Kiến Nghị Các Giải Pháp Cấp Bách Gỡ Khó Cho Cá Tra

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) vừa kiến nghị Chính phủ quy định xuất khẩu cá tra là ngành sản xuất đặc thù và có điều kiện nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành thủy sản xuất khẩu quan trọng này.
Vasep cũng kiến nghị với Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các ngân hàng thương mại Nhà nước giãn nợ, cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp cá tra thật sự có năng lực sản xuất và xuất khẩu, chuyển đổi vốn vay ngắn hạn đã sử dụng đầu tư vào nuôi cá sang vốn vay trung hạn.
Theo đó, cơ cấu lại nguồn vay để tăng phân bổ cho vay trung hạn cho mục đích nuôi cá tra; tăng cường hỗ trợ vốn tín dụng ngắn hạn, tăng hạn mức và tiếp tục cho vay theo nhu cầu doanh nghiệp để duy trì nuôi và chế biến xuất khẩu cá tra; đồng thời đề nghị thí điểm mở rộng hạn mức tín dụng cho 20 doanh nghiệp hàng đầu, chiếm hơn 60% tổng giá trị xuất khẩu cá tra.
Các doanh nghiệp này hầu hết đều có vùng nuôi tự chủ động nguyên liệu, có thị trường xuất khẩu và có uy tín lớn. Trên cơ sở kết quả đạt được, sẽ mở rộng phương thức này cho các doanh nghiệp sản xuất cá tra khác.
Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cần chỉ đạo việc rà soát lại và sửa đổi các quy định hiện hành của Bộ nhằm tăng cường các chế tài về hạn chế sử dụng các chất phụ gia tăng trọng đối với cá tra xuất khẩu theo chuẩn mực quốc tế; quy định việc phải công khai tỷ lệ thủy phần (nước trong cá) và tỷ lệ mạ băng (tỷ lệ đá) trên nhãn mác sản phẩm cá tra phile đông lạnh xuất khẩu, trước hết là sang thị trường EU và Mỹ; đồng thời xây dựng lộ trình hạn chế dần để tiến tới không sử dụng phụ gia tăng trọng đối với sản phẩm cá tra xuất khẩu, đặc biệt là đối với các thị trường EU, Mỹ và Nhật Bản.
Theo Vasep, nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu (xuất khẩu) cá tra các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang rơi vào tình trạng khó khăn, ách tắc trong sản xuất, xuất khẩu, đặc biệt đối với thị trường nhập khẩu cá tra lớn của Việt Nam là EU, nên cả doanh nghiệp và nông dân có xu hướng giảm diện tích thả nuôi hoặc chỉ thả nuôi cầm chừng. Thống kê của Vasep cũng cho thấy hiện có khoảng 15-30% diện tích ao nuôi cá tra của doanh nghiệp bị “treo.” Dự kiến, năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra chỉ đạt 1,8 tỉ USD, tương đương năm 2011.
Bên cạnh đó, các nhà máy chế biến cá tra cũng đang phải đối mặt với việc thiếu nguyên liệu. Tuy nhiên, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho biết, tình trạng thiếu nguyên liệu, thực chất chỉ là thiếu cá đạt kích cỡ chế biến theo yêu cầu của khách hàng. Do đó, việc thiếu hay thừa cá tra nguyên liệu của doanh nghiệp phụ thuộc vào đơn hàng xuất khẩu của họ, nghĩa là nếu doanh nghiệp có đơn hàng nhiều sẽ thiếu nguyên liệu hơn.
Có thể bạn quan tâm

Chưa năm nào như thời điểm Tết năm nay, thị trường rau Tết xuống giá trầm trọng, nguyên nhân do sản lượng dồi dào, nguồn cung vượt nhu cầu sử dụng, rau củ không những không giữ được mức giá ngày thường mà còn giảm sâu hơn.

Ngày 27/2/2014, Tổ chức chứng nhận chất lượng quốc tế độc lập Bureau Veritas Certification đã trao chứng nhận ASC cho 3 doanh nghiệp nuôi cá tra đầu tiên của tỉnh là Công ty CP Thủy sản Cổ Chiên, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Năm Vàng và Công ty CP Thủy sản Nam Sông Hậu.

Tiếp nối thành công của Dự án “Xây dựng tiểu vùng nuôi cá rô phi tập trung tại các vùng đất nông nghiệp năng suất thấp sang nuôi trồng thuỷ sản giai đoạn 2009-2012” tại khu vực miền Tây, năm 2013, Dự án đã tiếp tục được triển khai tại 3 huyện miền Đông là Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà (Quảng Ninh). Sau hơn 1 năm thực hiện, dự án đang được xem là hướng đi mới cho người dân vùng cao khi tiếp tục đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng” do các cấp Hội Nông dân phát động, nhiều hội viên Hội Nông dân xã An Bình (Kiến Xương - Thái Bình) đã thi đua, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế từ nuôi ba ba gai, đạt nhiều kết quả.

Sau thời gian lao đao, gần đây do giá tôm thẻ chân trắng tăng nên nhiều hộ dân ở vùng ven biển Quảng Ngãi đổ xô nuôi tôm. Đáng chú ý là người dân nuôi tôm theo kiểu phong trào, bất chấp khuyến cáo của ngành nông nghiệp về lịch thời vụ, môi trường ao nuôi, nguy cơ dẫn đến thất bát là điều khó tránh khỏi.