Không Thiếu Gạo Xuất Khẩu

Thị trường lúa gạo ĐBSCL đang nóng lên trước tin Việt Nam ký hợp đồng xuất 200.000 tấn gạo sang thị trường Philippines và tiếp theo là Indonesia.
Một số thương nhân thu mua lúa gạo trong vùng lo ngại nguồn cung có thể thiếu hụt...
Lúa hút hàng
Trong những ngày gần đây, ở các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang hay TP Cần Thơ, nông dân gấp rút thu hoạch lúa thu đông trước khi mực nước sông dâng lên tràn đồng.
Ở một số vùng đầu nguồn sông Cửu Long như An Giang, Đồng Tháp lúa thu đông gieo sạ muộn nằm trong đê bao khép kín vẫn còn xanh. Nhiều nông dân cho biết năm nay lúa thu đông chín sớm tiêu thụ “trôi chảy” và bán được giá.
Chính nhờ thị trường xuất gạo thông “đầu ra” nên những ngày qua các kho của DN đều mở cửa thu mua gạo suốt ngày. Từ đó thôi thúc các ghe thương lái chạy về đồng xa tìm mua lúa.
Ông Võ Thanh Xuân, thương lái ở huyện Châu Thành (Đồng Tháp) vừa có chuyến đi mua lúa tới huyện Tháp Mười trở về, cho biết nông dân thu hoạch bao nhiêu có thương lái tới mua hết bấy nhiêu. Thậm chí trên một cánh đồng, nông dân thấy ghe mua lúa đổ về nhiều quá, có người đòi tăng giá bán thêm 5- 20 đ/kg.
Vụ thu đông năm nay ở Cần Thơ, Vĩnh Long trồng giống lúa IR50404 khá nhiều. Nếu cần mua lúa hạt dài chất lượng cao thương lái Cần Thơ phải chạy ghe qua đồng Giồng Riềng (Kiên Giang).
Ông Lê Văn Liệt, thương lái mua lúa ở Cần Thơ cho biết: Giá lúa tươi bán tại ruộng 5.400-5.700 đ/kg. Thu mua xong sấy khô: Loại lúa thường 5.650-5.750 đ/kg, nhưng lúa hạt dài giá cao hơn 250-350 đ/kg, tính ra có lời trên mức 35%.
Không thiếu lúa
Hiện nay tuy giá lúa tăng nhẹ, nhưng dân thương lái “chạy hàng” gạo chợ và chủ các nhà máy tập trung quanh khu vực chợ gạo Thốt Nốt (Cần Thơ) vẫn khẳng định đảm đủ nguồn cung.
Trong những năm gần đây, nước ta XK 7-8 triệu tấn gạo/năm (kể cả tiểu ngạch) nhưng qua cân đối cung cầu lúa, gạo trong nước vẫn ổn định ở ngưỡng an toàn. Từ đầu năm đến nay, chưa kể số lượng gạo xuất tiểu ngạch, nước ta XK theo hợp đồng đạt khoảng 4,6 triệu tấn và cộng thêm số lượng gạo XK vừa ký vài trăm ngàn tấn, và ĐBSCL không lo thiếu lúa gạo.
Ông Trần Thanh Vân, Phó Giám đốc Cty Gentraco (Cần Thơ) phân tích: Theo hợp đồng vừa mới ký XK 200.000 tấn gạo sang Philippines thời hạn giao hàng bắt đầu từ 15/10 đến 15/12 sẽ không quá thúc bách các DN phải thu mua dồn dập. Sau khi vùng lúa ven biển ở Sóc Trăng, Bạc Liêu vừa thu hoạch xong lúa hè thu muộn, hiện vùng ven sông Hậu lúa thu đông đã vào mùa gặt.
Nếu tính lượng lúa hàng hóa thu đông và lượng gạo tồn kho hiện thời của các DN chẳng những không thiếu mà nguồn cung còn dồi dào. Hơn nữa tình hình gần đây thương lái thu mua gạo xuất tiểu ngạch đang tạm dừng lại. Vì vậy lúa gạo dao động tăng giá theo tin XK gạo trong mấy ngày qua đang dần trở lại mức bình thường. Tại kho Gentraco đang thu mua bình quân 150-200 tấn/ngày.
Ở huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ), nông dân thu hoạch lúa thu đông vừa xong. Ông Hồ Minh Khải, Giám đốc Cty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ cho hay, Công ty dự trù lượng gạo XK 6.000 tấn trong thời gian tới. Hiện trong kho đã có gạo trữ, chỉ cần thu mua thêm vài ngàn tấn là đủ.
Mặt khác, theo nguồn tin mới đây, cùng với lượng gạo sẽ xuất sang Philippines, Tổng Cty lương thực miền Nam (Vinafood II) vừa ký hợp đồng XK 200.000 tấn gạo sang Indonesia. Nhưng theo dõi giá lúa trong mấy ngày qua chỉ tăng nhẹ, chưa có dấu hiệu bất thường, chứng tỏ nguồn cung không thiếu.
TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL nhận định: Theo kế hoạch sản xuất vụ lúa thu đông 2014 ở ĐBSCL có hơn 800.000 ha, nếu đạt năng suất bình quân 5 tấn/ha, khả năng thu trên 3 triệu tấn lúa và có hơn 1 triệu tấn gạo hàng hóa. Vùng ĐBSCL đã định hình vùng sản xuất lúa 3 vụ khá ổn định.
Tuỳ theo các tiểu vùng sinh thái, các vụ lúa nối tiếp đứng chân trên đồng. Lúa hè thu muộn ven biển vừa thu hoạch xong, lúa thu đông ở vùng phù sa ngọt lại vào mùa thu hoạch, kéo dài đến cuối tháng 10.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 21-5, tại TP Cần Thơ, Viện Phát triển kinh tế hợp tác tổ chức hội thảo “Nghiên cứu phát triển mô hình Hợp tác xã (HTX) thủy sản trong xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL”.

Dưới cái nắng xối xả hắt vào mặt, những người kéo lưới, bốc vác, cân cá cạnh ao nuôi cá tràu của nhà anh Huỳnh Văn Lượng ở xóm 7, thôn Hòa Tân, xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ (Bình Định) vẫn cười nói vui vẻ vì vụ cá này của nhà anh được mùa được giá.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, 6 tháng đầu năm 2012 sản lượng cá tra, ba sa nuôi lồng, bè trên địa bàn thu hoạch giảm chỉ bằng 89% so cùng kỳ. Tình trạng thiếu cá nguyên liệu dự báo sẽ tiếp tục kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các nhà máy chế biến thủy sản trong thời gian tới.

Huyện Cam Lộ được ví là “thủ phủ bắp” của tỉnh Quảng Trị, với diện tích vụ ĐX 2011-2012 lên đến hàng ngàn ha. Nhưng bà con nông dân ở nhiều xã đang dở khóc, dở cười vì đã đến mùa thu hoạch nhưng giá bắp lại rẻ bèo và bán không ai mua.

Thời điểm này đang vào chính vụ thu hoạch lúa đông xuân nhưng rất nhiều bà con nông dân ở huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) không mặn mà ra đồng thu hoạch vì lúa cháy khô, teo tóp thiệt hại sau đợt nắng nóng kéo dài.