngoài việc trồng chuối lấy quả để bán, người dân còn dùng nấu chế ra loại rượu chuối ngon hảo hạng mang nét đặc trưng riêng của Kim Bình. “Tháng 3.2015 vừa qua, rượu chuối Kim Bình đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu độc quyền.
Có thể bạn quan tâm

Rau muống là loại rau khá dễ trồng và thị trường có nhu cầu tiêu thụ với số lượng lớn nên thời gian qua nhiều nông dân chuyên canh trồng rau muống trên địa bàn TP Cần Thơ đã có được thu nhập khá từ loại cây trồng này.

Dự án “Sử dụng nước tưới hợp lý, nâng cao hiệu quả ngành sản xuất cà phê Việt Nam” do tập đoàn Nestlé phối hợp với Cơ quan Hợp tác phát triển Thụy Sĩ (SDC) tài trợ trị giá 2 triệu EUR đã hỗ trợ hiệu quả cho 50.000 nông hộ trồng cà phê 5 tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng).

Toàn huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) hiện chỉ còn 81ha sen, giảm 60ha so với vụ đông xuân và giảm 36ha so với vụ hè thu năm 2015.

Theo quy hoạch, dự kiến đến năm 2020, tỉnh Lâm Đồng sẽ dành trên 22.000ha đất để trồng mắc ca. Trong đó, chỉ khoảng 2.000ha được trồng chuyên canh với mật độ dày; 20.000ha còn lại được khuyến cáo trồng xen với các loại cây công nghiệp (cà phê, chè...) và các diện tích vườn tạp. Vì diện tích trồng xen chiếm đa số, nên việc trồng xen mắc ca trong cây công nghiệp với mật độ như thế nào, là vấn đề cần được xem xét cẩn trọng.

Bí xanh là loại cây rau ăn quả có giá trị dinh dưỡng và hiệu quả kinh tế cao, được nông dân Vĩnh Phúc đưa vào sản xuất từ nhiều năm nay. Với mong muốn nâng cao chất lượng, năng suất và hiệu quả kinh tế cho cây bí, mới đây, Trại Nghiên cứu thực nghiệm sản xuất Nông nghiệp công nghệ cao đã nghiên cứu và áp dụng thành công phương pháp trồng bí leo giàn chữ U ngược hoàn toàn mới cho hiệu quả cao, đây được xem là giải pháp nâng cao thu nhập cho người trồng bí trong tương lai.