Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Không Thể Áp Dụng Tiêu Chuẩn Nước Thải Loại A

Không Thể Áp Dụng Tiêu Chuẩn Nước Thải Loại A
Ngày đăng: 22/10/2014

Việc quy định nước thải chăn nuôi bắt buộc phải đạt loại A không chỉ vấp phải sự phản đối của các doanh nghiệp mà còn từ phía các nhà quản lý, nhà khoa học.

Bởi thực tế ở một số tỉnh Nam bộ cho thấy quy định này đang góp phần kìm hãm sự phát triển của chăn nuôi trang trại quy mô lớn.

Kìm hãm chăn nuôi lớn

Trong nhiều yếu tố đang kìm hãm sự phát triển của chăn nuôi quy mô lớn ở nước ta, có phần đóng góp không nhỏ của tiêu chí nước thải ở các trại chăn nuôi mà Bình Phước là một ví dụ.

Trước đây, chăn nuôi ở Bình Phước chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ so với trồng trọt, dù tốc độ phát triển vẫn đạt trên 10%/năm.

Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, các loại cây trồng chủ lực ở Bình Phước như cao su, điều… bắt đầu chững lại về diện tích, thì chăn nuôi đã được chú trọng để phát triển mạnh hơn. Mặt khác, do các tỉnh trong khu vực ĐNB như Đồng Nai, Bình Dương… gần như không còn quỹ đất để phát triển chăn nuôi, nên Bình Phước trở thành địa chỉ mà nhiều doanh nghiệp, cá nhân tìm đến đầu tư chăn nuôi heo, gia cầm…

Thế nhưng, dù tỉnh đã có nhiều chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi trang trại quy mô lớn, hầu hết các trang trại nuôi heo ở Bình Phước lại chỉ đầu tư quy mô đến 1.000 con là thôi, kể cả hiện nay khi giá heo đang tốt. Vì sao vậy?

Ông Phạm Văn Đon, PGĐ Sở NN-PTNT Bình Phước, lý giải, nông dân làm trại heo quy mô 1.000 con trở lại thì chỉ cần làm trại hở, xây hầm biogas để xử lý chất thải… là có thể nuôi bình thường. Còn nếu mở rộng quy mô, tăng đàn heo trong trang trại lên trên 1.000 con, bắt buộc các chủ trang trại phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn loại A, rất tốn kém.

Mỗi một hệ thống như thế, phải chi ra chừng 5 tỷ đồng. Chính vì thế, nhiều chủ trang trại ở Bình Phước chỉ nuôi đến 1.000 con heo là không dám nuôi thêm dù họ có khả năng đầu tư tăng đàn, mở rộng quy mô sản xuất.

Ông Đon cho rằng, ô nhiễm trong chăn nuôi là ô nhiễm hữu cơ, không phải vô cơ. Vậy mà ngành TN-MT lại đánh đồng nông nghiệp với công nghiệp khi bắt buộc các trang trại chăn nuôi phải xử lý nước thải đạt loại A là không hợp lý.

Theo ông Đon, với mỗi một trang trại chăn nuôi, chỉ cần những yêu cầu sau: phải nằm cách khu dân cư từ 1,5 km trở lên; làm bể lắng 3 cấp để xử lý chất thải; không được xả thải trực tiếp xuống sông, suối; không làm ảnh hưởng tới khu vực dân cư… là được.

Tốn kém và không cần thiết

Ông Chamnan Wangakkarangkul, Phó TGĐ Cty CP C.P Việt Nam, cho biết, ở Thái Lan, trong quy định về tiêu chuẩn nước thải sau xử lý ở các trại chăn nuôi có những chỉ tiêu cao nhất như sau: pH 5,5-9, BOD 60 mg/l, COD 300 mg/l, TKN 120 mg/l, TSS 120 mg/l…

Nếu so với tiêu chuẩn nước thải công nghiệp (đang được áp dụng cho cả các trang trại chăn nuôi của Việt Nam) mà Bộ TN-MT công bố, thì các chỉ tiêu cao nhất của Thái Lan chỉ bằng từ loại B của Việt Nam trở xuống.

Chẳng hạn, với độ pH, loại B của Việt Nam là 5,5-9 (bằng yêu cầu cao nhất của Thái Lan). Cũng ở tiêu chuẩn nước thải loại B của Việt Nam, nồng độ BOD là 50 mg/l (cao hơn Thái Lan)…

Riêng chỉ tiêu COD, yêu cầu cao nhất của Thái Lan là không quá 300 mg/l, trong khi của Việt Nam loại A là 50 mg/l, loại B 80 mg/l, loại C là 400 mg/l. Như vậy, chỉ tiêu về COD ở mức cao nhất của Thái Lan chỉ cao hơn so với loại C và thấp hơn nhiều so với loại A, loại B của Việt Nam.

TS Kiều Minh Lực (Cty CP C.P Việt Nam) cho hay, trong những lần đi tham quan ngành chăn nuôi heo ở các nước châu Âu, ông đều thấy mỗi trang trại ở đó phải có một diện tích trồng trọt nhất định, đảm bảo sao cho cây trồng trên đó có thể tận dụng hết nguồn chất thải của đàn heo trong trang trại.

Cũng theo TS Kiều Minh Lực, với điều kiện ở Việt Nam, yêu cầu mỗi trang trại phải có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn loại A là bất hợp lý. Trước hết, nếu phải đầu tư hệ thống này, chắc chắn giá thành chăn nuôi heo sẽ bị đội lên cao. Và như thế, ngành chăn nuôi heo trong nước sẽ càng khó khăn để cạnh tranh với thịt heo nhập khẩu.

Mặt khác, hiện nay, chất thải trong chăn nuôi heo đều đang được tận dụng để bón cho các loại cây trồng. Không chỉ những trang trại chăn nuôi kết hợp trồng trọt mới có nhu cầu này mà cả những trang trại trồng trọt thuần túy, cũng thích dùng chất thải chăn nuôi để bón cho các loại cây trồng.

Chẳng hạn, tại Bảo Lộc, Đơn Dương… của tỉnh Lâm Đồng, người trồng trọt đang tìm tới các trang trại chăn nuôi heo gia công cho Cty C.P để mua phân, nước thải về bón.

Nhu cầu ở những nơi này cao tới mức các trang trại chăn nuôi không có đủ để bán, nhất là với nước thải. Chính nhờ bán được phân, nước thải mà các trang trại nuôi heo đã giảm được chi phí chăn nuôi. Nhưng nếu nước thải phải xử lý đạt loại A, loại B, khiến cho trong nước thải chẳng còn chất dinh dưỡng gì nữa, thì chắc chắn người trồng trọt sẽ chẳng thể mua nước thải về tưới cây.

Khi ấy, cả người chăn nuôi lẫn người trồng trọt đều thiệt hại. Người chăn nuôi mất đi khoản thu không nhỏ từ bán chất thải. Người trồng trọt buộc phải tăng sử dụng phân bón vô cơ thay vì dùng chất thải chăn nuôi vừa rẻ vừa tốt hơn cho cây trồng.

TS Lực khẳng định, với tiêu chuẩn nước thải chăn nuôi phải đạt loại A, chắc chắn không trang trại chăn nuôi nào có thể làm được. Bởi vậy, giải pháp hợp lý cho ngành chăn nuôi là yêu cầu các trang trại đưa toàn bộ chất thải vào phục vụ trồng trọt, sinh hoạt (cho nước thải vào các hầm biogas để làm khí ga). Trong đó, nên có quy định phải có biện pháp diệt khuẩn trong phân chuồng để khi bón phân cho cây trồng không làm ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng.

Riêng về Cty CP C.P Việt Nam, để đảm bảo môi trường, trong hệ thống các trang trại nuôi gia công, Cty đều yêu cầu các chủ trang trại phải tổ chức thu gom, xử lý chất thải khô và nước. Theo đó, với chất thải khô (phân), Cty tổ chức cho các trang trại tiến hành thu gom phân, phơi khô rồi đóng bao, bán cho người trồng trọt. Với chất thải nước, mỗi trang trại đều được yêu cầu phải có hầm biogas để xử lý thành khí gas phục vụ sinh hoạt.


Có thể bạn quan tâm

Phòng bệnh cho gia súc trong mùa mưa Phòng bệnh cho gia súc trong mùa mưa

Trong mùa mưa, nền nhiệt độ thấp, biên độ nhiệt ngày đêm cao, ẩm độ cao, ánh sáng ngày ngắn, chất lượng thức ăn thô xanh giảm; các loại vi khuẩn, vi-rút, ký sinh trùng, nấm bệnh phát sinh phát triển, nên gia súc cũng dễ mắc bệnh.

22/09/2015
Hình thành 40 nhóm GAHP trong tỉnh Lâm Đồng Hình thành 40 nhóm GAHP trong tỉnh Lâm Đồng

Ngày 18/9, Ban Quản lý Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm Lâm Đồng (LIFSAP) tổ chức hội nghị đánh giá việc áp dụng GAHP (thực hành chăn nuôi tốt) giai đoạn 2010 - 2015.

22/09/2015
 Làm giàu nhờ mô hình chăn nuôi kết hợp Làm giàu nhờ mô hình chăn nuôi kết hợp Làm giàu nhờ mô hình chăn nuôi kết hợp Làm giàu nhờ mô hình chăn nuôi kết hợp

Thời gian qua, cùng với mô hình phát triển vườn cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhà vườn, nông dân xã Hậu Thành, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang còn mạnh dạn chuyển đổi vật nuôi mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình.

22/09/2015
Giống cây tiêu đắt hàng Giống cây tiêu đắt hàng

Những năm gần đây, giá hạt tiêu liên tục tăng làm cho người dân đổ xô cắt cao su, điều để trồng hồ tiêu. Chính vì vậy giá cây tiêu giống cũng cao ngất ngưởng và rất hút hàng.

22/09/2015
Thạch đen mất giá gây thiệt hại nhiều tỷ đồng Thạch đen mất giá gây thiệt hại nhiều tỷ đồng

Người dân huyện Thạch An (Cao Bằng) gặp khó vì thạch đen mất mùa, mất giá.

22/09/2015