Kiên Giang Khuyến Cáo Hạn Chế Trồng Lúa IR50404

Hiện nay, nông dân tỉnh Kiên Giang tập trung thu hoạch rộ lúa Đông Xuân với niềm vui được mùa, năng suất bình quân 6,3 tấn/ha.
Tuy nhiên, một bộ phận nông dân gieo trồng giống lúa IR50404 đang loay hoay tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm, bởi dù giá bán khá thấp so với những loại lúa thương phẩm hàng hóa khác, nhưng thương lái vẫn không mua.
Tại các vùng trọng điểm lúa như U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, Giồng Riềng, Tân Hiệp, Gò Quao, Châu Thành…, trên các phương tiện thu mua lúa, thương lái gắn bảng “lúa 504… không mua” nên nông dân không bán được, dù giá lúa chỉ ở mức 4.000-4.200 đồng/kg.
Trong khi đó, sản lượng lúa này đang tồn trữ khá lớn, nông dân rất cần bán để thanh toán chi phí đầu tư sản xuất, trả nợ vay ngân hàng và trang trải sinh hoạt cho gia đình.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kiên Giang, vụ Đông Xuân 2011-2012, toàn tỉnh xuống giống 290.549/285.000 ha, tăng gần 2% so với kế hoạch, nhưng gieo sạ giống lúa IR50404 chiếm 31% diện tích.
Ngành nông nghiệp khuyến cáo các địa phương khống chế diện tích gieo sạ lúa chất lượng thấp không vượt quá 20%, nhưng nhiều nơi nông dân “xé rào,” nhất là huyện Châu Thành, giống lúa IR50404 gieo sạ hơn 70% so với tổng diện tích xuống giống.
Nguyên nhân do những vụ mùa trước, loại lúa này bán có giá nhờ thị trường xuất khẩu gạo cấp thấp thuận lợi, giống lúa IR 50404 luôn đạt năng suất từ 6-8 tấn/ha, nên nhiều nông dân vẫn chuộng loại giống này để gieo trồng.
Theo nhiều thương lái, sở dĩ không mua lúa IR50404 do đây là sản phẩm nông sản chất lượng thấp, chưa ký được hợp đồng mới xuất khẩu loại gạo này với đối tác; thị trường xuất khẩu gạo những tháng đầu năm nay gặp rất nhiều khó khăn và cạnh tranh khá gay gắt, bởi các thị trường gạo cấp thấp đang nổi lên; giá lúa xuống thấp, diễn biến khó lường, nếu mua vào rủi ro rất lớn, thua lỗ khó tránh khỏi.
Trong khi đó, sản phẩm gạo chất lượng cao, gạo thơm nhu cầu tiêu thụ trên thị trường đang tăng theo chiều hướng có lợi và nhiều đối tác đặt hàng, nên doanh nghiệp tập trung thu mua chế biến để xuất khẩu…
Thực hiện chủ trương mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo của Chính phủ, tỉnh Kiên Giang chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với các doanh nghiệp đầu mối tổ chức thu mua hợp lý, giảm khâu trung gian, nhằm tăng thêm lợi nhuận trực tiếp cho nông dân.
Để tránh tình trạng “được mùa mất giá” trong những vụ mùa tới, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục tuyên truyền vận động, khuyến cáo nông dân hạn chế trồng giống lúa IR50404 dưới 20% diện tích, hướng dẫn và hỗ trợ, tạo điều kiện cho bà con chuyển đổi giống, chuyển sang trồng lúa chất lượng cao, lúa thơm có giá trị kinh tế, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Tỉnh Kiên Giang định hướng quy hoạch lại ngành sản xuất lúa và xuất khẩu lúa gạo trên cơ sở tập trung phát triển nguồn giống chất lượng cao, tái cơ cấu sản xuất để nâng cao thương hiệu và giá trị hạt gạo.
Tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện liên kết “4 nhà” theo hướng doanh nghiệp và nông dân liên kết sản xuất theo các mô hình cánh đồng mẫu lớn; doanh nghiệp xác định đầu ra cho sản phẩm trên cơ sở xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, quảng bá, giới thiệu hạt gạo Kiên Giang và đặt hàng nông dân sản xuất theo nhu cầu, nhằm tạo ra sản lượng lớn, chất lượng tốt, đồng đều, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu./.
Có thể bạn quan tâm

Theo Sở NNPTNT Thanh Hóa, sau nhiều năm tích cực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đến nay toàn tỉnh có gần 530ha sản xuất hạt giống lúa lai F1. Năm 2011, năng suất bình quân đạt 15 - 21 tạ/ha, lượng hạt giống sản xuất ra hàng năm đáp ứng trên 30% nhu cầu, giảm lượng hạt giống phải nhập khẩu.

Vụ đông xuân 2011-2012, Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng một mô hình thâm canh lúa lai tại xã miền núi Vĩnh An (huyện Tây Sơn), nơi có 100% dân số là người dân tộc Ba Na. Mô hình triển khai trên diện tích 2ha với giống lúa TH3-3.

Mặc dù sở hữu đến 2 hécta điều trồng hơn 10 năm, nhưng cuộc sống gia đình ông Nguyễn Đức Tiến ở ấp 3, xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai vẫn chật vật vì thu nhập thấp, chưa đầy 30 triệu đồng/năm.

Cá tra loại 1 (thịt trắng, cỡ 0,7 – 0,8 con/kg) ở Đồng Tháp lên tới 27.500 đồng/kg, cao hơn tuần trước 500 – 1.000 đồng. Mức giá gần chạm kỷ lục ở tỉnh có diện tích và sản lượng nuôi lớn nhất khu vực ĐBSCL đã tác động tích cực tới thị trường các tỉnh khác. Giá cá cùng loại tại Tiền Giang là 25.500 đồng/kg, ở An Giang 26.000 đồng, ở Cần Thơ giá 24.500 đồng/kg. Cá tra loại 2 (thịt vàng, cỡ 0,9 – 1,1 kg/con) ở Đồng Tháp hiện là 26.000 đồng, cao hơn tuần trước 1.500 đồng/kg, tại Tiền Giang đạt 23.500 đồng/kg, tăng 1.000 đồng.

Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN Vĩnh Phúc đã tiến hành trồng thử nghiệm thành công loài hoa Thiên điểu với tỷ lệ cây sống đạt 100%.