Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Kích Thanh Long Ra Hoa Bằng Đèn Compact

Kích Thanh Long Ra Hoa Bằng Đèn Compact
Ngày đăng: 08/05/2013

Chong đèn cho thanh long ra hoa trái vụ được thực hiện từ lâu, song việc sử dụng đèn sợi tóc với công suất 60 - 75 W tiêu thụ lượng điện rất lớn, dẫn tới chi phí đầu tư cho mỗi hecta cao, giảm tính cạnh tranh. Bên cạnh đó, diện tích thanh long ngày càng tăng đã dẫn tới việc thiếu điện. Giải pháp để tăng thêm diện tích thắp sáng mà không thay đổi công suất thắp, giảm chi phí tiền điện, tăng lợi nhuận là thay thế đèn sợi tóc 60 - 75 W bằng đèn compact 20 - 23 W chống ẩm cho thanh long ra hoa trái vụ.

Sau hai năm chuyển hướng sang sử dụng 100% bóng đèn compact, ông Ung Ngọc Hải - chủ trang trại Ngọc Hân ở thôn Dân Bình, xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), người có 18 mẫu đất trồng thanh long với tổng cộng gần 14 ngàn trụ thanh long chia sẻ: Lượng điện tiêu thụ của bóng đèn compact giảm 2/3 và lượng hoa và trái ra tuy có giảm nhưng lại hợp lý hơn nên không phải mất công cắt bỏ bớt như sử dụng bóng đèn sợi đốt.

Ông Hải tính toán: Mỗi chu kỳ chong đèn kích thích cây thanh long ra hoa kéo dài từ 18 - 20 ngày (tùy tình hình thời tiết). Khi dùng bóng đèn compact, chi phí tiền điện bình quân mỗi trụ thanh long là 5.500 đồng/lần, bằng 1/3 so với trước đây và với diện tích hiện có, mỗi chu kỳ chong đèn ông Hải tiết kiệm được 154 triệu đồng tiền điện so với dùng đèn sợi đốt. Ông Hải cũng xác nhận, vốn đầu tư ban đầu sử dụng bóng đèn compact cao gấp 10 lần so với bóng đèn sợi đốt, song chỉ sau 3 chu kỳ thắp đã có thể lấy lại vốn bởi tiêu thụ điện ít hơn. Đây là yếu tố quan trọng để giảm chi phí đầu tư cho thanh long vụ nghịch, tăng diện tích trồng thanh long, tăng sức cạnh tranh trong kinh doanh.

Không riêng ông Hải, ông Nguyễn Dũng ở Hàm Thuận Nam cho biết, ông có khoảng 1.000 trụ (khoảng 1 ha) và đều đã sử dụng bóng đèn compact 20W chống ẩm. Tiền điện một năm (3 vụ) phải trả là 10,685 triệu đồng, trong khi trước đây khi có sử dụng bóng đèn sợi đốt là trên 32 triệu đồng/năm. “Riêng chi phí tiền điện, mỗi năm tôi tiết kiệm trên 21 triệu đồng”. Không những thế năng suất thanh long cũng tương đương.

Lợi cả đôi đường

Khảo sát của Trung tâm nghiên cứu và phát triển thanh long Bình Thuận tại 187 hộ dân trồng thanh long có sử dụng 100% bóng đèn compact đều cho kết quả tương đương nếu cùng chế độ canh tác, chăm sóc, tuổi cây, thời điểm chong đèn, số giờ thắp đèn/đêm… Trong khi đó lại giảm 2/3 lượng điện tiêu thụ. Hơn nữa, tỷ lệ bóng hư hỏng khi gặp sự cố như mưa, gió trong thời gian chong đèn thấp hơn nhiều so với bóng sợi đốt. Đồng nghĩa, cùng một lượng điện nhưng số lượng thanh long được chong trong một đợt sẽ tăng lên, từ đó sản lượng sẽ nhiều hơn. Đặc biệt phù hợp với những hộ chong đèn bằng bình điện nhỏ, máy nổ hoặc những hộ chưa có điều kiện hạ bình, có thể thắp bằng điện sinh hoạt gia đình.

Ông Nguyễn Tấn Lân, phó giám đốc Công ty điện lực Bình Thuận tính toán: Nếu sử dụng đèn compact cho toàn bộ diện tích thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận (khoảng 19.000 ha), mỗi năm sẽ tiết kiệm 303.240.000 kWh. Với giá điện như hiện nay (1.339 đồng kWh) thì số tiền tiết kiệm được khoảng 406 tỷ đồng/năm. Không những thế, ông Lân cho biết, nó còn giúp giảm công suất đỉnh 297 MVA, giảm đầu tư 297 MVA, chi phí đầu tư giảm 679 tỷ.

Ông Lân cho biết thêm, riêng trong năm 2012, sản lượng điện tiêu thụ trong trồng thanh long chiếm 27,16% tổng sản lượng thương phẩm toàn tỉnh. Từ khi thực hiện phương án tiết giảm 50% phụ tải thanh long theo chủ trương của UBND tỉnh Bình Thuận, người dân chủ động điều chỉnh sản xuất, thay bóng đèn compact, chia làm nhiều đợt thắp sáng nên không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất. Công ty điện lực không còn phải cắt giảm phụ tải chong đèn thanh long, đảm bảo cung cấp điện liên tục để người dân an tâm sản xuất. Đến nay đã có khoảng 10 ngàn khách hàng trồng thanh long thực hiện việc điều chỉnh, tiết giảm sử dụng điện.

Cần kỹ thuật chuẩn

Để nghề trồng thanh long phát triển một cách bền vững và hiệu quả không chỉ ở Bình Thuận mà cả một số vùng khác như Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh…, bên cạnh việc chong đèn và thay thế bóng đèn sợi đốt bằng compact, nông dân đang rất cần một quy trình chăm sóc chuẩn bởi hiện nay hầu hết việc trồng và chăm sóc thanh long mới chỉ dựa trên kinh nghiệm của người nông dân.


Có thể bạn quan tâm

Nâng Chất Lượng Tôm Nuôi Trước Khi Thu Hoạch Nâng Chất Lượng Tôm Nuôi Trước Khi Thu Hoạch

Muốn hạn chế tối đa tình trạng chất lượng sản phẩm kém, các hộ nuôi tôm cần quan tâm nhiều hơn đến việc nâng cao chất lượng tôm nuôi trước khi thu hoạch, kịp thời đưa ra các giải pháp xử lý có hiệu quả… TSVN xin giới thiệu một số dạng tôm nuôi bị giảm chất lượng thường gặp trước khi thu hoạch

14/09/2011
Người Mỹ Gốc Âu Đã Mê Thanh Long Việt Nam Người Mỹ Gốc Âu Đã Mê Thanh Long Việt Nam

Do trồng hoàn toàn bằng hữu cơ, lại được vận chuyển qua đường hàng không, nên trái thanh long trong vườn Ba Tây khi tới tay người tiêu dùng Mỹ ăn vẫn ngon ngọt như mới hái chín ở Việt Nam.

29/03/2012
Trồng Nấm Rơm Làm Giàu Trồng Nấm Rơm Làm Giàu

Với lợi thế nguồn nguyên liệu rơm rạ dồi dào sẵn có tại địa phương nên nghề trồng nấm rơm của nông dân ở Tiền Giang đã hình thành từ lâu đời và có nhiều thuận lợi. Nghề trồng nấm rơm vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân thoát nghèo, vươn lên khá giả.

24/02/2012
Ao Nuôi Cá Tra Cũng Ế Nặng Ao Nuôi Cá Tra Cũng Ế Nặng

Trước đây, tại các tỉnh vùng ĐBSCL, giá ao nuôi cá tra luôn ở mức rất cao, từ 2- 3 tỷ đồng/ha. Tuy nhiên gần đây, người nuôi cá tra thua lỗ, lần lượt “treo ao” nên giá ao rớt thê thảm, nhiều nơi kêu bán mà chẳng ai mua.

23/05/2012
Tôm Nuôi Trước Vụ Lại Chết Hàng Loạt Tôm Nuôi Trước Vụ Lại Chết Hàng Loạt

Tỉnh Quảng Nam đang đồng loạt thả nuôi tôm giống vụ 1 năm 2011. Tuy nhiên, vẫn có không ít hộ dân ở TP.Tam Kỳ và các huyện Núi Thành, Thăng Bình... bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng, thả nuôi trước vụ dẫn đến tôm chết hàng loạt

19/04/2011