Khuyến Khích Nông Dân Cải Tạo Vườn Cà Phê Bằng Phương Pháp Ghép Chồi

Theo thống kê, trên địa bàn xã Đắk Wil (Chư Jút - Đắk Nông) hiện có hơn 750 ha cà phê, trong đó, phần lớn các vườn cà phê đã trồng khá lâu năm. Để thay thế cho diện tích cà phê này, những năm gần đây, người dân đã thực hiện “trẻ hóa” vườn cây bằng cách áp dụng kỹ thuật ghép chồi.
Phương pháp này không những giúp người trồng cà phê tiết kiệm được chi phí đầu tư, mà còn rút ngắn được thời gian chăm sóc, sớm cho thu hoạch với năng suất cao, chất lượng quả tốt.
Vụ cà phê vừa qua, với gần 2 ha, gia đình anh Giang Văn Luận, ở thôn Thái Học đã thu về hơn 8 tấn nhân. Theo anh Luận thì cách đây hơn 3 năm, do trồng bằng giống cũ, mặc dù đã bỏ công đầu tư, chăm sóc nhiều, nhưng vườn cà phê cho năng suất ngày một giảm.
Năm 2009, sau khi tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật ghép chồi cà phê bằng giống TR5, gia đình anh đã mạnh dạn cưa ghép, cải tạo hết toàn bộ diện tích, nhận thấy mầm cây sinh trưởng, phát triển ổn định trên gốc cà phê cũ. Đến nay, năng suất đạt cao và vượt trội hơn vườn cà phê cũ gần 1,5 tấn/ha.
Anh Luận chia sẻ: “So với giống cũ, cây cà phê ghép có rất nhiều ưu điểm như cây phát triển nhanh, cành khỏe mạnh, vươn dài, ít sâu bệnh, rút ngắn được thời gian cho thu hoạch. Đặc biệt, đối với phương pháp ghép chồi, nông dân có thể thuận tiện thực hiện trên chính vườn cà phê của mình, không tốn kém chi phí đầu tư gì nhiều”.
Theo UBND xã Đắk Wil thì hiện nay, người dân chủ yếu lựa chọn những giống cà phê ghép có năng suất, chất lượng cao như TR4, TR5, TR6… để “trẻ hóa” vườn cà phê. Thực tế cho thấy, việc cải tạo vườn cà phê bằng cách ghép chồi không chỉ mang lại nguồn thu nhập cao mà còn là hướng phát triển kinh tế bền vững nên được người dân rất quan tâm.
Về phía địa phương đã tích cực tuyên tuyền, vận động bà con chặt bỏ những diện tích cà phê đã già cỗi để ghép những giống cà phê mới. Cùng với đó, việc phối hợp với các phòng chức năng của huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật, phương pháp ghép chồi theo phương thức “cầm tay chỉ việc” cũng luôn được địa phương chú trọng.
Đối với những thắc mắc trong quá trình ghép chồi, cũng như chăm sóc đều được cán bộ khuyến nông giải đáp, hướng dẫn tận tình, nhằm giúp bà con nắm vững kiến thức để áp dụng vào sản xuất một cách hiệu quả.
Có thể nói, trong bối cảnh hiện nay, việc cải tạo, tái canh vườn cà phê bằng phương pháp ghép chồi thật sự phù hợp với khả năng, trình độ sản xuất cũng như vốn liếng của nhiều nông dân trên địa bàn xã. Nông dân cũng không đòi hỏi gì về việc Nhà nước phải hỗ trợ giống, kinh phí mà chỉ cần có cán bộ khuyến nông hướng dẫn, tư vấn đầy đủ, rõ ràng về kỹ thuật là có thể tự làm, nhưng vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Có thể bạn quan tâm

Với 4 nguyên tắc cơ bản và xuyên suốt là trồng cây khỏe, bảo vệ thiên địch, thăm đồng thường xuyên, nông dân trở thành chuyên gia, chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng (IPM) do Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh triển khai đã góp phần tích cực trong việc giúp nông dân bảo vệ môi trường sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa tại địa phương.

13 năm trước, vào thời điểm đầu năm 2002, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai mô hình trồng giống cam Vinh, cam Canh và bưởi Diễn tại cánh đồng bản Hồng Lếch Cang, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên. 3 năm sau, những quả ngọt đầu tiên đến với người nông dân Hồng Lếch Cang. Cam, bưởi sai trĩu cành, khách hàng, thương lái tấp nập kéo đến mua. Nguồn lợi từ bán cam, bưởi mang lại niềm hi vọng lớn cho người dân nơi đây.

Ngoài ra, số diện tích lúa đã thu hoạch đạt trên 23 ngàn ha, năng suất 6,81 tấn/ha (thấp hơn 0,16 tấn/ha so với vụ trước). Số diện tích lúa đông xuân gieo sạ sớm hiện nay đang trổ chín và sẽ thu hoạch trước Tết Nguyên đán 2015 chiếm 50%, còn lại là phần lớn diện tích nông dân xuống giống đồng loạt lúa đang trong giai đoạn làm đòng sẽ thu hoạch đông ken, tập trung thời điểm tháng 2-3 dương lịch.

Những năm gần đây, người dân xã Phú Hựu, huyện Châu Thành đã mạnh dạn chuyển đổi những mảnh vườn tạp không hiệu quả sang trồng các loại cây ngắn ngày mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó chuối cau được xem là một loại cây cho thu nhập khá ổn định. Theo ước tính, mỗi năm 1ha đất trồng chuối cau có thể cho thu nhập trên dưới 100 triệu đồng.

Gần một tháng nay giá quýt đường và cam soàn tăng mạnh. Cách đây khoảng 3 tháng giá quýt đường loại I có giá từ 16 ngàn - 18 ngàn đồng/kg, cam soàn cũng ổn định ở mức 25 ngàn - 30 ngàn đồng/kg, thì hiện nay quýt đường loại I giá từ 28 ngàn - 30 ngàn đồng/kg, cam soàn loại I ở mức giá cao ngất ngưỡng 45 ngàn - 50 ngàn đồng/kg.