Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Khuyến khích phát triển sâm Ngọc Linh

Khuyến khích phát triển sâm Ngọc Linh
Ngày đăng: 23/06/2015

Sâm Ngọc Linh mọc chủ yếu trên đỉnh núi Ngọc Linh thuộc xã Trà Linh huyện Nam Trà My ở độ cao 1.200 - 2.100m. Đây là loại dược liệu cực kỳ quý hiếm nên sau 5 năm trồng và chăm sóc cho lợi nhuận hơn 30 tỷ đồng/ha. Vì thế, đây là cây thoát nghèo của người dân địa phương.

Tạo nguồn sâm giống

Trạm Dược liệu Trà Linh được Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam tiếp nhận  từ năm 2014. Cùng với việc bảo vệ và ổn định vườn sâm nguyên trạng hơn 7,1ha, trạm đã thu hái được 175.000 hạt, gieo ươm hơn 5.000 cây sâm con, cải tạo và đưa vào trồng mới 1ha sâm. Đến tháng 8.2014, có hơn 167.600 cây sâm khỏe mạnh, trong đó có 63.000 cây đang cho hạt. Thực hiện đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh của UBND tỉnh, Trạm Dược liệu Trà Linh có nhiệm vụ phát triển nguồn giống cung ứng cho người dân và doanh nghiệp trồng mới. Đồng thời trạm cũng sẽ tiến hành thử nghiệm việc áp dụng một số phương pháp mới vào khâu nhân giống nhằm nâng cao chất lượng cũng như số lượng cây giống.

Hiện trên thị trường, sâm tươi có giá bán khoảng 25 - 35 triệu đồng/kg, tùy theo trọng lượng của củ sâm. Bình quân một cây sâm giống trồng chừng 5 - 7 năm là có thể thu hoạch. Ở xã Trà Linh đã có hàng chục hộ không những thoát được đói nghèo, mà còn làm giàu nhanh chóng từ việc phát triển cây sâm Ngọc Linh. Ông Hồ Văn Du - Trưởng trạm dược liệu Trà Linh cho rằng, trồng sâm bây giờ là để làm giàu chứ không phải xóa đói giảm nghèo như trước nữa. Đất đai, khí hậu ở Trà Linh rất thích hợp và hiện còn khá nhiều nên ai siêng năng trồng sâm thì sẽ giàu nhanh chóng.

UBND tỉnh Quảng Nam đang chỉ đạo Trung tâm Sâm Ngọc Linh và Dược liệu tỉnh củng cố hoạt động của Trạm Dược liệu Trà Linh nhằm xây dựng trạm này thành đầu mối cung ứng nguồn giống sâm Ngọc Linh để thu hút người dân và doanh nghiệp đầu tư phát triển cây sâm trên địa bàn.

Theo lộ trình, sắp tới diện tích vườn ươm sâm giống sẽ được mở rộng thêm hơn 2ha để đưa vào hoạt động. Ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam tự tin khẳng định trong thời gian tới, Trạm Dược liệu Trà Linh sẽ là đầu mối cung cấp sâm giống cho cả vùng Nam Trà My phát triển đề án sâm Ngọc Linh. Những phương pháp nhân giống mới như cấy mô, cắt mầm cũng như kỹ thuật chăm sóc vườn sâm giống hiện đại sẽ được áp dụng nhằm cho ra những cây sâm có khả năng sinh trưởng tốt nhất để trồng ngoài thực địa.

Mời gọi đầu tư

Giá trị kinh tế cũng như công dụng chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe của cây sâm Ngọc Linh đã được khẳng định. Trong những năm gần đây, UBND tỉnh và huyện Nam Trà My đã có những động thái tích cực nhằm phát triển diện tích trồng sâm trong nhân dân. Huyện Nam Trà My cũng tăng cường công tác phát triển nguồn giống để đáp ứng kịp thời cho người dân trồng hằng năm. Hiện nay, cùng với việc nhân giống truyền thống từ tỉa hạt, cây sâm Ngọc Linh cũng đã được nhân giống thành công từ phương pháp nuôi cấy mô trong ống nghiệm.

Qua đây đã tăng cường nguồn giống để đưa sâm vào trồng thực địa. Tháng 7 năm 2014, UBND tỉnh Quảng Nam đã có Quyết định số 2117/QĐ-UB phê duyệt đề cương và dự toán quy hoạch bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My giai đoạn 2014 - 2020 với diện tích 19.000ha tại 7 xã. Huyện Nam Trà My cũng đã đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương để huyện đo đạc, khoanh vùng diện tích 10.000ha đất trồng sâm; hỗ trợ các thủ tục, cơ chế, chính sách ưu đãi các doanh nghiệp vào đầu tư trồng, bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh.  

Trong chuyến kiểm tra thực tế vùng sâm Ngọc Linh vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh nhấn mạnh: “Tỉnh đã có rất nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đầu tư phát triển, nuôi trồng cây sâm Ngọc Linh nhằm làm cho sản phẩm từ sâm đa dạng phong phú hơn, thương hiệu cây sâm của Quảng Nam vươn xa. Cạnh đó, tỉnh cũng kỳ vọng các nhà đầu tư sẽ giới thiệu cây sâm Ngọc Linh cực kỳ quý hiếm đến với mọi người dân Việt Nam và trên thế giới, từ đó tin dùng để nâng cao sức khỏe.

Theo thông tin do người dân cung cấp, tại 7/10 xã của huyện Nam Trà My trước đây đều có sâm Ngọc Linh tự nhiên mọc nhiều. Tuy nhiên, do khai thác một cách tận diệt nên hiện chỉ có xã Trà Linh là còn sâm. Vì vậy, khi các doanh nghiệp tham gia đầu tư, địa phương sẽ tạo cơ chế thoáng, bố trí những vùng đất có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp nhất với cây sâm để phát triển. Cùng với đó, lực lượng lao động nhàn rỗi ở Nam Trà My cũng rất nhiều nên sẽ đáp ứng nguồn nhân công cho các doanh nghiệp trong việc chăm sóc, bảo vệ các vườn sâm.

Tỉnh Quảng Nam cũng khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng cơ sở chế biến, chiết xuất dược chất sâm Ngọc Linh thành các sản phẩm bổ dưỡng cho sức khỏe con người như thuốc, nước tăng lực, thực phẩm chức năng… Với những cơ chế thông thoáng, tỉnh Quảng Nam đang tập trung mời gọi các nhà đầu tư tham gia phát triển, khai thác lợi ích cây sâm Ngọc Linh một cách công nghiệp, bền vững.


Có thể bạn quan tâm

Giá dâu tây hạ nhiệt Giá dâu tây hạ nhiệt

Sau một thời gian dài tăng mạnh, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán 2015 vừa qua, giá dâu tây tại vườn trên địa bàn Đà Lạt đã giảm mạnh.

17/04/2015
Đầu tư 60 tỷ đồng trồng đậu và dâu tây xuất khẩu Đầu tư 60 tỷ đồng trồng đậu và dâu tây xuất khẩu

Dự án thực hiện trên diện tích gần 100 ha đất chủ yếu đầu tư sản xuất các loại đậu và dâu tây chất lượng cao. Sáng nay (3/4), tại xã Đắc Long, UBND huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum và Công ty TNHH Kon Tum Bellest khởi công Dự án nông trại hữu cơ.

17/04/2015
Hội làm vườn xã Tịnh Thới nỗ lực xây dựng vùng chuyên canh xoài an toàn Hội làm vườn xã Tịnh Thới nỗ lực xây dựng vùng chuyên canh xoài an toàn

Là một trong những tổ chức đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng, giúp người nông dân thay đổi nhận thức, tư duy trong sản xuất nông nghiệp; tiếp cận với những cách làm hay, mô hình mới, thời gian qua, Hội Làm vườn xã Tịnh Thới (TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) có nhiều hoạt động giúp hội viên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn.

17/04/2015
Hải Dương phát triển khoảng 1.500 ha vải VietGAP Hải Dương phát triển khoảng 1.500 ha vải VietGAP

Trồng vải theo tiêu chuẩn VietGap trong 3 năm tại tỉnh Hải Dương năng suất tăng từ 20% - 30%. Vụ vải năm 2015, tỉnh Hải Dương phấn đấu sản xuất khoảng 1.500 ha vải theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó, diện tích được giám sát, cấp giấy chứng nhận là khoảng 150 ha.

17/04/2015
Quýt Mường Khương tìm đường đến thương hiệu Quýt Mường Khương tìm đường đến thương hiệu

“Khách đến Mường Khương (Lào Cai) là tìm mua quýt về làm quà. Quýt Mường Khương ngon, ngọt, được người tiêu dùng ưa chuộng. Vấn đề phát triển đã được xác định, tuy nhiên, quan tâm lớn nhất của huyện giờ đây là xây dựng thương hiệu” - ông Phạm Xuân Thịnh, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương chia sẻ.

17/04/2015