Không Nên Quay Lưng Với Gia Cầm Sạch

Dịch cúm gia cầm xảy ra ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước làm người tiêu dùng e ngại sử dụng các sản phẩm gia cầm, khiến mặt hàng này bị giảm sức mua và rớt giá. Mặc dù Đà Nẵng chưa xuất hiện dịch nhưng những tiểu thương buôn bán mặt hàng này ở các chợ cũng đang thấp thỏm lo lắng khi sức tiêu thụ mỗi ngày giảm mạnh.
Sức mua sụt giảm
Khảo sát tình hình kinh doanh sản phẩm gia cầm tại các chợ ở Đà Nẵng cho thấy, sức mua mặt hàng này đang sụt giảm so với những ngày trước khi có dịch. Tại các chợ Hòa Khánh, chợ đầu mối Hòa Cường, chợ Mới, Bắc Mỹ An…, các sạp hàng kinh doanh thịt, trứng gia cầm thưa vắng khách.
Chị Lê Thị Thúy, chuyên bán gà, vịt sống ở chợ Hòa Khánh, cho biết: “Trước đây, mỗi ngày tôi bán không dưới 10 con gà. Nhưng kể từ khi dịch cúm gia cầm xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, có khi cả buổi sáng cũng chỉ bán được 1-2 con”.
Đồng cảnh ngộ với chị Thúy, nhiều tiểu thương kinh doanh gia cầm ở các chợ khác cũng “rầu thúi ruột” vì ít khách đến mua hàng dù gia cầm đã qua kiểm dịch. Chị Lê Thị Ngọc Lan (cửa hàng gia cầm Liên Thảo tại chợ đầu mối Hòa Cường) cho hay: “Thời gian trước, cửa hàng tiêu thụ từ 15-17 con gà/ngày, nhưng mấy bữa nay chỉ bán được 3-4 con”. Cũng theo chị Lan, sức mua đối với sản phẩm gia cầm đã giảm khoảng 70% vì người dân lo ngại dịch nên không ăn, chứ sản phẩm gia cầm trên thị trường hiện nay rất dồi dào.
Hiện tại, giá thịt gia cầm cũng giảm khá nhiều so với thời điểm chưa xuất hiện dịch tại Việt Nam. Theo đó, giá thịt gà ta giảm khoảng 20.000 đồng/kg (còn 130.000 đồng/kg), và giảm mạnh nhất là gà siêu trứng - 30.000 đồng/kg (còn 70.000 đồng/kg).
Do lo ngại trước tình trạng dịch cúm gia cầm đang bùng phát ở các tỉnh, thành khác ngoài Đà Nẵng, nhiều người dân đi chợ cho biết, họ chuyển qua ăn thịt heo, thịt bò thay vì gà. Vì thế, tại chợ Mới, các sản phẩm gia cầm cũng rơi vào tình trạng ế ẩm tương tự.
Chị Nguyễn Thị Huy (quê huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, bán gà ở chợ Mới hơn chục năm nay), cho biết: “Mặc dù hai huyện Quế Sơn và Thăng Bình đã được báo, đài thông tin là không có dịch nhưng người dân vẫn lo sợ. Mấy hôm nay, chúng tôi bán cho khách quen là chính. Họ ăn gà mình quen rồi nên yên tâm chứ khách lạ thì ít ghé lắm”.
Không nên “né” gia cầm sạch
Theo Chi cục Thú y Đà Nẵng, mặc dù trên địa bàn thành phố có tổng đàn gia cầm không lớn, nhưng lại là địa bàn có quốc lộ đi qua nên nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm rất cao. Do đó, để phòng chống dịch cúm gia cầm hiệu quả, Đà Nẵng đã nhanh chóng triển khai kế hoạch ứng phó và tăng cường công tác kiểm soát, tiêm phòng vaccine ở những hộ tái đàn chưa tiêm phòng.
Ghi nhận tại Trạm kiểm dịch động vật Hòa Phước vào chiều 27-2 cho thấy, tất cả các xe chở động vật qua địa phận Đà Nẵng đều phải dừng lại để cán bộ của Trạm kiểm tra giấy tờ cũng như phun thuốc khử trùng.
Ông Cao Xuân Thái, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đà Nẵng, khẳng định: “Chúng tôi quyết tâm không để gia cầm sống nhiễm dịch “tuồn” vào thành phố nên bất cứ xe chở động vật nào đi qua địa bàn Đà Nẵng đều được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ. Những trường hợp nào cố tình vi phạm sẽ lập biên bản xử lý ngay.
Trong đợt ra quân vừa qua, lực lượng liên ngành của thành phố cũng đã xử phạt 4 trường hợp vận chuyển gia cầm không có giấy chứng nhận kiểm dịch, hoặc có giấy chứng nhận kiểm dịch nhưng không hợp lệ; bán sản phẩm gia cầm không có dấu kiểm soát giết mổ của cơ quan Thú y”.
Về phía Sở Công thương, ông Lữ Bằng, Phó Giám đốc Sở kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT), khẳng định: Sau khi UBND thành phố chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm, Sở đã chỉ đạo Chi cục QLTT phối hợp chặt chẽ với Chi cục Thú y Đà Nẵng tăng cường công tác kiểm tra việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm sống trên địa bàn. Từ ngày 23-2 đến nay, các lực lượng đã kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán cũng như giết mổ gia cầm sống tại các chợ, nhà hàng, quán ăn trên địa bàn.
Cũng theo ông Bằng, đến thời điểm này, thông tin dịch cúm gia cầm đã tác động tiêu cực đến giá bán và sức tiêu thụ về sản phẩm gà, vịt, trứng được bày bán tại các chợ trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, người tiêu dùng không nên “né” thịt, trứng gia cầm sạch, có thương hiệu.
Điều này vô tình làm dư thừa nguồn cung, đồng thời làm cho các mặt hàng thực phẩm khác lợi dụng để tăng giá. Các địa phương, các ban quản lý các chợ cần đẩy mạnh việc tuyên truyền và định hướng cho người tiêu dùng để mọi người bình tĩnh, không tẩy chay các sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng.
Có thể bạn quan tâm

Năm 2014, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp cùng FITES đã triển khai dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm chân trắng theo VietGAP” tại huyện Diễn Châu và huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An với nguồn kinh phí hỗ trợ từ dự án Khuyến nông trung ương năm 2014.

Hiện chưa có con số thống kê chính xác những thiệt hại do nghêu chết gây ra. Nhưng chắc chắn một điều rằng đó sẽ là những con số không nhỏ. Bởi theo thống kê sơ bộ của UBND xã Tân Thành (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang), vụ nghêu năm nay người dân thả nuôi khoảng 1.500 ha, đến ngày 9 - 4 đã có 220 sân nghêu của 170 hộ dân bị chết, với tỷ lệ thiệt hại bình quân 50%, cá biệt có sân nghêu bị chết đến 90%, tổng sản lượng thiệt hại dự kiến lên đến 13.000 tấn.

Ngành thủy sản Việt Nam đang có những bước phát triển mạnh và toàn diện, sản lượng nuôi trồng thủy sản (NTTS) và giá trị sản xuất hằng năm đều tăng trưởng.

Các hộ nuôi cá lóc trên địa bàn xã Hòa Lạc (Phú Tân - An Giang) đang lo lắng trước tình trạng cá bệnh trắng mình và xuất huyết. Cụ thể, đuôi cá xuất hiện vết trắng rồi lan dần về phía đầu làm cho cá mất nhớt, bong da… dẫn đến chết hàng loạt.

Chuyện nuôi cá trên sông Hồng bao đời nay chưa ai dám nghĩ, bởi không ô nhiễm nhưng dòng nước lại quá mênh mông.