Khuyến Nông Trong Xây Dựng Nông Thôn Mới Hơn 9.000 Mô Hình Sản Xuất Hiệu Quả

Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), xác định phát triển sản xuất là một tiêu chí quan trọng, nên trong gần 4 năm qua ngành khuyến nông đã tiến hành xây dựng được trên 9.000 mô hình sản xuất có hiệu quả.
Kết quả trên được thông tin tại Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp với chuyên đề “Hoạt động khuyến nông trong xây dựng NTM” do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Sở NNPTNT tỉnh Thái Bình vừa tổ chức tại Thái Bình.
Trên 9.000 mô hình đã được xây dựng
Ông Tăng Minh Lộc – Chánh Văn phòng điều phối Ban chỉ đạo T.Ư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cho biết: Sau gần 4 năm triển khai xây dựng NTM, đến nay cả nước đã có 185 xã đạt 19 tiêu chí (chiếm 2,05%), 622 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí (chiếm 6,9%).
Đặc biệt, cả nước có khoảng trên 9.000 mô hình sản xuất có hiệu quả, đem lại năng suất và thu nhập cao hơn trước 15-40%, gồm các mô hình như sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị có ứng dụng công nghệ cao, cánh đồng lớn…
Theo ông Lộc, trong xây dựng NTM, khuyến nông là một kênh vô cùng quan trọng để đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và giúp người nông dân tăng thu nhập. “Trong những năm qua, khuyến nông đã và đang phát huy vai trò rất tốt trong hoạt động xây dựng NTM, đặc biệt là việc hỗ trợ, xây dựng các mô hình sản xuất, mang lại thu nhập cao cho người dân”- ông Lộc nhấn mạnh.
Đánh giá về việc triển khai xây dựng các mô hình sản xuất, TS Phan Huy Thông – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết: “Trong những năm qua, hệ thống khuyến nông đã thực hiện xây dựng NTM với các hình thức như thông tin tuyên truyền, đào tạo tập huấn, xây dựng mô hình trình diễn...
Đối với 19 tiêu chí trong xây dựng NTM, hệ thống khuyến nông các cấp đã trực tiếp tham gia thực hiện 7 tiêu chí, trong đó có các tiêu chí quan trọng như quy hoạch sản xuất (tiêu chí số 1); thu nhập người dân (tiêu chí số 10); môi trường (tiêu chí số 17)…”. Đối với việc thực hiện tiêu chí quy hoạch sản xuất, ngành khuyến nông đã tham gia quy hoạch sản xuất các vùng và một số xã NTM.
Sản xuất gắn với xây dựng NTM
Ông Hoàng Văn Hồng – Trưởng phòng Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật (Trung tâm Khuyến nông quốc gia) cho biết, một trong những mô hình mà ngành khuyến nông triển khai là Dự án áp dụng 3 giảm 3 tăng và kỹ thuật trồng lúa SRI thực hiện từ năm 2014 đến năm 2016 tại 13 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó 11 tỉnh thực hiện tại xã điểm NTM. Dự án triển khai trên diện tích 670/790ha với 960 hộ dân tham gia.
Các hộ này được hướng dẫn kỹ thuật gieo sạ giúp giảm được từ 50 - 100kg giống/ha, giảm sử dụng phân bón và giảm 2 lần phun thuốc BVTV. Vụ hè thu 2014 đã có 4 đơn vị thu hoạch lúa, chi phí giảm từ 1 - 2 triệu đồng/ha, lợi nhuận cao hơn sản xuất đại trà từ 3 - 4 triệu đồng/ha. Riêng tại miền Bắc, ông Hồng cho biết, dự án đang triển khai tại xã điểm Thanh Tân, huyện Kiến Xương (Thái Bình) trên diện tích 10ha với hơn 70 hộ dân tham gia hưởng lợi.
Với 4 sào lúa áp dụng mô hình trên, bà Nguyễn Thị Thoa ở xóm 1, xã Thanh Tân cho biết: “Khi tham gia dự án, được cán bộ khuyến nông hướng dẫn trồng lúa theo phương thức mới, nông dân chúng tôi không chỉ tiết kiệm được chi phí đầu tư mà còn thấy lợi về sức khỏe, năng suất lúa và thu nhập tăng hơn nhiều so với trước”.
Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, để sát với thực tiễn, trong những năm qua, ngành khuyến nông đã xây dựng nhiều mô hình lựa chọn tiến bộ kỹ thuật về cây trồng, vật nuôi phù hợp với thế mạnh và chiến lược của các địa phương và điều kiện sản xuất của nông dân.
TS Phan Huy Thông cho rằng, việc thực hiện các mô hình khuyến nông đều ưu tiên gắn với các xã có phong trào xây dựng NTM, bằng chứng là trong những năm qua, các mô hình trên đã giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng nghìn lao động tại các địa phương trong cả nước.
Có thể bạn quan tâm

Đến năm 2020, bên cạnh chăn nuôi trang trại được đẩy mạnh phát triển thì chăn nuôi quy mô nhỏ vẫn tồn tại và chiếm ưu thế. Theo đó, nhiều giải pháp được đặt ra để nâng cao sức cạnh tranh như hình thành liên kết; chính sách khuyến khích phát triển trong đó có vốn, đào tạo kỹ thuật.

Gà đồi Yên Thế đã trở thành thương hiệu nổi tiếng trong cả nước. Nuôi gà đồi đã trở thành một nghề đối với nhiều hộ nông dân, góp phần tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Để từng bước nâng cao công tác quản lý, giám sát chất lượng sản phẩm. UBND huyện Yên Thế đã thực hiện nhiều giải pháp cam kết đưa đến tay người tiêu dùng sản phẩm đảm bảo chất lượng.

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, nhiều địa phương trong tỉnh Tiền Giang do điều kiện canh tác lúa khó khăn, nông dân đã mạnh dạn chuyển sang trồng sen, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tập trung nhiều nhất tại huyện Tân Phước (Tiền Giang) đã chuyển đổi gần 50 ha lúa năng suất thấp sang trồng sen.

Vào những ngày này, du khách có dịp ghé qua “vương quốc” trái cây Chợ Lách, tỉnh Bến Tre hoặc Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; Phong Điền, TP Cần Thơ; Châu Thành, tỉnh Hậu Giang; Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long… sẽ không khỏi choáng ngộp trước những vườn cây trái sum suê, ngọt lành.

Trong các chương trình, dự án phát triển chăn nuôi, nổi lên Dự án “Ngân hàng bò” do T.Ư Hội Chữ Thập đỏ (CTĐ) Việt Nam được triển khai, thực hiện từ năm 2010 trên địa bàn 6 huyện 30a.