Kiếm Tiền Triệu Từ Nghề Vỗ Béo Bò

Sau 1 năm làm việc “trái nghề”, anh Hồ Ngọc Thủ (xã Vạn Bình, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) quyết định về quê làm giàu bằng nghề vỗ béo bò.
Theo chân ông Nguyễn Văn Huệ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Bình, chúng tôi đến thăm trang trại nuôi bò của anh Thủ tại khu vực Suối Nổ (thôn Bình Lộc 1). Trong trang trại rộng 3 ha trồng nhiều loại cây ăn quả, anh Thủ đã dành đến 2 ha để trồng cỏ voi và 0,5 ha làm lúa nước.
Nhưng ấn tượng nhất vẫn là 2 dãy chuồng trại nuôi bò rộng 500 m2 với hàng chục con. Con nào cũng khỏe mạnh, da bóng mượt, nhẩn nha gặm cỏ trong chuồng.
Thủ kể, anh tốt nghiệp Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) ngành Vật liệu nano - một ngành ứng dụng vật liệu mới.
Tuy nhiên, năm 2012, tốt nghiệp ra trường, không tìm được việc đúng chuyên môn nên anh đành về Bình Dương làm việc cho một doanh nghiệp sản xuất bao bì. Sống xa nhà, vật chất đắt đỏ, đồng lương hạn hẹp đã thôi thúc Thủ trở về quê nhà, trông nom trang trại của gia đình.
Về nhà, thấy bố vẫn nuôi bò theo kiểu bò đẻ con nào thì nuôi con nấy, đàn bò chậm lớn, giống không được cải tạo nên giá trị kinh tế thấp. Thủ suy nghĩ: Tại sao không mua bò về vỗ béo, vừa giải quyết việc làm, tăng thu nhập, vừa cải tạo đàn bò của gia đình? Nghĩ là làm, chàng cử nhân liền bắt tay vào nghề vỗ béo bò.
Sau một thời gian tìm đọc tài liệu về nghề vỗ béo bò, Thủ đã hình dung được công việc cần làm. Ban đầu, Thủ lấy bò nhà làm vật thử nghiệm. Khi bò đã được vỗ béo, Thủ bán để có tiền mua bò ốm, bò thải, giá thấp về vỗ béo. Theo Thủ, bí quyết nghề vỗ béo bò là phải chăm sóc kỹ, chế độ dinh dưỡng đầy đủ, kết hợp tẩy giun sán, vệ sinh hàng ngày.
Buổi sáng cho bò ăn cỏ, buổi trưa ăn thức ăn tinh (cám gạo, bột bắp, bột mì...), bổ sung thêm khoáng chất, uống đầy đủ nước sạch, buổi chiều ăn cỏ và tối tiếp tục ăn thức ăn tinh. Khẩu phần của bò vỗ béo phải đảm bảo 40 kg cỏ và 3 kg thức ăn tinh/ngày. Nếu ăn uống đầy đủ như trên, chỉ sau 2 đến 3 tháng, bò tăng trọng gần 20 - 30%, da dẻ bóng mượt, bắt mắt.
Cùng với việc học hỏi bí quyết vỗ béo bò, Thủ còn sắp xếp, quy hoạch lại chuồng trại, láng nền, bố trí máng cỏ, nước, nơi nuôi nhốt phù hợp; đồng thời, trồng cỏ voi, chọn giống có năng suất cao, phù hợp với khẩu vị của bò. Thủ cũng mua sắm máy xay cỏ cùng các thiết bị cơ giới phục vụ sản xuất như máy cày, máy bơm nước, xe công nông...
Sau hơn 1 năm theo đuổi nghề, Thủ đã phát triển đàn trâu bò của mình lên gần 60 con. Bò được nuôi nhốt để vỗ béo, trâu thả đồng. Một năm lợi nhuận mang về từ việc nuôi vỗ béo bò khoảng 200 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. “Giờ đây tôi hoàn toàn an tâm về công việc đã chọn. Nuôi vỗ béo bò hiện là nghề tốt, tôi đã tự trả lương xứng đáng cho mình”, Thủ chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Huệ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Bình: Gia đình Thủ là gia đình hiếu học, cả 5 người con đều đỗ đạt. Bố của Thủ được công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương 3 năm liền. Thủ là người có chí hướng, tự mình tìm tòi hướng đi và thành công bước đầu, tiêu biểu cho lớp trẻ dám nghĩ dám làm.
Có thể bạn quan tâm

Theo anh Trình, sầu riêng làm trái vụ đòi hỏi những kỹ thuật về đậy gốc, xiết nước, thời điểm bón phân để hoa đậu trái nhiều… và không phải ai làm cũng thành công. Anh Trình bộc bạch: “Để xử lý cho sầu riêng ra hoa nghịch vụ, vào mùa mưa phải dùng tấm ni lông trải phủ hết gốc sầu riêng để cây không thấm nước mưa, đồng thời bơm thoát nước ra ngoài cho mương cạn vì sầu riêng rất sợ nước, càng xiết nước đúng cách thì càng cho trái nghịch vụ cao”.

Thanh long được tỉnh xác định là một trong 7 chủng loại trái cây đặc sản có lợi thế cạnh tranh giai đoạn đổi mới và hội nhập. Sở Công thương cũng đã có Quyết định 264/QĐ-SCT ngày 11-8-2014 phê duyệt báo cáo Phân tích Chuỗi giá trị sản phẩm thanh long tỉnh Tiền Giang. Việc nghiên cứu và phân tích chuỗi giá trị thanh long này là việc làm cần thiết để có những đề xuất về các giải pháp tăng giá trị gia tăng, phát triển ổn định và bền vững chuỗi giá trị thanh long.

Bà Tư Bông cho biết, hiện nay 2 công sa pô của bà đang vào đợt thu hoạch rộ. Sau khi thu hoạch xong lứa sa pô này, bà sẽ bón phân để thúc lứa sa pô kế tiếp cho thu hoạch rộ đúng thời điểm Tết; đồng thời bảo đảm về năng suất và chất lượng. Bởi bên cạnh nhu cầu cao về số lượng, thị trường Tết có yêu cầu cao về chất lượng và mẫu mã.

Thời gian qua, Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Tuy Đức đã thí điểm trồng 2 giống khoai lang siêu cao sản là HNV1 và HNV2 trên diện tích 3 ha ở 3 xã Đắk R’tíh, Quảng Tâm, Đắk Búk So. Sau hơn 3 tháng triển khai, hiện nay, các hộ dân tham gia mô hình đã thu hoạch và năng suất đạt cao gấp 3 – 4 lần so với các giống khoai khác.

Theo Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh, trong 10 năm qua, đơn vị đã xây dựng được 24 loại mô hình với tổng quy mô là hơn 1.660 ha cây trồng các loại và 1.800 đầu con gia súc, 46.800 con gia cầm, hơn 21 ha ao cá và 24 chiếc máy sấy nông sản, thu hút gần 6.600 lượt hộ tham gia, trong đó có 38,5% lượt hộ là người dân tộc thiểu số; tổ chức gần 22.600 lớp tập huấn với hơn 90.000 lượt học viên tham gia…