Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Không Để Dịch Tai Xanh Lây Lan Rộng

Không Để Dịch Tai Xanh Lây Lan Rộng
Ngày đăng: 18/04/2013

Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), trong 2 tuần qua, dịch tai xanh đã xuất hiện tại 6 tỉnh Bắc Ninh, Nam Định, Thái Bình, Nghệ An và Hà Tĩnh.

Trong đó, đáng quan tâm nhất là Bắc Ninh, tỉnh giáp ranh với Hà Nội, nên nguy cơ lây lan dịch vào Thủ đô là rất lớn. Tuy nhiên, trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về khả năng dịch tai xanh lây sang thị trường tiêu thụ thịt lợn lớn nhất nước, Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông cho biết, dịch ở Bắc Ninh đã được kiểm soát tốt, không để lợn và các sản phẩm từ lợn di chuyển ra khỏi vùng dịch.

Ngày 10/4, dịch đã bùng phát tại 27 hộ chăn nuôi lợn ở thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh với 215 con lợn mắc bệnh. Chi cục Thú y Bắc Ninh đã thực hiện các biện pháp phòng chống dịch và tiêu hủy toàn bộ 215 lợn bệnh. Ngày 12/4, Bắc Ninh công bố dịch tại địa bàn trên.

Ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y nhận định, nguy cơ dịch bùng phát trong thời gian tới là rất cao. Các tỉnh có dịch cần công bố địa bàn có ổ dịch, thống kê đàn lợn để khẩn trương bao vây ổ dịch. Bên cạnh đó lập chốt kiểm dịch để không vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn ra ngoài vùng dịch.

Cục Thú y cũng yêu cầu các địa phương chưa có dịch cần chủ động tăng cường giám sát chặt địa bàn, nhất là các vùng giáp ranh vùng dịch, đề phòng dịch tái phát. Tiêm vaccine phòng bệnh và tiêm phòng bổ sung tại những khu vực có nguy cơ cao. Đặc biệt, các địa phương cần công khai chính sách hỗ trợ người chăn nuôi khi có dịch xảy ra.

Tại Nghệ An, dịch bệnh phát sinh từ ngày 6/3 tại xóm Trung Lai, xã Phú Thành và sau đó nhanh chóng lây sang các hộ trong xã. Tính đến ngày 16/4, toàn tỉnh đã xuất hiện 26 ổ dịch tại 5 huyện với 26 xã, tổng số lợn ốm, chết đã tiêu hủy là 1.585 con.

Ông Đặng Văn Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Nghệ An cho biết, Chi cục Thú y đã cấp 71.440 liều vaccine tai xanh để tiêm bao vây ổ dịch và vùng dịch uy hiếp; cấp 3.688 lít hóa chất phun khử trùng.

Ông Minh cũng cho biết, tình hình dịch bệnh đang có dấu hiệu chững lại, hiện có 9/26 xã đã qua 21 ngày không có lợn mắc dịch, 17 ổ dịch đã qua từ 11 đến 18 ngày không có thêm lợn mắc bệnh.

Nghệ An có tổng đàn lợn gần 1,1 triệu con. Nhưng hình thức chăn nuôi chủ yếu nhỏ lẻ nên ý thức phòng bệnh chưa cao.

Mặc dù dịch cơ bản được khống chế nhưng ông Minh cũng khuyến cáo, trong điều kiện thời tiết có độ ẩm cao, tỷ lệ lợn được tiêm phòng vaccine tai xanh còn thấp nên dịch tai xanh vẫn có nguy cơ cao. Người chăn nuôi và cán bộ thú y không được phép chủ quan.

Còn tại Hà Tĩnh, dịch lợn tai xanh bùng phát cùng với sự quay trở lại của dịch lở mồm long móng ở trâu bò. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có gần 2.000 con lợn mắc bệnh ở 14 xã, tiêu hủy 1.261 con lợn.

Trên địa bàn Thị xã Hồng Lĩnh, huyện Can Lộc và huyện Nghi Xuân phát dịch lở mồm long móng với 334 con trâu, bò, heo bị mắc bệnh.

Trước tình hình phức tạp của dịch, ông Phạm Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Tĩnh cho biết, Chi cục Thú y đã tiến hành tiêm 45.000 liều vaccine tai xanh, 100.000 liều lở mồm long móng. 50 tấn vôi bột và hóa chất đã được cấp phát để bà con tiêu độc, khử trùng chuồng trại; hạn chế tình trạng tái phát dịch; lập 2 chốt chặn trên Quốc lộ 1 và hơn 50 chốt chặn kiểm dịch tại các xã có dịch và bị dịch uy hiếp.

Toàn tỉnh hiện có 400.000 con heo, 300.000 trâu bò và 5,2 triệu con gia cầm. Việc dập dịch vẫn đang được các cấp tích cực triển khai.

Tại Quảng Nam, địa phương mới vừa công bố hết dịch tai xanh và Đà Nẵng, thị trường tiêu thụ thịt lợn nhiều nhất miền Trung, công tác phòng dịch vẫn được tích cực triển khai nhằm không để dịch tái phát.

Ông Cao Xuân Thái, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đà Nẵng cho biết, Chi cục thường xuyên khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện các biện pháp an toàn sinh học và thường xuyên kiểm tra 8 cơ sở giết mổ lớn trên địa bàn.

Chi cục đã cấp 1.464 lít hóa chất tiêu độc khử trùng tại các cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm, các ổ dịch cũ và nơi giáp ranh vùng dịch vừa qua; lập 3 trạm kiểm dịch tại Quốc lộ 1 và 14 B nhằm tăng cường kiểm soát các việc vận chuyển các sản phẩm gia súc, gia cầm.

Tại Quảng Nam, dịch tai xanh được dập tắt nhưng Chi cục Thú y tỉnh thường xuyên khuyến cáo và có các biện pháp phòng dịch. Đợt dịch tai xanh vừa qua tại Quảng Nam đã bùng phát trên địa bàn 7 huyện, làm 4.400 con heo bị nhiễm bệnh, 1.573 con chết.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi Cá Hồi Thiệt Hại Nặng Sau Lũ Quét Bản Khoang Nuôi Cá Hồi Thiệt Hại Nặng Sau Lũ Quét Bản Khoang

Do suy giảm nguồn cung nên cá hồi tại thị trấn Sa Pa tăng giá khoảng 40-50 nghìn đồng/kg. Nguyên nhân là do hai cơ sở nuôi và cung ứng cá hồi, cá tầm lớn nhất ở Sa Pa bị thiệt hại nặng trong trận lũ quét vừa qua.

16/09/2013
Đưa Hoạt Động Nuôi Chim Yến Vào Khuôn Khổ Đưa Hoạt Động Nuôi Chim Yến Vào Khuôn Khổ

Kinh nghiệm các nước trong khu vực, địa phương có cơ sở nuôi chim yến và các doanh nghiệp cho thấy cần thiết có quy hoạch để phát triển bền vững đồng thời đảm bảo an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh.

23/05/2013
Một Số Bệnh Trên Cây Trồng Và Cách Phòng Trị Một Số Bệnh Trên Cây Trồng Và Cách Phòng Trị

Đối với vết hại cục bộ ở phần thân gốc thì cần cạo sạch vết bệnh, dùng thuốc ALIETTE với nồng độ 0,5% quét vào vết bệnh. Đối với những cây có bệnh nhẹ thì cần phun ALIETTE với nồng độ 0,3% lên toàn bộ thân cây. Cần chú ý đào rãnh thoát nước tốt cho vườn cây, tránh tình trạng ngập úng cục bộ.

30/07/2013
Mở Rộng Đối Tượng Xét Nghiệm Tôm Giống Miễn Phí Mở Rộng Đối Tượng Xét Nghiệm Tôm Giống Miễn Phí

Nhằm nâng cao ý thức cho người nuôi tôm trong việc sử dụng tôm giống qua xét nghiệm, góp phần hạn chế dịch bệnh, đề án xét nghiệm bệnh tôm miễn phí cho hộ nghèo và cận nghèo được triển khai hơn 1 năm qua.

17/09/2013
Tiềm Năng Cây Đậu Nành Ở Đá Bạc (Bà Rịa – Vũng Tàu) Tiềm Năng Cây Đậu Nành Ở Đá Bạc (Bà Rịa – Vũng Tàu)

Trung tâm khuyến nông tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã phối hợp với Công ty Bunge (Hoa Kỳ) thí điểm trồng cây đậu nành thay thế cây bắp tại xã Đá Bạc (H.Châu Đức). Đến thời điểm này, mô hình này đã mang lại hiệu quả bước đầu cho bà con nông dân trong xã.

12/11/2012