Kiểm Soát Chất Lượng Con Giống Và Môi Trường

Hải Phòng là địa phương có truyền thống và kinh nghiệm về nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ và nước ngọt. Sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2013 đạt 50.694,7 tấn, trong đó sản lượng tôm nuôi đạt 5.064,9 tấn, tăng 112,72% so với năm 2012. Phát huy kết quả đó, năm 2014, ngành Nông nghiệp và PTNT và các địa phương thực hiện nhiều giải pháp phòng ngừa dịch bệnh, tăng sản lượng và chất lượng thủy sản nuôi.
Ứng phó với nguy cơ dịch bệnh
Tại vùng nuôi tôm công nghiệp xã Phù Long, huyện Cát Hải, bên cạnh kỹ thuật tạo ra các hồ nuôi tiêu chuẩn, doanh nghiệp Sơn Trường còn áp dụng các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh bằng cách cải tạo ô đầm, tháo cạn nước, làm sạch đầm nuôi, bơm nước mới và ngăn cách giữa các ô bằng hệ thống tường bao bảo đảm tránh lây lan nếu xảy ra dịch bệnh. Đây là một trong số các doanh nghiệp, khu nuôi trồng thủy sản nuôi trồng và phòng ngừa dịch bệnh.
Tại hội nghị giao ban về nuôi trồng thủy sản phía Bắc do Tổng cục Thủy sản tổ chức mới đây, đại diện các địa phương, Sở Nông nghiệp và PTNT Hải Phòng nêu thực trạng nuôi trồng thủy sản gặp nhiều khó khăn, diễn biến phức tạp, nhất là trong nuôi tôm nước lợ. Tại các vùng nuôi xuất hiện dịch bệnh với một số bệnh nguy hiểm như: bệnh còi di MBV, bệnh đốm trắng, bệnh ở gan, tụy, bệnh nhiễm trùng dưới da và hoại tử. Ngoài ra, các bệnh do vi khuẩn Vibrio gây ra như bệnh phát sáng, đỏ dọc thân, ăn mòn vỏ kitin ở tôm.
Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Tự Trọng, một trong những nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh ở thủy sản là do việc phát triển sản xuất tự phát, quy hoạch về NTTS chưa được rà soát, bổ sung kịp thời. Mặt khác, người nuôi chưa tuân thủ quy trình kỹ thuật nuôi, lạm dụng hóa chất và chế phẩm xử lý môi trường.
Một trong những yếu tố rất đáng quan tâm là chất lượng con giống chưa bảo đảm, diện tích nuôi trồng bị thu hẹp do phát triển đô thị và khu công nghiệp, ảnh hưởng của thời tiết, biến đổi khí hậu… Tất cả các yếu tố trên dẫn đến các vấn đề như ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, gây thiệt hại không nhỏ cho người nuôi thủy sản.
Nhân rộng mô hình nuôi tiêu chuẩn
Trong những năm qua, các cơ sở sản xuất con giống được đầu tư phát triển mạnh, sản xuất được các giống thủy sản có giá trị kinh tế cao như bào ngư chín lỗ Bạch Long Vỹ, tu hài, ngao, cá bớp, cá song, cua…
Hải Phòng xuất hiện nhiều mô hình, tổ chức, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ giỏi, đạt hiệu quả kinh tế cao như: các công ty TNHH: Phúc Hà, Khoa Thành, Sơn Trường; trại sản xuất cua giống Tân Trào, trang trại giống thủy sản Phương Lan, trang trại Ngôi Sao Thủy Tiên…
Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của môi trường nuôi và nguy cơ dịch bệnh, bước vào vụ nuôi năm 2014, ngành Nông nghiệp và PTNT Hải Phòng và các địa phương triển khai các giải pháp phòng ngừa dịch bệnh.
Trưởng phòng Nuôi trồng Thủy sản, Sở Nông nghiệp và PTNT Võ Thị Hồng Phương cho biết: Công tác kiểm tra, kiểm soát con giống được triển khai chặt chẽ, nghiêm túc; kiểm tra, kiểm soát vùng nuôi được tiến hành thường xuyên, liên tục; phòng và trị bệnh kịp thời gắn với quản lý chất lượng con giống, nhất là kiểm tra nguồn gốc con giống. Kiểm tra cơ sở nuôi trồng, quản lý thức ăn, chế phẩm sinh học, chất xử lý, cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản được duy trì thường xuyên.
Mặt khác, theo Tiến sĩ Trần Đình Luân, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, Hải Phòng chú trọng rà soát, điều chỉnh quy hoạch NTTS phù hợp với điều kiện thực tế; hình thành vùng nuôi trồng an toàn, tổ đội liên kết nuôi trồng có sự giám sát, tham gia của cộng đồng thay vì tự phát, nhỏ lẻ dễ gây dịch bệnh; áp dụng công nghệ cao, ứng dụng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản, bảo đảm thân thiện với môi trường.
Có thể bạn quan tâm

Cá tra Việt Nam vừa tăng lên vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng thủy sản yêu thích tại Mỹ nhưng người nuôi cá chưa hết lao đao. Phương pháp cho ăn gián đoạn đang được khuyến cáo để giúp người nuôi vượt qua giai đoạn khó khăn này...

Đó là ông Nguyễn Tác Tân - Trưởng thôn Vị Hạ, xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ông Tân đã bàn bạc với 134 hộ nông dân trong thôn Vị Hạ xây dựng mô hình "Tổ hợp tác áp dụng cơ giới hoá tổng hợp trong sản xuất lúa". Mô hình có quy mô diện tích 26 ha.

Nuôi ba ba chi phí đầu tư thấp, nhẹ công chăm sóc, kỹ thuật nuôi đơn giản, ít dịch bệnh nhưng mang lại hiệu quả kinh tế lại khá cao. Đó là nhận định của những hộ dân nuôi ba ba xã Cần Đăng (Châu Thành – An Giang). Đây được xem là một trong những mô hình thoát nghèo hiệu quả của địa phương…

Từ năm 2010, hồ thủy điện Sơn La bắt đầu tích nước. Khai thác tiềm năng mặt nước lòng hồ này, bà con ven hồ xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La đã triển khai mô hình nuôi cá lồng, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Đây là tín hiệu tốt để nhân dân ven hồ, bao gồm bà con các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên phát huy lợi thế 214 km2 mặt nước hồ thủy điện Sơn La để phát triển kinh tế gia đình.

Vừa qua, một số ao nuôi tôm sú tại xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa - Thanh Hóa) xuất hiện tôm chết (khoảng 2 triệu con). Sau khi biết tin, các cán bộ phòng nông nghiệp huyện cùng Chi cục Thú y tỉnh đã xuống các đồng nuôi kiểm tra, lấy mẫu đi phân tích.